Hé lộ hơn 8.500 tỷ EVN "huy động" từ công ty niêm yết
Tới 30/6/2012, EVN đang “huy động” hơn 8.650 tỷ đồng từ các công ty con là nhà máy điện niêm yết, tăng hơn 5.000 tỷ so với cuối năm 2008.
- 06-03-2013Tài "đào mỏ" của ông đại cổ đông
Suốt từ năm 2011 tới nay, EVN luôn ‘nổi tiếng’ với những vụ chiếm dụng vốn cả chục ngàn tỷ đồng của PVN và Vinacomin. Gần đây nhất, trong cuộc họp báo ngày 5/2 tại Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) tố EVN vẫn còn nợ 14.000 tỷ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ. Kết quả là PV Power phải vay hơn 10.000 tỷ làm vốn lưu động và lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do còng lưng trả lãi.
Phải giật gấu vá vai vì lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng, EVN không chỉ nợ dây dưa hai người anh em PVN và Vinacomin mà còn huy động tối đa tiền mặt từ “con cháu trong nhà” để làm vốn lưu động và đầu tư vào các dự án phát điện mới.
Do nắm quyền chi phối, nên EVN có nhiều cách “huy động” khéo léo các công ty con như kéo dài thời gian thanh toán khoản phải thu, vay thương mại lãi suất thấp và nhất là yêu cầu các công ty con dùng tiền mặt nhàn rỗi đầu tư vào các dự án của EVN.
Để giúp bạn đọc hình dung ra phần nào bức tranh “huy động vốn từ các công ty con” của EVN, người viết đã tổng hợp một số thông tin từ BCTC của sáu công ty phát điện niêm yết mà EVN nắm cổ phần chi phối, gồm: Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), Thủy điện Thác Mơ (TMP), Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (VSH) và Thủy điện Thác Bà (TBC).
Tới cuối tháng 6/2012, EVN đang “huy động” hơn 8.650 tỷ đồng từ các công ty con là nhà máy điện niêm yết, tương đương với tổng VCSH của cả 6 công ty trên và tăng hơn 5.000 tỷ so với cuối năm 2008.
Tổng số tiền EVN “huy động” được tính bằng tổng các khoản phải thu, cho vay, đầu tư vào dự án điện do EVN chi phối và đầu tư/ủy thác đầu tư với EVN Finance.
Trong đó, lớn nhất là số dư các khoản phải thu từ công ty mua bán điện của EVN hoặc trực tiếp từ EVN với 3.056 tỷ đồng, trong đó một nửa là nợ PPC.
Với BTP, tuy số dư phải thu từ hoạt động mua bán điện ‘chỉ có’ hơn 556 tỷ đồng nhưng EVN còn nợ một khoản hơn 380 tỷ đồng liên quan đến cổ phần hóa suốt từ năm 2007. Theo thông tin mới nhất từ BTP, tới cuối năm 2012, EVN đã thanh toán được khoản này nhưng vẫn còn nợ phải thu tiền điện 615 tỷ đồng nữa.
Một cách sử dụng tiền của công ty con khác là yêu cầu đầu tư vào các dự án phát điện mới, trong đó đáng chú ý nhất là hai dự án Nhiệt điện Hải Phòng và Nhiệt điện Quảng Ninh.
"PPC là đứa con ‘có hiếu’ nhất của EVN." |
Tới năm 2009 tới nay, ba công ty PPC, BTP và TBC đã được yêu cầu rót tổng cộng 1.356 tỷ vào Nhiệt điện Hải Phòng, chiếm gần một phần tư vốn điều lệ dự án này. Cùng thời gian trên, gần 1.000 tỷ đồng của PPC, BTP và TMP đổ vào Nhiệt điện Quảng Ninh, chiếm 20% vốn điều lệ.
Hiện, sáu công ty trong diện khảo sát đang đầu tư 2.820 tỷ đồng vào các dự án điện cho EVN nắm quyền chi phối.
PPC là đứa con ‘có hiếu’ nhất của EVN. Ngoài những khoản phải thu và đầu tư hàng ngàn tỷ đồng kể trên, PPC còn trực tiếp cho vay ngắn hạn và dài hạn EVN 2.350 tỷ đồng, chiếm hơn 90% các khoản cho vay thương mại EVN của sáu công ty trong diện khảo sát.
Đáng chú ý, khoản vay hơn 1.000 tỷ đồng từ PPC của EVN suốt từ năm 2008 tới nay, tiếng là “ngắn hạn”, tức thời hạn cho vay dưới một năm, nhưng từ năm này qua năm khác, số dư không những không giảm, mà hiện đã tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng. Trong BCTC kiểm toán năm 2012, PPC chú thích đây là khoản tiền EVN “huy động vốn từ Công ty”.
Tổng cộng, tại thời điểm giữa năm 2012, số tiền PPC chuyển về cho công ty mẹ lên tới 6.166 tỷ đồng, tương đương 175% vốn chủ sở hữu của PPC. Ngày 12/6 năm ngoái, PPC còn ký thỏa thuận cho phép Công ty mua bán điện của EVN được phép thanh toán chậm hơn so với lịch trình thanh toán trong hợp đồng mua bán điện.
Số tiền bị EVN “huy động” thường chiếm phần lớn tài sản của các công ty con (không tính tài sản cố định, xem đồ thị dưới). Tới giữa năm 2012, trung bình tỷ lệ tài sản bị EVN “huy động vốn” lên tới 65%. Trong đó, cao nhất là BTP khi tỷ lệ này luôn xấp xỉ 90% trong suốt giai đoạn từ 2008 tới giữa năm 2012.
Việt Dũng
Trí Thức Trẻ