Giới đầu tư đặc biệt quan
tâm đến chủ trương tái cấu trúc của Tập đoàn Hoàng
Anh Gia Lai (HOSE: HAG), thành lập 5 tổng công ty con quản lý
5 ngành kinh doanh chính là bất động sản, cao su, khoáng
sản, thủy điện và sản xuất gỗ, đá cũng như việc
bán cổ phần tổng công ty bất động sản và khoáng sản
cho đối tác chiến lược thu về không dưới 1.500 tỷ
đồng.
Báo Đầu tư chứng khoán đã
trao đổi với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập
đoàn Hoàng Anh Gia Lai về vấn đề này.
Thưa ông, Nghị quyết HĐQT
ngày 16/6 đã thông qua chủ trương tái cấu trúc Tập đoàn
Hoàng Anh Gia Lai. Vậy hoạt động này được thực hiện
như thế nào?
Cấu trúc mới của Tập đoàn
gồm 1 công ty mẹ và 5 tổng công ty con quản lý 5 ngành
kinh doanh chính là bất động sản, cao su, khoáng sản,
thủy điện và sản xuất gỗ, đá.
Trong năm nay, HAG sẽ bán 10% cổ
phần Tổng công ty bất động sản (là Công ty Phát triển
Nhà Hoàng Anh Gia Lai) và sau đó là Tổng công ty khoáng
sản, cho đối tác chiến lược và chuẩn bị IPO, đưa
các công ty này lên niêm yết trong tương lai.
Bất động
sản và khoáng sản là hai lĩnh vực có doanh thu và lợi
nhuận thì làm trước, sang năm có thể làm thủy điện
và năm sau nữa là cao su.
Mục tiêu của chiến lược
tái cấu trúc tập đoàn là gì thưa ông?
Thứ nhất là tạo minh bạch
trong quản trị hệ thống, tăng cường khả năng cạnh
tranh ở các tổng công ty con. Sau khi bán cổ phần cho đối
tác chiến lược thì ở Tổng công ty con sẽ có HĐQT, Ban
điều hành riêng chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn.
Thứ hai, việc bán cổ phần tổng
công ty con, lấy vốn về công ty mẹ điều tiết đầu tư
là bài toán chống pha loãng cổ phiếu công ty mẹ HAG.
Công ty mẹ thu được nguốn vốn lớn để đầu tư dài
hạn mà không cần phải phát hành thêm cổ phiếu.
Thứ ba là Hoàng Anh Gia Lai muốn
cho thị trường biết HAG không chỉ dẫn đầu về một
lĩnh vực mà cả 4 lĩnh vực kinh doanh chính đều dẫn
đầu. Bất động sản HAGL vẫn duy trì vị trí số 1 ở
phân khúc đầu tư chung cư cao tầng, đóng góp 1800 tỷ
đồng lợi nhuận năm nay.
Trong khối doanh nghiệp tư nhân,
lĩnh vực thủy điện HAGL dẫn đầu với 17 dự án, HAG
có diện tích trồng cao su lớn nhất (chỉ đứng sau Tổng
công ty Cao su Việt Nam), khoáng sản cũng dẫn đầu khối
doanh nghiệp ngoài quốc doanh về trữ lượng ở các mỏ
đang sở hữu.
Trong 3 năm qua, thị trường chứng
kiến một số tập đoàn lớn, cả nhà nước và tư nhân
thành lập các công ty con, dẫn đến mẫu thuẫn quyền
lợi giữa cổ đông bên ngoài với cổ đông lớn hay lãnh
đạo công ty. Có ý kiến lo ngại về vấn đề này khi
HAG công bố thành lập tổng công ty con?
HAGL không bao giờ lặp lại vết
xe đổ này. Cụ thể, công ty mẹ HAGL đang sở hữu 99%
vốn của Tổng công ty cổ phần phát triển Nhà Hoàng ANh
GIa Lai. Không một lãnh đạo nào của Tập đoàn kể cả
tôi có cổ phần ở công ty này. Việc tái cấu trúc cũng
giúp quản trị tốt hơn cả hệ thống, các giao dịch nội
bộ minh bạch.
Nhà đầu tư cho rằng, bất động
sản là lĩnh vực kinh doanh chính của HAGL. Việc mở rộng
đầu tư sang các lĩnh vực mà HAGL không có nhiều kinh
nghiệm như cao su, thủy điện, khoáng sản sẽ có rủi
ro?
HAGL đã nghiên cứu triển khai
đầu tư vào cao su, thủy điện, khoáng sản từ lâu. Đây
là đầu tư trung và dài hạn nên chưa đóng góp lợi
nhuận trong mấy năm trước, mà chủ yếu mới chỉ có
lợi nhuận từ bất động sản nên nhiều người có cảm
giác đây là lĩnh vực đầu tư mới của HAG.
Cao su, thủy điện, khoáng sản
là lĩnh vực đầu tư an toàn, không bỏ vốn nhiều, lợi
nhuận ổn định. Các lĩnh vực này gắn với tài nguyên,
là lợi thế của HAG vì chúng tôi nằm ở Tây Nguyên giáp
với Nam Lào và Campuchia. Đây là lợi thế mà những đơn
vị khác không có được.
Bất động sản vẫn là nguồn
thu cơ bản ổn định, tạo nguồn tiền để đầu tư vào
các lĩnh vực khác. Với những dự án như Phú Hoàng Anh,
Hoàng Anh River View, An Tiến mà HAG đã bán và thu tiền
40%, còn lại 6.000 tỷ đồng phải thu của khách hàng đóng
theo tiến độ xây dựng dự án trong vòng 2 năm.
Một số
dự án khác HAG đang chuẩn bị triển khai xây dựng. Kế
hoạch mỗi năm HAG bán ra thị trường 2.000 căn hộ.
Thưa ông, trong tổng tài sản
của HAG bao nhiêu phần trăm đã tạo ra lợi nhuận, còn
bao nhiêu đang ở dạng tiềm năng?
Vốn chủ sở hữu của HAG hiện
là 7.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến hết năm nay lên
đến 9.600 tỷ đồng. Mới chỉ có khoảng 25% vốn tạo
ra lợi nhuận năm nay, còn lại 75% nguồn vốn được đầu
tư vào dự án tiềm năng cao su, khoáng sản, thủy điện
và quỹ đất sạch chưa thi công.
Hoàng Anh Gia Lai đã tìm được
đối tác chiến lược cho tổng công ty bất động sản
và khoáng sản chưa thưa ông? Ông có thể cho biết những
thông tin cơ bản về hai tổng công ty này sau khi cơ cấu
lại tập đoàn?
Hiện có nhiều đối tác quan tâm
muốn mua cổ phần của Tổng công ty bất động sản và
khoáng sản. Đây là hai lĩnh vực đã đóng góp chính vào
doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn.
Tổng công ty bất động sản dự
kiến có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng sở hữu 20 dự
án lớn có tổng diện tích 694.681 m2, tổng diện tích
kinh doanh là 2,2 triệu m2.
Với giá bán bình quân là 1.000
USD/m2 thì tổng doanh thu phải thu là 40.000 tỷ đồng. Sau
khi trừ đi chi phí xây dựng, chí phí đất phải trả thì
dòng tiền thuần trước thuế thu nhập còn lại là 27.000
tỷ đồng.
Tổng công ty khoáng sản dự kiến
vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng, sở hữu các mỏ
quặng sắt ở Campuchia, Lào và Việt Nam với trữ lượng
60 triệu tấn.
Công ty mẹ HAG sẽ thu về bao
nhiêu từ việc bán cổ phần của hai Tổng công ty này
cho đối tác chiến lược?
HAG sẽ thu về tối thiếu 1.500
tỷ đồng bán 10% cổ phần hai tổng công ty bất động
sản và khoáng sản.
Theo Thu Hương
Đầu tư chứng khoán