Hội nhập - Lối ra hoặc bước lùi
Trong không gian hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng mở rộng, vận hội mới mang lại không nhỏ nhưng các thách thức cũng đan xen khắc nghiệt. Để tồn tại và phát triển cùng thời đại, yếu tố mấu chốt là tăng tính cạnh tranh nền kinh tế.
- 07-09-2015Các nguồn thu để đảm bảo hoạt động của VCCI có từ đâu?
- 28-08-2015VCCI lấy đâu ra con số 70% số doanh nghiệp không lãi?
- 07-11-2014VCCI: Doanh nghiệp tiếp tục "kêu" về các thủ tục thuế, hải quan
- 15-10-2014Chủ tịch VCCI: "Doanh nhân cũng như ánh sáng và không khí"
Ông Vũ Tiến Lộc , Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã trao đổi với PV những vấn đề đặt ra trong năm mới 2016.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nước ta cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, đâu là điểm khiến ông lo ngại trong tiến trình hội nhập?
Ông VŨ TIẾN LỘC: - Nông sản của Việt Nam được sản xuất chủ yếu bởi các hộ gia đình. Một nền nông nghiệp được điều hành bởi các hộ tiểu nông nên không thể nào sản xuất với giá thành thấp được, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập thế giới sâu rộng hiện nay, sản xuất nông nghiệp không có quy mô lớn sẽ không thể cạnh tranh được vì không có công nghệ. Kéo theo đó là những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm và đối mặt với các rào cản kỹ thuật. Vừa qua, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn chưa có thương hiệu, chất lượng vẫn chưa tăng.
Thí dụ, sản phẩm gạo, cá basa, tôm là niềm tự hào của Việt Nam, được ca ngợi nhiều, nhưng hơn 20 năm xuất khẩu gạo chúng ta cũng không có thương hiệu, chất lượng không tăng, không chiếm lĩnh được phân khúc cao của thị trường và vẫn chỉ ở phân khúc giá rẻ. Thực tế chúng ta đang có nhà buôn gạo chứ chưa có doanh nghiệp sản xuất gạo, chủ yếu là hộ sản xuất nên nhỏ, lẻ tẻ. Hay như cá và tôm.
Trước đây chúng ta tự hào khi cá basa bán vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng hiện giờ nguy hiểm là cá và tôm đang mất uy tín tại thị trường này và cả EU do chúng ta không kiểm soát được chất lượng. Tôm, cá bị mất hình ảnh nên phải đưa sang các thị trường khác như Trung Quốc, châu Phi. Mặt hàng của chúng ta mất uy tín do cách làm ăn tiểu nông, không bền vững, nên từ lúc chiếm lĩnh thị trường cao cấp như EU, Hoa Kỳ giờ đang phải sang Trung Quốc.
Bán hàng sang Trung Quốc có thể lại bị lệ thuộc, lại được mùa mất giá, bấp bênh với sản phẩm của mình. Nếu nhìn kỹ, bức tranh nông sản của ta đang có xu hướng bất lợi. Khi chúng ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, chúng ta đang nói đến cơ hội mở rộng thị trường, trước hết là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động (dệt may, gia dày...) nhưng nông sản vẫn bài toàn chưa có lối ra, thậm chí là bước lùi.
- Vai trò của doanh nghiệp là quan trọng, nhưng làm thế nào để lĩnh vực nông nghiệp thoát khỏi cảnh này, thưa ông?
- Niềm tin là quan trọng. Nếu mất niềm tin sẽ mất cả thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân. Thí dụ, sau một thời gian không tin tưởng nông sản Trung Quốc, nhiều nước chuyển sang tin hàng Thái Lan, Singapore chứ không phải Việt Nam. Thực tế đó cho thấy bài toán trong ngành nông nghiệp sẽ là thách thức lớn nhất. Hiện các doanh nghiệp lớn bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp.
Đây là bước đi quan trọng để hiện đại hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện mới chỉ là xu hướng, vấn đề làm sao phải trở thành hành vi của 70-80% doanh nghiệp, chứ không phải chỉ vài phần trăm. Do vậy, cần phải tìm ra những phương thức sản xuất mới, vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Khi có phương thức sản xuất, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò hạt nhân, liên kết và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thông qua những sáng kiến mô hình sản xuất kinh doanh với hàm lượng công nghệ, chất lượng cao, đặc biệt có sự liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị.
- Theo ông, trước thực trạng như vậy chúng ta phải làm gì?
- VCCI đang tính toán nhảy vào lĩnh vực này để hiến kế làm các chuỗi nông sản, thủy sản, gạo… Bởi lẽ nền nông nghiệp có thể vượt qua rào cản về thuế quan, xuất xứ nhưng chưa vượt được hàng rào về kỹ thuật, an toàn vệ sinh, do đó phải thay đổi tư duy, cách thức sản xuất. Điều này Chính phủ cũng đã làm nhưng quan trọng là doanh nghiệp cũng phải thay đổi, phải quyết liệt làm để đem lại giá trị cao cho đất nước. Chính phủ đột phá về thể chế, doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, nâng hạng mình lên, để mình trở thành các đối tác tin cậy trên thế giới, nếu không ta sẽ mất thương hiệu tại các thị trường lớn.
- Vì sao doanh nghiệp Việt Nam chưa vượt qua được các rào cản, thâm nhập mạnh vào thị trường thế giới?
- Các FTA hầu hết chỉ giải quyết vấn đề thuế, gỡ thuế, trong khi hàng rào kỹ thuật còn nguyên, thậm chí cao hơn. Thách thức của ta là vượt hàng rào và đây có vẻ cũng là điều khiến doanh nghiệp lúng túng nhất. Thí dụ, chúng ta có quan hệ với Singapore, có sự kết nối 2 nền kinh tế nhưng hoa quả Việt Nam chưa bao giờ vào được Singapore. Cùng với Singapore, Hồng Công cũng là thị trường không có thuế nhưng hoa quả cũng không vào được vì không vượt được qua hàng rào kỹ thuật, vượt qua được yêu cầu về chất lượng.
Tại sao Thái Lan làm được còn chúng ta thì không? Chính là do khâu tổ chức sản xuất. Vì thế, yêu cầu sản xuất chuỗi trong nông nghiệp thông qua cách thức tổ chức sản xuất đang là yêu cầu cấp bách. Việc triển khai tuyên truyền về hội nhập có lẽ bắt đầu cụ thể như ngành nông nghiệp. Bởi lẽ thoát khỏi tư duy làm ăn tiểu nông là thách thức lớn nhất. Nếu làm được mới có thể biến nông sản trở thành lợi thế và như vậy, Luật Đất đai phải sửa đổi để doanh nghiệp có thể vào được. Người nông dân không thể hội nhập mà phải là doanh nghiệp, mới đủ tư thế tiến công.
- Xin cảm ơn ông.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính