Hủy niêm yết, "bản án" lơ lửng
Với những vi phạm có tính hệ thống, hoàn toàn phớt lờ việc công bố thông tin, việc hủy niêm yết đối với các cổ phiếu chỉ là vấn đề thời gian.
Thời gian gần đây, việc hủy niêm yết bắt buộc không còn là trường hợp hiếm hoi. Nó như hệ quả tất yếu của một giai đoạn kinh tế suy thoái, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một trong những lý do các doanh nghiệp bị hủy niêm yết phổ biến nhất là do thua lỗ 3 năm liên tiếp - là một trường hợp tương đối dễ dự đoán. Bất kỳ doanh nghiệp nào đã có 2 năm thua lỗ, nhà đầu tư luôn dõi theo kết quả kinh doanh kiểm toán năm thứ 3 để đoán biết "vận mệnh" cổ phiếu mình nắm giữ.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào việc hủy niêm yết cũng có thể được đoán biết trước và đón nhận một cách "bình tĩnh" như vậy.
Gần đây, cổ phiếu AVF của Công ty cổ phần Việt An (Anvifish) vừa bị hủy niêm yết. Cái mà cổ đông AVF chờ đợi không phải là quyết định này, mà là thông tin chính thức về kết quả kinh doanh của công ty (báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014) sau khoản lỗ khổng lồ căn cứ báo cáo công ty tự lập. Sau nhiều lần bị nhắc nhở việc chậm công bố thông tin, cổ phiếu AVF bất ngờ nhận "trát" hủy niêm yết, chấm dứt cơ hội "khắc phục tình trạng bị kiểm soát".
Cũng cần nhắc lại, cổ phiếu AVF bị hủy niêm yết không phải vì khoản lỗ đến khó tin năm 2014, mà vì việc công ty mãi không chịu công bố báo cáo tài chính kiểm toán!
Cổ phiếu MAX của CTCP Khai khoáng và Cơ khí Hữu nghị Vĩnh Sinh cũng vừa rơi vào diện hủy niêm yết khi không công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2014, báo cáo tài chính quý 4/2014 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014.
Trước đó, không hiếm cổ phiếu đã bị hủy niêm yết với lý do vi phạm công bố thông tin. Có thể kể đến HTB (CTCP Xây dựng Huy Thắng), DCC (Descon), GBS (Chứng khoán Golden Bridge),...
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hủy niêm yết thực chất đã là lựa chọn của doanh nghiệp. Nếu chờ ĐHCĐ thông qua sẽ tương đối phức tạp. "Chỉ cần" phớt lờ công bố thông tin, việc hủy niêm yết của các doanh nghiệp trở nên nhanh nhẹn và gọn nhẹ hơn rất nhiều. Đó lại là một câu chuyện khác...
Ngày 3/6/2014, một loạt công ty bị đưa vào diện kiểm soát. Trên sàn HNX là OCH (Ocean Hospitality), SRA (Sara Việt Nam) Trên sàn HSX có OGC (Tập đoàn Đại Dương) bị rơi vào diện cảnh báo.
Có thể thấy rằng, cùng với một loại vi phạm công bố thông tin, nhưng OCH và SRA có vẻ bị phạt với "tội danh" nặng hơn. Cổ phiếu OGC, sau rất nhiều lần bị nhắc nhở, hiện vẫn chưa rơi vào diện kiểm soát. Ai cũng biết, bước tiếp theo của việc bị kiểm soát chính là hủy niêm yết. Lần nhắc nhở gần đây nhất đối với OGC là lần thứ 4!
Cũng với HSX, cổ phiếu AVF sau 3 lần nhắc nhở chậm công bố thông tin, đã bị hủy niêm yết! Tất nhiên, trước đó cổ phiếu AVF cũng đã thuộc diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2014.
Nói như vậy để thấy rằng, với những vi phạm có tính hệ thống, hoàn toàn phớt lờ việc công bố thông tin, việc hủy niêm yết đối với các cổ phiếu chỉ là vấn đề thời gian. Đối với cổ đông, việc "hóng" một thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng có thể giúp đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất.
Tài chính Plus