MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế sách của doanh nghiệp thời khủng hoảng?

19-03-2013 - 09:58 AM | Doanh nghiệp

Quản trị dòng tiền là khâu then chốt, nếu doanh nghiệp sử dụng dòng tiền tốt sẽ vượt qua khủng hoảng.

Chia sẻ tại Diễn đàn CEO “Quản trị khủng hoảng” do Thời báo Kinh Tế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, quản trị dòng tiền là khâu then chốt. Nếu doanh nghiệp (DN) sử dụng dòng tiền tốt sẽ vượt qua khủng hoảng. Do đó DN phải cắt những chi phí không hợp lý, những khoản đầu tư không có lời.

Đừng cạnh tranh kiểu “ăn xổi”!

Trong ba năm từ 2008 đến 2011, cổ phiếu của Hoa Sen tụt dốc rất mạnh, hơn 60.000 đồng/cổ phiếu năm 2008 giảm xuống còn khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2011. Trong nhiều năm liên tục lãnh đạo DN vô cùng vất vả, nhức đầu vì kinh tế khủng hoảng. “Đích thân tôi phải nằm vùng tại các nhà máy trong ba năm liền, nhờ đó cổ phiếu của Hoa Sen giờ cũng tăng được gấp bốn lần, xấp xỉ 34.000 đồng/cổ phiếu” - ông Lê Phước Vũ cho biết như vậy.

Cũng theo ông Vũ, nhờ quản trị dòng tiền tốt nên doanh số của DN tăng dần theo từng năm, từ 2.000 tỉ đồng năm 2008 lên 10.000 tỉ đồng năm 2012. Năm nay dự kiến phấn đấu 12.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2013-2017 phấn đấu đạt mốc doanh thu 1 tỉ USD. Kết quả kinh doanh tháng 2 cho thấy DN đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất cao nhất trong năm tháng qua và ước đạt 67,2 tỉ đồng.

Trong khủng hoảng, bản thân mỗi DN phải nhìn lại mình. Trong thời gian qua, hầu như các DN cạnh tranh mang tính thời cơ nhiều hơn là cạnh tranh bền vững. Trong nhiều năm liền, những lĩnh vực mang tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản… đã hút đi khá lớn nguồn lực quốc gia. 

Các DN cạnh tranh bằng giá, bằng cơ hội sẽ không thể bền vững bằng cạnh tranh bằng chất lượng. “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là có, song yếu kém nội lực cũng là nguyên nhân tạo ra khủng hoảng. DN nội địa phải soi lại nội lực và rút ra bài học rằng phải đầu tư thực sự, đừng quá chạy theo đầu cơ, hành xử có trách nhiệm đối với đồng vốn của cộng đồng” - người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nhấn mạnh.

Ngoài ra, một trong những quyết định khó khăn nhất của DN chính là thoái vốn kịp thời ra khỏi những dự án không phải “cốt lõi” của DN này như bất động sản hay cảng biển. “Khi tiến hành điều này DN phải chấp nhận thiệt thòi nhưng trong kinh doanh không có cái gì không phải trả giá cả. Đó là triết lý kinh doanh của chúng tôi. Bên cạnh đó trong khủng hoảng, DN vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, để làm được chuyện này, người lãnh đạo phải có mặt ở tiền tuyến để động viên nhân viên, đốc thúc công việc của công ty” - ông Vũ bật mí.

DN chủ động tự tái cơ cấu, kiểm soát chi phí

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế trong năm 2013 vẫn còn. Thị trường tiền tệ thực sự chưa ổn định, lãi suất cho vay ưu tiên đã giảm nhưng vẫn còn cao, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là tiếp cận vốn,… Để vượt qua các khó khăn trên, bản thân các DN cần chủ động tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ các tính toán yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí. Khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất. Các DN cần thay đổi phương thức huy động nguồn vốn theo hướng đa dạng hóa như phát hành trái phiếu, bán cổ phần,…

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KHĐT), tính đến hết tháng 1-2013, tính sơ bộ cả nước có hơn 10.000 lao động đang bị nợ lương với tổng số tiền hơn 70 tỉ đồng, trong đó DNNN nợ hơn 11 tỉ đồng, DN có vốn đầu tư nước ngoài 179 triệu đồng, DN tư nhân hơn 50 tỉ đồng,

Theo chuyên gia kinh tế-TS Trần Du Lịch, trong năm 2013, nền kinh tế trong nước đang đối diện với những thách thức ngắn hạn. Thứ nhất, nguy cơ lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm tình hình kinh tế khó khăn hơn. Lạm phát hai tháng đầu năm đã hơn 2,59%. Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị nghẹn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn, tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài, khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn.

Thứ ba, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, khó đáp ứng mong đợi của DN, do hoạt động kém hiệu quả của hệ thống NHTM. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm 7%-8% thì lãi suất cho vay thực dương theo lãi suất vay phổ biến hiện nay sẽ rất cao (6%-7%). Với mức đó sẽ không kích thích được các DN có thị trường đầu tư mở rộng và làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất.


Theo Trà Phương

thunm

Pháp luật Tp.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên