Khánh Hòa: Nhà máy Khatoco xả thải, còn dân hứng chịu
Người dân địa phương không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi các giải pháp mà lãnh đạo doanh nghiệp này hứa hẹn trước dân.
Vậy là sau 2 tháng ngưng hoạt động để thực hiện giải pháp để chấm dứt tình trạng ô nhiễm, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Công ty Khatoco tiếp tục bị người dân phản ứng gay gắt.
Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận: “Chúng tôi khẳng định, môi trường có ảnh hưởng đến tình hình và đời sống của nhân dân ở khu vự. Giải pháp cuối cùng là sẽ dừng hoạt động, nếu Nhà máy thuốc lá không khắc phục được tình trạng này”.
Ông Đặng Thái Luyện, Giám đốc Công ty Khatoco cho biết, đã sử dụng 6 máy ôzon, phát tia cực tím... trong dây chuyền, nên đơn vị đã xử lý từ 90% đến 95%, nếu không thì mùi thuốc lá thực sự kinh khủng!. “Những bức xúc của dân khiến chúng tôi cũng đau lòng. Thời gian vừa qua, chúng tôi chưa đảm bảo cuộc sống yên bình cho cuộc sống người dân xung quanh. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiến hành giải pháp cao hơn nữa để giảm thiểu mùi và bụi” – ông Luyện nói.
Nhà máy này nằm trong Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Đắc Lộc đã được quy hoạch, lại là doanh nghiệp nhà nước nên việc di dời nhà máy sẽ tốn kém bội phần. Mặt khác, Tổng Công ty Khánh Việt - Khatoco là doanh nghiệp Nhà nước địa phương, đóng góp đến một nửa ngân sách cho tỉnh Khánh Hòa, trong đó, có vai trò của Công ty Khatoco. Ông Đặng Thái Luyện, Giám đốc Công ty Khatoco tính toán, mỗi ngày nhà máy ngưng hoạt động thì 60 tấn lá thuốc nguyên liệu nằm tại chỗ, tương đương với 6 tỷ đồng giá trị sản phẩm. Vị chi, mỗi tháng doanh nghiệp này mất đi 156 tỷ đồng, một năm là con số gần 1.900 tỷ đồng đồng.
Phải chăng, vì lợi nhuận mà Khatoco mang lại nên UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn còn còn dùng dằng?.
Các hộ dân thôn Đắc Lộc đã hiến ruộng vườn để làm Cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Đắc Lộc để mong có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng do thiếu sót ban đầu trong khâu quy hoạch vùng đệm của Khu công nghiệp, đến quyết định giao mặt bằng cho dự án Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá Khatoco, nay người dân nơi đây phải lĩnh trọn hậu quả của cách làm thiếu trách nhiệm.
Ông Mai Hữu Thu, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: “Bài học rút ra từ việc quy hoạch, bố trí nhà máy gần khu dân cư cần rút kinh nghiệm nghiêm túcđể làm tốt hơn trong thời gian tới. Hiện nay biện pháp tốt nhất là phải tiến hành thương lượng, giải quyết cùng với dân”.
Nhà máy gây ô nhiễm... người dân phải gánh chịu. Đây là bài học đắt giá trong việc quy hoạch các cụm công nghiệp, khu công nghiệp nằm xen lẫn khu dân cư./.
Theo Hải Sơn-Thái Bình