MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó ban hành đủ Danh mục hàng hóa XNK có kèm mã HS

06-02-2015 - 15:59 PM | Doanh nghiệp

Hiện nay không có Danh mục hàng hóa thủy sản phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Xin ông cho biết, là Bộ có tới 18 nhóm hàng hóa cần ban hành Danh mục hàng hóa XNK phải quản lý theo giấy phép chuyên ngành, Bộ NN&PTNT đã triển khai công tác này như thế nào?

Để phục vụ công tác quản lý XNK hàng hóa chuyên ngành, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và công bố các danh mục hàng hóa được phép sử dụng hoặc lưu hành, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng, trong đó một số chuyên ngành đã có áp mã HS.

Cụ thể: Đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật, Bộ đã có Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5-9-2014 về Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi NK vào Việt Nam.

 

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT).

Đối với danh mục động vật, sản phẩm động vật, thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện kiểm dịch, Bộ đã có Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25-7-2005 ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch; Thông tư 32/2012/TT-BNNPTNT ngày 20-7-2012 ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản; Danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch.

Trong lĩnh vực giống cây trồng, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh. Đối tượng được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật gồm lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai tây. Việc công bố hợp quy giống cây trồng được quy định tại Thông tư số 79/2011/TT-BNNPTNT ngày 14-11-2011.

Ở lĩnh vực phân bón, đối tượng được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật gồm phân hữu cơ và phân bón khác. Việc công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác được quy định tại Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13-11-2014.

Đối với mặt hàng thường xuyên diễn ra hoạt động XNK khá sôi nổi là thủy sản thì sao, thưa ông?

Đối với hàng hóa thủy sản: Căn cứ quy định tại Điều 41 của Luật An toàn thực phẩm (thực phẩm XK phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước NK theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan) và quy định tại Điều 24 và Phụ lục IX của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12-11-2013 của Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đã cập nhật và định kỳ thông báo cho Tổng cục Hải quan danh sách các cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được phép chế biến thủy sản XK vào các thị trường (cơ quan thẩm quyền có yêu cầu chứng nhận an toàn thực phẩm của Nafiqad).

Dựa vào đó, cơ quan Hải quan các cửa khẩu có thể cho phép làm thủ tục thông quan đối với các lô hàng được chế biến từ các cơ sở trong danh sách. Do vậy, hiện nay không có Danh mục hàng hóa thủy sản phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong đó có yêu cầu các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành Danh mục hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành có hiệu lực gần một năm. Đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đã triển khai việc thực thi Nghị định như thế nào, thưa ông?

Về việc quản lý XNK hàng hóa chuyên ngành do Bộ NN&PTNT quản lý: Sau khi Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 ra đời thay thế Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã tiến hành xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP (Thông tư này được ban hành sẽ chấm dứt hiệu lực thi hành của Thông tư 88/2011/TT-BNNPTNT ngày 28-12-2011).

Hiện nay, các đơn vị trong bộ đã xây dựng xong dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính Nhà nước và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị trong bộ đang rà soát lại dự thảo để giảm thời gian cấp phép, đơn giản hóa hồ sơ cấp phép. Dự kiến, Thông tư hướng dẫn sẽ ban hành trong tháng 2 này.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc mà Bộ NN&PTNT gặp phải trong quá trình ban hành Danh mục hàng hóa XNK phải quản lý theo giấy phép chuyên ngành?

Do số lượng chủng loại hàng hóa thuộc diện phải đưa vào quản lý khá nhiều và phức tạp về mặt phân loại mô tả hàng hóa nên việc ban hành Danh mục hàng hóa XNK có kèm mã HS thống nhất với các quy định của quốc tế chưa thực hiện được một cách đầy đủ và toàn diện.

Ví dụ như danh mục động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm quy định tại các Phụ lục của CITES và tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là rất lớn (khoảng trên 35.000 loài), do vậy không thể quy định mã HS cho từng loại hàng hóa đối với các loài động vật, thực vật hoang dã. Một số lĩnh vực khác như chăn nuôi, phân bón, thú y... cũng ở trong tình trạng tương tự.

Xin ông cho biết, Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để nhanh chóng hoàn thiện Danh mục hàng hóa XNK phải quản lý theo giấy phép chuyên ngành kể trên?

Bộ NN&PTNT đã cử cán bộ đầu mối thuộc các đơn vị quản lý chuyên ngành của bộ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan-cơ quan được Chính phủ giao áp mã và công bố danh mục mã HS để rà soát, áp mã HS cho các hàng hóa XNK ngành nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG):

Danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành không rõ ràng, gây khó cho DN

Hiện đang có khoảng 50-60% hàng hóa NK thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành. Trên thực tế, có thể thời gian thực hiện các thủ tục hải quan chỉ khoảng 30%, còn lại là thực hiện các quy định quản lý chuyên ngành (như kiểm định, kiểm dịch...) do các bộ, ngành khác quy định. Điều đáng nói là, danh mục hàng hóa cần phải kiểm tra, kiểm định do các bộ công bố rất nhiều nhưng lại thiếu rõ ràng (không xác định được mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra), gây khó cho DN. Ví dụ, suốt thời gian dài trước đây, Bộ NN&PTNT yêu cầu gỗ và sản phẩm làm từ gỗ phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, dó đó có thể DN chỉ NK cái ghế cũng thuộc đối tượng kiểm tra.

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động thương mại qua biên giới, tạo thuận lợi cho DN, các bộ, ngành cần rà soát lại danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành nhằm giảm bớt đến mức tối thiểu danh mục, đồng thời mô tả danh mục rõ ràng hơn; ban hành các quy chuẩn các sản phẩm thuộc danh mục để làm căn cứ kiểm tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần ban hành thông tư hướng dẫn phương pháp quản lý, kiểm tra, giám sát: Chỉ định rõ cơ quan kiểm tra, phân loại hàng hóa nào cần kiểm tra ở cửa khẩu, những loại hàng hóa nào đưa về tuyến sau. Cùng với đó là đơn giản hóa hoặc sử dụng thông tin lẫn nhau giữa các bộ, ngành khi thực hiện lấy mẫu, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn; mở rộng sự thừa nhận lẫn nhau về chất lượng hàng hóa với các nước, đặc biệt là các nước phát triển nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho hoạt động XNK.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Cần giảm bớt mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành

Các DN trong ngành dệt may đã và đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai các quy định liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. Điển hình là theo nội dung Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, sản phẩm sợi nói chung cũng thuộc đối tượng phải kiểm dịch. Điều này dường như khá vô lý bởi sợi là mặt hàng đã trải qua quá trình sản xuất công nghiệp. Mặt hàng này khó có thể ảnh hưởng đến thực vật hay cây trồng trong nước. Từ ngày 1-1-2015, khi Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5-9-2014 thay thế Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT chính thức có hiệu lực, mặt hàng sợi đã được quy định rõ ràng hơn là sợi tự nhiên dạng thô nhưng còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết triệt để.

Để giúp DN giảm các chi phí không đáng có khi NK hàng hóa, điều quan trọng là các bộ, ngành cần giảm bớt mặt hàng nằm trong danh mục phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Những thiệt hại do sự rườm rà, vướng mắc trong quá trình kiểm tra không phải do DN gây ra nhưng DN lại trực tiếp hứng chịu.

 

Theo Uyển Như

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên