MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KPMG & ACCA: Chất lượng quản trị doanh nghiệp của Việt Nam đứng sau Campuchia

23-01-2015 - 11:30 AM | Doanh nghiệp

Theo báo cáo của KPMG và ACCA, điểm số đánh giá về chất lượng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chỉ xếp thứ 22/25, đứng trên Myanmar, Brunei và Lào, thấp hơn Campuchia (thứ 20) và cách xa Thái Lan rất nhiều (thứ 11).

Ngày 20/01/2015, Công ty kiểm toán và tư vấn KPMG tại Việt Nam phối hợp với Đại học RMIT Việt Nam và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) đã tổ chức hội thảo “Phát triển Quản trị Doanh nghiệp: Góc nhìn từ Việt Nam”. Hội thảo cũng là hoạt động đầu tiên của Trung tâm Quản trị doanh nghiệp KPMG - RMIT vừa mới được thành lập.

Tại hội thảo, lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, các nhà quản lý đã thảo luận xoay quanh một nghiên cứu vừa được KPMG và ACCA phối hợp xuất bản mang tựa đề “Cân bằng giữa nguyên tắc và sự linh hoạt”. Nghiên cứu tập trung phân tích các yêu cầu về tính minh bạch, khả năng thực thi và một số công cụ trong quản trị doanh nghiệp đang được áp dụng tại 25 thị trường khác nhau, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo này, điểm số đánh giá về chất lượng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chỉ xếp thứ 22/25, đứng trên Myanmar, Brunei và Lào. Điều đó có nghĩa là điểm số của Việt Nam còn thấp hơn Campuchia (thứ 20) và cách xa Thái Lan rất nhiều (thứ 11).

Ông John Ditty, Giám đốc Tư vấn của KPMG tại Việt Nam, diễn giả chính tại Hội thảo phát biểu: “Dù các chỉ số nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã và đang thực hiện khá tốt một số yếu tố then chốt như tính độc lập của Giám đốc, vai trò của Ban Quản trị và quyền lợi của cổ đông, nhưng vẫn còn một số lĩnh vực cần cải thiện, bao gồm sự đa dạng trong Hội đồng Quản trị, quản lý và bảo toàn rủi ro.”

Trong báo cáo, các chuyên gia tập trung vào 4 yếu tố chính khi đánh giá về năng lực quản trị doanh nghiệp tại một quốc gia.

Thứ nhất là lãnh đạo và văn hóa với các các yếu tố như vai trò của Hội đồng quản trị, hội đồng thành phần, sự đa dạng của ban điều hành, sự độc lập của Giám đốc cùng thời gian và nguồn lực của họ.

Trong yếu tố này, ông Ditty đề cập đến một quy định trong cơ quan nhà nước, đó là yêu cầu kê khai tài sản của các lãnh đạo, cán bộ nhân viên. Ông Ditty cho rằng, việc kê khai tài sản không nên chỉ áp dụng tại doanh nghiệp nhà nước mà cũng nên áp dụng tại các doanh nghiệp cổ phần để tạo sự minh bạch và khiến cổ đông tin tưởng hơn.

Yếu tố thứ hai là chiến lược, tập trung vào việc khuyến khích những hành vi đúng để đem lại hiệu quả. Đây là vấn đề liên quan đến thù lao của Hội đồng quản trị, cấu trúc tiền công cùng hệ thống đánh giá hiệu quả làm việc.

Thứ ba, báo cáo đánh giá về giám sát và tuân thủ. Việc này được dựa trên các yếu tố về hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ.

Cuối cùng là các bên liên quan. Cụ thể là sự bảo vệ, giao tiếp và phối hợp với cổ đông.

Ông Ditty cho biết, mặc dù Việt Nam chỉ xếp thứ 22/25 nhưng thực chất, không nên quá quan tâm về thứ hạng trong báo cáo, bởi lẽ sự đánh giá cũng còn dựa trên những yếu tố đặc thù của quốc gia. Ví dụ như Nhật Bản – một nước công nghiệp nổi tiếng bởi tính quy tắc chuẩn mực và chất lượng làm việc nhưng chỉ xếp thứ 21 – ngay trên Việt Nam. Theo ông Ditty, các Doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động khá khép kín nên không thể hiện điểm chung của cả cộng đồng, vì vậy mà bị đánh giá thấp hơn.

Điều quan trọng hơn cần rút ra sau báo cáo của KPMG và ACCA là làm thế nào để xây dựng một bộ quy chuẩn về quản trị doanh nghiệp.

Cũng tham gia Hội thảo, ông Nguyễn Vũ Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết tại Việt Nam, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 121 quy định về các quy tắc quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng đây chưa phải là một bộ quy tắc chuẩn mực để các doanh nghiệp thực hiện.

Vừa qua, HNX cũng đã tổ chức tuần lễ Quản trị doanh nghiệp (từ ngày 19/01 – 23/01/2015) nhằm mục đích thay đổi nhận thức về quản trị công ty, tăng cường áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch của HNX, hướng tới sự thay đổi về chất của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết, mặc dù bộ quy chuẩn về quản trị doanh nghiệp chưa được hoàn thiện nhưng điều đáng mừng là các doanh nghiệp đều ý thức được rằng, phải tuân theo các quy chuẩn này thì mới có thể nâng cao tính minh bạch, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn và chiếm lĩnh thị trường kinh doanh.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang từng bước hoàn thiện mình để trở nên chuyên nghiệp hơn trong quản trị. Nỗ lực là của mỗi doanh nghiệp nhưng dù thế nào họ cũng mong muốn có sự định hướng, hỗ trợ của các cơ quan quản lý và sự tư vấn của các chuyên gia trong ngành.

>> Quản trị giai đoạn chuyển đổi của Doanh nghiệp

>> Hạn chế trong quản trị dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hải Hà

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên