MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên kế hoạch lãi cao 2016, doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều thách thức!

24-03-2016 - 08:16 AM | Doanh nghiệp

Vấn nạn xâm nhập mặn hiện là biến cố đáng chú ý nhất được cho là sẽ có ảnh hưởng đến KQKD của các doanh nghiệp thủy sản.

Thủy sản đã có một năm 2015 không như mong đợi với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 84,5% so với cùng kỳ, tương đương 6,7 tỷ USD. Bước sang năm 2016, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố: Giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan, thuế chống bán phá giá… Chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ bắt đầu quá trình chuyển tiếp 18 tháng từ ngày 1-3-2016 đặt ra không ít trở ngại cho xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay lao động rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam trong các FTA...

Tuy nhiên với những bản kế hoạch kinh doanh năm 2016 đã được các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán công bố thì có thể thấy những doanh nghiệp này đã sẵn sàng vượt khó và kỳ vọng một kết quả tăng trưởng so với 2015.

Trong đó ấn tượng nhất là kế hoạch của Hùng Vương (HVG), doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu 24.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng mạnh so với thực hiện năm 2015 là 151 tỷ đồng. Trước áp lực hội nhập, lãnh đạo HVG nhìn nhận cơ hội chỉ mở ra với những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, có sự chuẩn bị và đầu tư bài bản. Theo đó trong hơn 10 năm hoạt động, Hùng Vương đã không ngừng đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín của mình. Đến nay, Hùng Vương đã trở thành một công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành, bỏ xa các doanh nghiệp khác về lợi thế cạnh tranh.

Một công ty con khác do HVG sở hữu hơn 79,58% vốn là Agifish (AGF), mặc dù doanh nghiệp này có hoạt động kinh doanh năm 2015 âm 445 triệu đồng nhưng ĐHCĐ niên độ tài chính 2015-2016 đã thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp này mới đây đã tiến hành thay đổi nhân sự trong ban Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Văn Ký sẽ giữ chức vụ Tổng Giám đốc thay cho ông Phù Thanh Danh; còn ông Võ Thành Thông và Võ Văn Phong sẽ là Phó TGĐ phụ trách tài chính và Phó TGĐ phụ trách nuôi trồng.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) lên kế hoạch đạt doanh thu 3.375 tỷ đồng và lãi trước thuế 110 tỷ đồng tăng trưởng 7,8% so với thực hiện 2015. Mới đây doanh nghiệp này công bố mặc dù kỳ nghỉ tết Nguyên Đán kéo dài, doanh số tháng 2 vẫn tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016, Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt doanh số 15,4 triệu USD.

Hiện một doanh nghiệp thủy sản khác là NTACO (ATA), đến tận cuối tháng 4 doanh nghiệp này mới tổ chức ĐHĐCĐ 2016 và hiện những tài liệu liên quan đến đại hội này vẫn chưa được công bố nhưng dự kiến đây sẽ là đại hội thu hút được sự quan tâm bởi biến động ngạc nhiên của cổ phiếu này thời gian qua, ATA đã tăng trần 8 phiên liên tiếp đẩy giá cổ phiếu từ 2.200 đồng lên 3.100 đồng tương đương mức tăng hơn 40% chỉ trong một thời gian rất ngắn. Thông tin dự báo sẽ hỗ trợ rất nhiều cho kế hoạch kinh doanh 2016 của ATA là doanh nghiệp này đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho phép xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Bức tranh chung của ngành thủy sản trong những tháng đầu năm 2016 khá khả quan khi theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2/2016 đạt 328 triệu USD mặc dù giảm 40,6% so với tháng 1 những lũy kế 2 tháng vẫn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó xuất khẩu hàng thủy sản 2 tháng đầu năm 2016 sang Hoa Kỳ đạt 190 triệu USD, tăng 22,5%; sang EU đạt 87,4 triệu USD, tăng 3,3%; sang Nhật Bản là 116,7 triệu USD, giảm nhẹ 1,3%; sang Trung Quốc đạt hơn 76 triệu, tăng 34,9%..., so với 2 tháng đầu năm 2015.

Tuy nhiên một biến cố đáng chú ý được cho là sẽ có ảnh hưởng đến KQKD của các doanh nghiệp thủy sản là vấn đề hạn hán, xâm nhập mặt trong thời gian qua ở khu vực miền Trung.


Các tỉnh/thành phố Nam Bộ thực hiện một số giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhặp mặn để hạn chế thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản

Các tỉnh/thành phố Nam Bộ thực hiện một số giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhặp mặn để hạn chế thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản

Theo số liệu thống kê ban đầu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, do hạn hán và xâm nhập mặn đã làm cho diện tích nuôi thủy sản thiệt hại là 3.771 ha, chưa kể diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại. Đặc biệt, Cà Mau có trên 70% diện tích nuôi thuỷ sản bị thiệt hại (2.700 ha), kế đến là Trà Vinh, Bến Tre có diện tích bị thiệt hại từ 30-70%.

Dự báo diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp. Có những vùng nước ngọt bị xâm mặn lên đến 5-8 phần nghìn. Hiện một số tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, môi trường không ổn định, kết hợp với độ mặn tăng cao làm cho tôm bị sốc và chết. Do vậy, người dân nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn dè chừng, chưa dám thả tôm giống theo lịch thời vụ, dẫn đến diện tích nuôi giảm mạnh, chỉ đạt 50% so kế hoạch.

Mức độ ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan này đến các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán hiện chưa có các phân tích cụ thể, các doanh nghiệp cũng chưa lên tiếng về mức độ ảnh hưởng của hiện tượng này đến doanh nghiệp mình, tuy nhiên hiện toàn ngành thủy sản cùng với các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp cho vấn đề ngập mặn và hạn hán.

Thanh Tú

HNX&HSX

Trở lên trên