Licogi 16 và những chuyện chưa kể
Nhà máy nhiên liệu sinh học Phương Đông đang đàm phán chỉ phải trả lãi vay cho Ngân hàng năm 2012, 2013 khoảng 30% và các công ty góp vốn như LCG sẽ được hoàn lại khoản chi phí lãi vay đã hạch toán.
Đối với những nhà đầu tư đã gắn bó với thị trường chứng khoán, ít người không biết đến CTCP Licogi 16 (mã CK: LCG). Thời kỳ đỉnh cao, LCG từng có giá hơn 100.000 đồng. Sau những thăng trầm của thị trường bất động sản và chứng khoán, hiện nay giá cổ phiếu chỉ còn 8.000 đồng với khoản lỗ lũy kế gần 300 tỷ. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp và cổ phiếu này vẫn luôn nóng.
Trong một buổi tọa đàm với Licogi 16 và nhà đầu tư do Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) tổ chức, các lãnh đạo của LCG đã thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn và cơ hội của mình.
Đứa con Sky Park Residence
Một dự án gắn liền với tên tuổi LCG và tạo nên những đợt sóng cho giá của cổ phiếu này là dự án Sky Park Residence. Ông Bùi Dương Hùng (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Licogi 16) cho biết dự án được chuyển nhượng vì trên thực tế những năm qua công ty không huy động được nguồn vốn nào cho BĐS, và việc chuyển nhượng Dự án cho Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa – CTCP với chủ trương cố gắng bảo toàn vốn cũng một phần giải quyết những khó khăn của Công ty.
Khi chia sẻ về việc chuyển nhượng Sky Park Residence – dự án chứa đầy những tâm huyết và kỳ vọng của mình, người đứng đầu LCG không giấu nổi niềm xót xa.
“Khó khăn vừa qua nếu không giải quyết được thì trở nên rất lớn. Đó là sự đánh đổi để vượt qua việc mất thanh khoản năm ngoái. Nhưng Sky Park Residence là thương hiệu của Licogi 16, dù ai thực hiện dự án này chăng nữa thì thương hiệu cũng gắn với LCG” – ông Hùng bày tỏ.
Theo TGĐ của LCG, hiện nay tại Hà Nội, LCG cùng 03 nhà đầu tư khác liên kết thực hiện Dự án với quỹ đất 1,6 ha và đang định hướng chuyển đổi sang loại hình nhà ở thu nhập thấp. Đó là thiết kế hợp lý cho thị trường hiện nay.
Một thương vụ cũng đã được thực hiện là thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư và phát triển Hạ tầng Nghi Sơn. Trong tình hình thị trường khó khăn đặc biệt, LCG buộc phải thoái vốn khỏi công ty này. Trước đó, một cổ đông tổ chức của CTCP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nghi Sơn đã phải bán lại cổ phần của mình với giá 5.700 đồng còn LCG chuyển nhượng với giá 10.500 đồng. Trên BCTC của công ty Nghi Sơn, giá trị sổ sách là 14.300 đồng. Vì vậy mặc dù chuyển nhượng giá cao nhưng khi hợp nhất lại thì lỗ.
Của để dành của LCG
16 quỹ đất sạch lớn gần 300 ha ở Nhơn Trạch – Đồng Nai được coi là của để dành của LCG. Theo ông Hùng, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận đến hoàn toàn từ hoạt động xây dựng, còn bất động sản phải chờ cuối năm 2014, đầu năm 2015. Tuy nhiên ông Việt Khoa – phụ trách mảng bất động sản của công ty đánh giá, thành phố Nhơn Trạch với vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xung quanh là một “bông hoa chưa nở” mà so với Bình Dương còn có điểm hơn.
Tại đây, LCG có KDC Long tân GDD1 và GĐ 2 (77ha), KDC Phú Hội liên doanh cùng Vina (83 ha). Một dự án nữa là Khu dân cư Điền Phước - Đồng Nai có diện tích 94 ha, tổng đầu tư 1.633 tỷ đồng. Tại dự án này, LCG đã đầu tư 72 tỷ đồng và đền bù được 14%.
Ở Quận 12, LCG có dự án diện tích 12,5 ha đất với vốn đầu tư khoảng 650 tỷ. LCG đã đầu tư vào DA khoảng 280 tỷ, hiện đang đền bù giai đoạn cuối. Doanh nghiệp cần bỏ thêm 70 tỷ để có quyền kinh doanh.
“Theo tính toán của chúng tôi thì giá vốn DA này xấp xỉ 10 triệu/m2. Nhưng khẳng định là bán được giá 12 triệu/m2” – ông Khoa cho biết.
Ngoài ra, doanh nghiệp có dự án Khu chung cư Nam An (tổng diện tích 7.080 m2 tại quận Bình Tân, TP. HCM) với tổng đầu tư 420 tỷ đồng nhưng mới đầu tư 66 tỷ đồng. Dự án này cũng mới có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND TP. HCM. Dự án khu dân cư Lý Thường Kiệt có diện tích 18 ha với tổng đầu tư 250 tỷ và đã đầu tư 70 tỷ.
Của để dành nhiều nhưng đa số các dự án đang ở giai đoạn đầu thực hiện.
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được Nhà máy gang thép Formosa
“Đối với dự án Formosa chúng tôi cho rằng Doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được chứ không cần nhà thầu nước ngoài." – ông Hùng khẳng định.
Ông cho biết, với dự án Formosa, Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được trong lĩnh vực xây dựng như hạ tầng kỹ thuật, dân dụng và công nghiệp, xây dựng công trình nhà máy cán thép, nhà máy nhiệt điện, cảng biển, xây dựng các nhà máy và lắp đặt các dây chuyền… Nếu cần thiết Doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê chuyên gia kinh nghiệm từ nước ngoài.
Trước khi xảy ra sự cố Formosa, an ninh ở khu kinh tế Vũng Áng- Hà Tĩnh hoàn toàn không tốt, thường xuyên xảy ra việc trộm cắp thậm chí là trộm công khai. Tuy nhiên từ khi xảy ra sự cố, an ninh được siết chặt vì vậy nạn trộm cắp gần như không còn, đem lại thuận lợi cho các nhà thầu trong công tác bảo vệ cũng như quản lý tài sản.Việc thi công của nhà thầu Việt Nam cũng trở nên suôn sẻ hơn.
Ông Hùng cho rằng sự cố ở Formosa trong tháng 5 là cơ hội cho Doanh nghiệp Việt Nam củng cố nội lực và phát huy lợi thế của mình.
Sẽ được hoàn nhập dự phòng lỗ từ Nhà máy Nhiên liệu sinh học phương Đông?
Kể về việc đầu tư vào công ty Nhiên liệu sinh học phương Đông, ông Hùng cho biết từ trước đó LCG đã tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này nhưng chưa có cơ hội thích hợp. Vừa hay khi đó có nhà máy nhiên liệu sinh học phương Đông do PVOil nắm 51%, Itochu Nhật Bản nắm 49% và PVOil đang cần chuyển nhượng 22% vốn. 2 bên đã có thỏa thuận khung về việc PVOil chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cho dù giá sản phẩm lên hay xuống thì cũng tạo ra tỷ suất lợi nhuận là 19%/năm.
LCG cho rằng đây là một cơ hội tốt nhưng sau đó DA gặp khó khăn do chính sách về xăng nhiên liệu sinh học không đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn đánh giá rất lạc quan về dự án này khi Chính phủ đã có quy định 1/12/2014 bắt buộc phải dùng loại xăng sinh học E5.
“Nếu DA đi vào cuộc sống thì bài toán về lợi ích của LCG vẫn còn đó nên không lý do gì từ bỏ khi đã trích lập dự phòng rủi ro rồi.”
Ông Hùng cho biết thêm, cuối năm 2014 DA này bắt đầu chạy ra sản phẩm, năm 2015 sẽ phát huy hiệu quả. Hiện tại nhà máy nhiên liệu sinh học Phương Đông đang đàm phán chỉ phải trả lãi vay cho Ngân hàng năm 2012, 2013 khoảng 30% và các công ty góp vốn như LCG sẽ được hoàn lại khoản chi phí lãi vay đã hạch toán này.
Kế hoạch kinh doanh năm 2014
Tính đến hết quý I/2014, LCG còn lỗ lũy kế 281,3 tỷ đồng. Năm 2014, LCG đặt kế hoạch doanh thu 1.363 tỷ đồng trong đó, doanh thu từ dự án Formosa dự kiến là 706 tỷ đồng, dự án xây lắp 474 tỷ đồng, BĐS 147,9 tỷ đồng, dự án quốc lộ 1A là 32 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 22,4 tỷ đồng. Theo ông Bùi Dương Hùng, đây là một kế hoạch thận trọng vì trong điều kiện hiện tại, thận trọng là điều cần thiết. Lãnh đạo LCG tin tưởng có thể hoàn thành kế hoạch này.
>>> LCG: 6 tháng ước đạt LNTT 22 tỷ đồng
Duy Hiếu
Trí Thức Trẻ