MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỳ kỳ thâu tóm DN thời khủng hoảng

02-01-2013 - 07:54 AM | Doanh nghiệp

Trong năm 2012, hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A) đã diễn sôi động ở nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đó như là một đặc trưng của thời kỳ kinh tế khó khăn.

Điều đặc biệt, đến nay, không chỉ có các tập đoàn nước ngoài mua DN Việt Nam mà ngược lại nhiều "đại gia" Việt cũng thâu tóm tài sản của các DN nước ngoài. Bên cạnh đó cũng có chuyện dở khóc dở cười khi có DN được bán với giá 1 USD.

Tribeco nạn nhân của Uni-President

Ngày 24/8/2012, ĐHCĐ bất thường Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco Sài Gòn) các cổ đông đã đi đến thống nhất thông qua phương án giải thể DN này. Đây thực sự là cú "sốc" lớn bởi nhiều người không ngờ rằng một thương hiệu mạnh lại có kết cục buồn như vậy.

Hơn 20 năm qua, Tribeco là thương hiệu quen thuộc với nhiều người tiêu dùng nội địa, luôn lọt vào danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2005, Tribeco đã bắt tay hợp tác với Công ty cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô (KDC) thông qua việc bán lại 35% cổ phần cho KDC. Hai năm sau, Tribeco tiếp tục hợp tác với đối tác chiến lược Uni-President, một tập đoàn thực phẩm đến từ Đài Loan. Sau khi hợp tác với Kinh đô, hai bên đã góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy Tribeco Bình Dương (2006) và Tribeco miền Bắc (2007), trong đó Tribeco đều góp 80% vốn cho cả hai dự án.

Tuy nhiên, do chiến lược sai lầm, hai nhà máy này không những không phát huy hiệu quả mà đẩy Tribeco vào cảnh nợ nần và trượt dài. Từ năm 2008- 2011, Tribeco liên tiếp thua lỗ. Tính đến cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, công ty lỗ khoảng 100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.

Tribeco Sài Gòn sau đó đã dần dần bán hết phần vốn còn lại trong Tribeco Bình Dương cho Uni-President Việt Nam sau đó tiếp tục bán hết cổ phần ở Tribeco miền Bắc, chỉ giữ vai trò là nhà bán hàng, phụ thuộc vào nguồn hàng do Tribeco Bình Dương cung cấp. Từ tháng 9/2012, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn đã được chuyển sang cho Tribeco Bình Dương tiếp quản.

Một công ty đang ăn nên làm ra như Tribeco lẽ ra khi kết hợp với 2 đối tác lớn thì phải mạnh lên, thế nhưng, thực tế lại thua lỗ liên tục và dẫn đến giải thể, giới đầu tư cho rằng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các "ông lớn", đặc biệt là một nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm như Uni-President.

Highlands Coffee mua phở 2

Thông tin Highlands Coffee mua 100% cổ phần của Phở 24 vào đầu năm 2012 cũng khiến không ít người ngạc nhiên. Phở 24 là một trong những mô hình franchise thành công tại Việt Nam.

Ông Lý Quí Trung, Chủ tịch của Nam An Group mở tiệm Phở 24 đầu tiên vào tháng 6/2003 tại TP.HCM. Hơn năm sau, Phở 24 "Bắc tiến" mở tiệm tại Hà Nội. Đến giữa năm 2005, Phở 24 "vác chuông đi đánh xứ người" với cửa hàng franchise đầu tiên được mở tại Jakarta (Indonesia). Gần 10 năm qua thương hiệu Phở 24 đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng khắp nơi. Vậy không hiểu vì sao nó lại bị bán?

hông tin chi tiết được các bên liên quan giữ kín, còn ông chủ Phở 24 Lý Quí Trung thì không hề lên tiếng. Highlands Coffee, sau khi sở hữu 100% cổ phần thương hiệu "Phở 24", ngay lập tức đã bán 50% cổ phần cho Jollibee (Philippines). Giao dịch có giá trị 25 triệu USD thông qua Jollibee Worldwide - thành viên Tập đoàn Jollibee.



Có thông tin cho rằng, việc mua lại Phở 24 chỉ là bước đầu của lộ trình thâu tóm toàn bộ Highlands lẫn Phở 24 của Jollibee để tham gia lâu dài ở Việt Nam. Nếu Jollibee (Philippines) khai thác thương hiệu Phở 24 qua Highlands Coffee cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của họ, dòng tiền tương lai có thể rất lớn.

Tầm nhìn và tham vọng của Jollibee tại cả thị trường Việt Nam lẫn Philippines buộc họ phải mua cổ phần hai thương hiệu Việt lớn, nếu muốn đứng vững trước sức cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ sừng sỏ về thức ăn nhanh như KFC, Subway, Lotteria.

Hanel mua Hanoi Daewoo

Cũng trong tháng 3/2012, công ty Daewoo E&C Hàn Quốc cũng đã bán 70% cổ phần trong khách sạn Daewoo cho Công ty Điện tử Hanel. Có thể coi việc mua lại 70% cổ phần khách sạn Daewoo của công ty Hanel xứng đáng được gọi là "thương vụ của năm" trong lĩnh vực M&A ở Việt Nam.

Khi thông tin về việc Daewoo muốn bán cổ phần trong dự án, rất nhiều nhà đầu tư muốn mua lại, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong khi đó, đối với nhiều người, cái tên Hanel không tỏ ra thật sự tiềm năng, ngay cả khi so sánh với chính các nhà đầu tư trong nước.

Dù cho tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và Daewoo đã ký biên bản ghi nhớ với khoản tiền 110 triệu USD để mua lại toàn bộ 70% cổ phần trong liên doanh thuộc quyền sở hữu của Daewoo, vào tháng 3/2011, tuy nhiên Hanel với đề nghị trả 90 triệu USD và một số điều khoản đi kèm đã vượt qua được Lotte .



Daewoo đã nhìn thấy việc bán toàn bộ cổ phần cho Hanel sẽ giúp họ có nhiều ưu thế và hấp dẫn hơn Lotte. Những ưu thế đó gồm cả lợi thế thủ tục điều chỉnh giấy phép đầu tư đơn giản hơn, thời gian chuyển nhượng và thanh toán ngắn hơn cũng như những cơ hội hợp tác của Daewoo với Hanel trong tương lai ở các dự án khác, hỗ trợ về những điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của Daewoo trong khoản bảo lãnh vay hiện tại...

BRG mua lại khách sạn Hilton Opera Hà Nội

Đây là một trong những phi vụ âm thầm nhất nhưng cũng khiến không ít người ngả mũ kính phục. Đầu năm 2012, tập đoàn BRG 100% vốn Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Tài Chính, Ngân hàng, Bất động sản đã mua lại toàn bộ cổ phần của các ông chủ Đức, Áo để nắm quyền điều hành khách sạn Hilton Opera Hà Nội (khách sạn 5 sao có vị trí rất đắc địa giữa lòng thủ đô).



Nhiều nhà đầu tư lớn cũng chỉ bất ngờ khi biết được tin này. Khách sạn Hilton Opera đã được chuyển nhượng 70% vốn từ các chủ đầu tư Đức, Áo sang tay một quỹ đầu tư thuộc VinaCapital trong năm 2006. Năm 2009, quỹ này công bố thoái vốn khỏi Hilton Opera với tỉ suất hoàn vốn đạt tới 23%.

Cho đến nay mọi người đều không rõ VinaCapital đã bán toàn bộ số cổ phần này lại cho ai và ngay cả BRG cũng không lên tiếng về việc mua được 70% vốn từ ai (sau đó mới là 30% vốn từ các chủ đầu tư Đức, Áo).
Mặc dù vậy, cũng phải công nhận rằng những thương vụ thâu tóm ngược của DN Việt Nam, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay đã chứng tỏ doanh nhân Việt không chỉ nắm bắt được cơ hội mà tiềm lực cũng như uy tín trên thương trường ngày càng tăng mới có thể thâu tóm về tay mình chóng vánh.

Trường Sa mua Thái Sơn giá 1 USD

Thương vụ mua bán một doanh nghiệp vốn thuộc top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam với giá chỉ 1USD tại Hải Phòng là hiện tượng xưa nay chưa có.

Ngày 8/8/2012, ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Thái Sơn cùng con trai là Phạm Hải Thanh và cộng sự đắc lực là Nguyễn Hoàng Sơn đã bị bắt tạm giam do liên quan đến các khoản "nợ xấu" hơn 1.300 tỉ đồng.

Thái Sơn là DN tư nhân lớn nổi tiếng tại Hải Phòng về kinh doanh phế liệu từ việc phá dỡ tàu cũ, rồi sau đó chuyển sang buôn bán sắt thép. Nhưng do đầu tư dàn trải, nhập lượng lớn sắt thép về không bán được, dẫn đến tình hình tài chính gặp khó khăn. Lãi vay ngân hàng liên tục tăng cao, không trả được khiến Thái Sơn lâm cảnh "nợ chồng lên nợ", tất cả khoản vay đến nay đã quá hạn và mất khả năng thanh toán.

Sau đó, Công ty Trường Sa trụ sở tại 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh đã mua lại hầu hết cổ phần trong công ty Thái Sơn. Điều đang nói là Công ty Trường Sa mới thành lập năm 2011, tổng vốn đăng ký chỉ 4,9 tỉ đồng, năng lực chưa được chứng minh lại đi mua những DN có số nợ rất lớn như Thái Sơn, dẫn tới những nghi ngờ về khả năng tái cơ cấu.

Giới kinh doanh cho rằng đấy là một âm mưu để thoát nợ. Người bán thì đẩy trách nhiệm trả nợ sang cho người mua, người mua thì tìm cách chối bỏ coi như không biết, nhưng lại nắm toàn bộ số tại sản hiện có để kiếm lời. Vụ mua bán này gây ra rất nhiều sự quan tâm của dư luận và trở nên đình đám trong những ngày cuối năm 2012.

Theo Trần Thủy

VEF

thunm

Trở lên trên