MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A và 3 ưu thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ

08-03-2016 - 18:50 PM | Doanh nghiệp

Cùng với xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế ngày một mở rộng trong những năm qua ở nước ta và qua hàng loạt những vụ M&A (mua bán – sáp nhập doanh nghiệp) đình đám của các công ty lớn trong và ngoài nước (có thể kể Sacombank – Southern Bank, Sữa Ba Vì – Vinacapital và Quỹ Daiwa PI Partners, Metro Việt Nam – Tập đoàn Berli Jucker…)

Dự đoán của các chuyên gia về làn sóng M&A thứ hai ở Việt Nam (2014 - 2018) với tổng giá trị ước tính trên 20 tỷ USD hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Mới đây nhất, ngày 26/2, trong đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG), đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, năm 2016, Thế giới Di động cân nhắc phương án sáp nhập – mua lại nhằm mở rộng quy mô và đối tượng có thể là FPT Shop.

Việc những công ty và tập đoàn lớn liên tục tiến hành thâu tóm và sáp nhập sẽ khiến thị trường nước ta sớm trở thành cuộc chơi của những gã khổng lồ. Những cuộc cạnh tranh như Pepsi – Coca-Cola ở mảng nước uống có gas, Unilever – P&G ở mảng hàng tiêu dùng, KPMG – Deloitte-E&Y-PwC ở mảng kiểm toán, tài chính… sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, làm cách nào để 500 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay (chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) có thể đứng vững trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt - nơi tràn ngập những gã khổng lồ như vậy?

Nếu đang sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, để đứng vững, điều tiên quyết là bạn phải biết tận dụng thế mạnh của mình cũng như hiểu được những điểm yếu của những gã khổng lồ, nhằm nắm được lợi thế tối ưu nhất cho mình.

Sau đây là 3 ưu thế được trang chron.com liệt kê, có thể giúp chàng David của bạn chiến thắng những gã Goliath trong cuộc chiến không cân sức này.

1. Tốc độ

Giống như mọi gã khổng lồ, các công ty lớn với đội ngũ, quy trình, cơ cấu phức tạp, cồng kềnh không thể nhanh chóng trong việc giải quyết tình huống như các công ty nhỏ.

Là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với cơ cấu nhân sự linh hoạt, quy trình đơn giản, bạn có thể thoải mái sáng tạo, thay đổi chiến thuật, kế hoạch một cách hoàn hảo nhất để đưa ra những quyết định kịp thời, đón đầu xu hướng, nắm bắt những cơ hội đầu tư kinh doanh để giành lấy lợi thế tiên phong, dẫn đầu trong hầu hết các cuộc chiến cũng như tránh né những rủi ro trên thị trường một cách nhanh nhất, tránh gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Được xem là cha đẻ của ngành quảng cáo, huyền thoại David Ogilvy đã chia sẻ về chiến lược kinh doanh của gã khổng lồ P&G như sau: “P&G luôn chính xác hơn là tiên phong, kiên nhẫn là một trong những đức tính được đặt lên hàng đầu ở đây, P&G trước tiên, luôn tuân thủ kỷ luật, triết lý của họ là luôn lập kế hoạch hoàn hảo, khảo sát thị trường chi tiết, tối thiểu hóa rủi ro và gắn chặt với các nguyên tắc đã kiểm chứng”.

Bạn thấy đó, những công ty lớn như P&G đã biết cách tối ưu rất tốt thế mạnh của mình, thì tại sao bạn không làm được điều tương tự?

2. "Chúng ta là một gia đình"

Với truyền thống văn hóa Á Đông, những nhà quản trị Việt có thể dễ dàng xây dựng mô hình văn hóa gia đình cho công ty, nơi người quản trị sẽ là người “cha”, giàu kinh nghiệm, trách nhiệm và tận tâm với đội ngũ nhân sự của mình. Mối quan hệ giữa các phòng ban, các cấp sẽ gắn kết và hiệu quả hơn.

Xây dựng văn hóa gia đình không những giúp doanh nghiệp tạo ra động lực làm việc tích cực từ tinh thần thoải mái hơn của nhân viên mà còn giúp tăng hiệu quả làm việc nhóm, tăng năng suất lao động, giảm thiểu mâu thuẫn nội bộ, giảm thiểu rủi ro nhảy việc của nhân sự xuất sắc – vấn đề luôn gây đau đầu với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, từ đó xây dựng giá trị văn hóa doanh nghiệp bền vững, đặt nền móng cho gã khổng lồ sau này.

Điều ấy không có nghĩa là những công ty, tập đoàn lớn không thể xây dựng được văn hóa gia đình cho mình, nhưng để làm được như những công ty vừa và nhỏ (với cơ cấu nhân sự nhỏ gọn và linh hoạt) những gã khổng lồ này sẽ phải nỗ lực và mất thời gian hơn nhiều.

3. Kết nối với khách hàng

Điểm mù của những gã khổng lồ – những công ty lớn với nhiều lớp và nhiều phòng ban chính là chậm phản hồi với khách hàng, kéo dài sự kết nối của khách hàng với thương hiệu.

Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay, bắt khách hàng chờ đợi, đặc biệt khi họ đang mang trong mình những phàn nàn và bực tức, luôn mang đến rủi ro rất lớn. Ở những công ty vừa và nhỏ, vấn đề khiếu nại, phản hồi và tương tác của khách hàng sẽ được xử lý nhanh hơn, tạo sự gần gũi và thiện cảm hơn, từ đó tạo được mối quan hệ gắn kết dài hạn giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Ở một số doanh nghiệp dịch vụ chỉ có từ 10 - 20 nhân viên, với độ tương tác thông tin cao trong đội ngũ nhân sự thông qua chính sách tất cả nhân viên đều thuộc phòng chăm sóc khách hàng, những doanh nghiệp này có thể phản hồi khách hàng từ bất cứ phòng ban hay bộ phận nào, bất cứ số điện thoại và thời điểm nào, từ sếp cho đến nhân viên, theo đúng nguyên tắc tối quan trọng mà Dave Kerpen trình bày trong quyển Likeable Social Media (quyển sách được giải thưởng sách quốc gia Hoa Kỳ năm 2011): “Khách hàng không quan tâm đến việc bạn làm ở bộ phận hay phòng ban nào, họ chỉ muốn được lắng nghe và được phản hồi nhanh nhất có thể”.

Theo một cuộc khảo sát năm 2014 tại Mỹ của Score - một tổ chức chuyên tư vấn doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì có tới 94% khách hàng thích mua bán với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi tỷ lệ này với doanh nghiệp lớn chỉ là 64%.

Theo Phạm Tú

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên