Một công ty niêm yết liên quan đến Vinafood 2 và Nguyễn Kim bỏ ngỏ khả năng phá sản
Trong trường hợp tài sản Vĩnh Long Food (VLF) không đủ trả nợ cho các chủ nợ, công ty sẽ làm thủ tục phá sản.
Ngày 8/1/2016, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Long (VLF - Vĩnh Long Food) đã tiến hành cuộc họp ĐHCĐ bất thường lần 2 năm 2015.
Kinh doanh bết bát
Theo báo cáo của Tổng giám đốc công ty, năm 2015 tình hình hoạt động của Vĩnh Long Food không có nhiều biến chuyển so với 2 năm trước đó. Khoản lỗ riêng năm 2015 ước đạt 75,8 tỷ đồng. Như vậy đây là năm thứ 3 liên tiếp VLF báo lỗ - điều kiện đủ để công ty bị hủy niêm yết bắt buộc. Năm 2013 và 2014, VLF lỗ lần lượt 19,5 tỷ đồng và 63,6 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, khoản lỗ lũy kế của VLF có thể lên tới 159 tỷ đồng, vượt 40 tỷ đồng so với vốn điều lệ tại cùng thời điểm. Phân tích tình hình thua lỗ năm 2015, VLF cho biết khoảng 26,5 tỷ đồng lỗ từ mảng kinh doanh hàng lương thực – trong đó riêng chi phi tài chính đã lên tới 20 tỷ đồng. Trong năm VLF trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 30,21 tỷ đồng, bán nhà may Domyfeed lỗ 26,8 tỷ đồng.
Tinh hình kinh doanh khó khăn, không ngạc nhiên nguồn vốn kinh doanh của công ty gần như bế tắc do tất cả các ngân hàng đều ngưng tài trợ - ngoại trừ việc hỗ trợ đợt mua tạm trữ vụ đông xuân theo chỉ đạo của Chính phủ. Vĩnh Long Food hoạt động cầm chừng, chủ yếu tập trung thu hồi công nợ, bán hàng tồn kho và các tài sản sử dụng không hiệu quả để trả nợ vay ngân hàng.
Theo báo cáo, nợ phải trả của VLF tạm tính đến cuối năm 2015 ước khoảng 212,7 tỷ đồng – trong đó nợ ngân hàng khoảng 182,2 tỷ đồng. Các khoản nợ ngân hàng đều có tài sản thế chấp là các xí nghiệp của Vĩnh Long Food.
Sau khi cân đối giá trị tài sản hiện hữu, VLF dự kiến công ty sẽ “dư” khoảng 2,14 tỷ đồng sau khi thanh toán các nghĩa vụ nợ phải trả.
Tính chuyện phá sản
Trong 3 phương án được đưa ra để khắc phục khó khăn (vay nợ, phát hành cổ phiếu, tái cơ cấu), HĐQT công ty lựa chọn phương án tìm đối tác tham gia tái cấu trúc, khôi phục lại hoạt động kinh doanh.
Khôi phục hoạt động, VLF không tránh khỏi nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ. Gần đây, công ty đã thông qua quyết định gán văn phòng đại diện tại Tp.HCM để thanh toán một phần khoản nợ đối với HDBank. Việc gán nợ chưa dừng ở đó. Năm 2016, Vĩnh Long Food sẽ tiếp tục phải bán tài sản để trả nợ. Nếu tài sản đủ/thừa để trả nợ, công ty sẽ tiến hành thủ tục giải thể. Nếu thiếu, công ty sẽ buộc phải tiến hành mở thủ tục phá sản và giao tài sản cho tòa án xử lý.
Việc tìm đối tác tham gia tái cấu trúc, khôi phục hoạt động kinh doanh của Vĩnh Long Food, do vậy chủ yếu nhằm mục đích giảm bớt thiệt hại cho các cổ đông trong các tình huống xấu nhất.
Cổ đông có nguy cơ mất trắng
Hiện cổ phiếu VLF đang được giao dịch với mức giá thấp không tưởng: 1.400 đồng/cổ phiếu. 11,9 triệu cổ phần của công ty hiện có giá trị vỏn vẹn 17 tỷ đồng.
Vĩnh Long Food được coi là đứa con chung của Vinafood 2 và Nguyễn Kim (CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim). Tỷ lệ sở hữu của 2 tổ chức này tại VLF lần lượt là 40% và 23,35%. Vĩnh Long Food là khoản đầu tư thất bát của Vinafood 2 và Nguyễn Kim khi giá trị đã hao hụt rất nhiều.
Việc bán toàn bộ tài sản để trả nợ (nếu thành công theo đúng giá hạch toán – xác suất không cao) – VLF cũng chỉ “dư” hơn 2 tỷ đồng. Nếu chia đều cho các cổ đông, mỗi cổ đông nắm giữ 1 cổ phần của VLF sẽ được nhận về khoảng 180 đồng.
Trong trường hợp công ty giải thể/phá sản, 180 đồng/cổ phần là khoản tiền duy nhất và lớn nhất mà cổ đông của VLF có thể nhận được.
Biến động giá cổ phiếu VLF từ khi niêm yết đến nay
HSX