Muốn thu hồi cũng khó
Danh sách các dự án FDI chờ “khai tử” hiện vẫn tiếp tục nối dài. Thế nhưng sự phức tạp trước khi đặt bút kí vào quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư khiến cơ quan quản lí cũng phải “chùn tay”.
Danh sách các dự án FDI chờ “khai tử” hiện vẫn tiếp tục nối dài. Thế nhưng sự phức tạp trước khi đặt bút kí vào quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư khiến cơ quan quản lí cũng phải “chùn tay”.
“Muốn dừng cũng không được”
Dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất nằm trong Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) được cấp phép từ năm 2007. Sau nhiều lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư là 3 tỉ USD (dự kiến nâng vốn lên đến 4,5 tỉ USD). Dự án khởi công giai đoạn I vào tháng 3-2008 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2010. Nhưng sau lễ khởi công, ngoài những chiếc cọc bê tông, dự án “tỉ đô” này đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Được biết, dự án này nằm trong số 117 dự án chậm tiến độ đã và đang được Quảng Ngãi tìm phương án xử lí thích hợp. Ông Lê Xuân Dũng - Phó Ban Quản lí Khu Kinh tế Dung Quất nói: “Dự án này giờ muốn dừng cũng không được, triển khai tiếp thì khó khăn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi kí biên bản ghi nhớ với tập đoàn E-United (Đài Loan) để cùng nghiên cứu, triển khai dự án thép Guang Lian, hiện nay Tập đoàn JFE Steel (Nhật Bản) đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét. Như vậy sau 6 năm cấp phép, hình hài của siêu dự án này vẫn hết sức “mờ ảo”.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng kí tại Việt Nam năm 2008 đã đạt con số kỉ lục, hơn 64 tỉ USD, gấp gần 3 lần năm 2007, với 11 dự án “tỉ đô”. Thế nhưng ít nhất 3 dự án đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư, các dự án còn lại đều chậm tiến độ. Năm 2009, có 3 dự án “tỉ đô” được cấp phép là dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển rồng tại Quảng Nam (4,15 tỉ USD), dự án Công ty TNHH thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại Đồng Nai (2 tỉ USD) và dự án Công ty TNHH một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam (1,68 tỉ USD). Thế nhưng, đến nay, cả ba dự án đều bị rút giấy phép đầu tư. |
Một dự án khác- Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam) của Công ty liên doanh đầu tư Genting VinaCapital nằm trong khu kinh tế mở Chu Lai cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Hơn 2 năm trôi qua, tiến độ dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. Dự án được Quảng Nam cấp phép cuối năm 2010 với tổng vốn đầu tư của dự án là 4 tỉ USD, trong đó vốn điều lệ và vốn góp là 800 triệu USD.
Đây là khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, gồm nhiều khách sạn, khu resort, biệt thự, đặc biệt là có hạng mục khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Nhưng cuối năm 2012, Genting Malaysia Berhad, công ty con của Tập đoàn Genting (Malaysia) đã rút khỏi dự án. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đỗ Xuân Diện, Phó trưởng ban quản lí khu kinh tế mở Chu Lai cho biết: Chúng tôi vẫn chưa nắm được con số giải ngân cụ thể của dự án này. Hiện nay, dự án vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Trong tình hình kinh tế khó khăn, việc thu hồi các dự án càng gặp khó hơn. Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho biết: Chúng tôi đang muốn thu hồi một dự án ở khu công nghiệp Song Khê-Hạ Hoàng nhưng cũng rất khó khăn. Bởi vì muốn thu hồi thì phải thanh lí được dự án. Đang thời buổi khó khăn nên không có nhà đầu tư nào nhận. Khi hỏi tỉnh có gặp khó khi thanh lí các dự án, ông Thắng bảo: “Khó lắm! Chúng tôi phải thành lập một ban thanh lí dự án, định giá để nhà đầu tư không bị thiệt, hoặc có thiệt thì thiệt ít thôi”.
Lo khoản tiền đền bù
Với những dự án quy mô nhỏ, việc thanh lí và thu hồi dự án đã khó, với dự án có quy mô lớn, khó khăn trong việc thu hồi dự án tỉ lệ thuận với số vốn đầu tư của dự án, đặc biệt khi dự án đã triển khai dang dở trước khi ngừng thi công hoàn toàn. Bởi vì địa phương phải bỏ tiền ngân sách ra đền bù cho nhà đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh thổ lộ: Với những dự án đã đầu tư dở dang, chúng tôi phải lập một hội đồng thẩm định hoặc thuê công ty kiểm toán đánh giá tài sản. Chẳng hạn nhà đầu tư đã phải bỏ tiền san lấp mặt bằng hay làm tường rào, thậm chí đã nộp tiền sử dụng đất thì cũng phải trả lại họ số tiền đó. Sau khi kiểm toán tính toán xong, hội đồng thẩm định sẽ xem xét một lần nữa để đánh giá, rồi phải xem cân đối ngân sách địa phương có đủ để “đền bù” không. Ngân sách của các địa phương thường rất “eo hẹp” nên việc này thực sự khó khăn.
“Nếu ngân sách không đủ thì phải để nguyên dự án như vậy hoặc kêu doanh nghiệp khác vào đầu tư. Khi chưa tìm được nhà đầu tư khác thì không ai được đụng đến dự án đó. Điều này nhiều khi khiến cho địa phương “tiến thoái lưỡng nan” - vị này cho biết
Thực tế, tìm một nhà đầu tư mới “gánh vác” dự án dang dở là lựa chọn của nhiều địa phương khi thanh lí một dự án FDI “rùa”. Chẳng hạn với dự án du lịch sinh thái ở đảo Rều (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia (Đài Loan). Nhiều năm trở lại đây, dự án này bỏ hoang hóa khi đang thi công dang dở. Nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh chưa thể “động” vào đảo Rều cho đến cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Vingroup “xin” đầu tư dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đây với tổng mức đầu tư của dự án trên 957 tỉ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đang triển khai việc xác định các chi phí mà Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia đã đầu tư tại đảo Rều để có phương án chuyển dự án cho Vingroup đầu tư.
Hay như dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính ở Hà Nội cũng là một ví dụ. Dự án này ban đầu Tập đoàn Vina Megastar được chấp thuận về nguyên tắc làm chủ đầu tư xây dựng tại văn bản ngày 11-3-2008. Đã hơn 4 năm, dự án vẫn chưa có nhiều tiến triển. UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ nghĩ đến việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án này khi Ocean Group đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép làm chủ đầu tư dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính với “lời hứa” là “sẽ thực hiện đền bù những chi phí của Megastar liên quan đến dự án và cam kết khởi công dự án vào đúng dịp kỉ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-2013 và đưa công viên vào sử dụng trong thời gian sớm nhất”.
Có thể nói Vingroup hay Ocean Group đã gỡ cho UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hà Nội một “bàn thua” trông thấy.
Theo Lương Bằng