MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2015: Cần kịp thời, linh hoạt hỗ trợ Doanh nghiệp

02-01-2015 - 11:53 AM | Doanh nghiệp

Nền kinh tế Việt Nam mặc dù đã và đang hội nhập sâu rộng nhưng năng lực cạnh tranh của DN còn yếu. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ kịp thời, linh hoạt, giúp DN hội nhập thành công.

Đây là chia sẻ của PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những kết quả nỗi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2014 và những triển vọng phát triển kinh tế của đất nước năm 2015.

Thay đổi lớn trong điều hành

Xin ông cho biết những cảm nhận của ông về công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế của Chính phủ năm vừa qua?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Phải khẳng định rằng công tác điều hành của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, chuyển biến hết sức tích cực. Chính sách, biện pháp luôn quyết liệt, quyết tâm cao song lại rất linh hoạt và đi vào cuộc sống hiệu quả rõ rệt.

Ví dụ, những vấn đề từng là nguyên nhân gây bất ổn cho nền kinh tế trước đây như lạm phát, lãi suất ngân hàng, nợ xấu, cán cân thanh toán, vấn đề vàng hóa và đô la hóa nền kinh tế... đã cơ bản được giải quyết sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đến Nghị quyết số 19 đầu năm 2014 và sau đó là hàng loạt những chỉ đạo của Thủ tướng về cải cách và cắt giảm thủ tục thuế, hải quan, xây dựng... cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ nhằm cải cách, đột phá thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Vậy đâu là điểm nổi bật trong chỉ đạo điều hành năm 2014 của Chính phủ, thưa ông?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Đó là sự kết hợp hài hòa, vừa hoàn thiện thể chế vừa vận hành kinh tế theo hướng thị trường; vừa hợp tác vừa đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia; vừa đưa tăng trưởng cao hơn mà lạm phát lại thấp hơn năm 2013; tỷ giá ổn định nhưng xuất khẩu vẫn tăng với tỷ lệ cao, tăng đến 13,6%, đạt con số kỷ lục 150 tỷ USD.

Bản thân ông ấn tượng với những kết quả kinh tế-xã hội nào nhất trong năm qua?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Năm 2014 đi qua, ghi lại 6 dấu ấn quan trọng.

Thứ nhất, tuy tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, tình hình Biển Đông phức tạp… nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng khá, GDP tăng 5,98%, vượt so với kế hoạch (5,8%), cao hơn 2 năm qua và khẳng định kinh tế đã phục hồi.

Dấu ấn thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong 3 năm liên tiếp. Năm 2014, lạm phát ở mức 1,84%, thấp hơn so với bình quân các nước trong khu vực ASEAN (2,7%), góp phần kéo giảm thêm lãi suất ngân hàng, qua đó hỗ trợ chi phí trả lãi vay của doanh nghiệp.

Cán cân thương mại xuất siêu kỷ lục, đạt 2 tỷ USD, cùng với nguồn kiều hối tiếp tục gia tăng góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành chính sách tỷ giá theo tín hiệu thị trường và can thiệp bằng biện pháp kinh tế góp phần ổn định giá trị VNĐ, tăng niềm tin vào sức mua đồng tiền Việt Nam.

Bội chi ngân sách Nhà nước ở mức thấp, chi không đạt dự toán nhưng thu ngân sách vượt dự toán 4%.

Tiếp đến, tôi cho rằng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả bước đầu, đầu tư công hiệu quả hơn, chỉ số ICOR được cải thiện từ 6,2 năm 2010 xuống còn 5,03 năm 2014. Quá trình cổ phần hóa và sắp xếp DNNN đã có kết quả rõ nét với hơn 140 DN được cổ phần hóa, qua đó nâng cao hơn nữa mô hình quản trị DN hiện đại.

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu đang đi đúng hướng và cẩn trọng, vừa xử lý yếu kém nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống và tiếp tục cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế để duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2013.

Thị trường bất động sản (đặc biệt là thị trường nhà ở giá trung bình và thấp) đã phục hồi mạnh mẽ, góp phần xử lý nợ xấu hiệu quả hơn là dấu ấn thứ tư.

Thứ năm, quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực, giữa các bộ, ngành có sự phối hợp nhịp nhàng giúp các chính sách kinh tế tài chính vĩ mô đi vào cuộc sống và phát huy tác động hiệu quả.

Và cuối cùng, môi trường kinh doanh đầu tư cải thiện tốt, tăng niềm tin ở nhà đầu tư và được các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế đánh giá tích cực, chỉ số quản lý mua hàng PMI tăng liên tục qua các tháng trong năm 2014. Cùng với đó, hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện, năm 2014 đánh dấu sự ra đời của nhiều luật quan trọng như Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi)…

Nhiều thành tựu nhưng đâu là hạn chế, tồn tại thưa ông?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn thấp. Tính chủ động trong hội nhập còn yếu, hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục ngưng hoạt động và phá sản vẫn còn ở mức cao, nợ công tăng cao gần mức trần Quốc hội quyết định.

Vậy bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ như thế nào trong năm 2015 thưa ông?

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân: Năm 2015, chúng ta có 2 thách thức lớn: Đầu tiên là kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự báo. Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam mặc dù đã và đang hội nhập sâu rộng nhưng năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn yếu. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ kịp thời, linh hoạt, giúp DN hội nhập thành công.

Với những bài học trong điều hành những năm qua và sự lạc quan về kết quảđạt được năm 2014, theo tôi kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể trên 6,2%; lạm phát sẽ kiềm chếđược ở mức dưới 5%; xuất khẩu tăng cao nhưng nhập khẩu cũng sẽ tăng mạnh; lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Theo Mạnh Hùng (thực hiện)

thunm

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên