Năm hội nhập 2015: Ai hỗ trợ, thức tỉnh doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị gì cho cơ hội một thị trường rộng lớn đang mở rộng trước mặt, những thách thức mất thị phần trên chính sân nhà? Các cơ quan quản lý đã giúp gì cho doanh nghiệp?
- 18-02-2015TS Lê Đăng Doanh: Kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhưng mức độ hội nhập rất cao
- 15-07-2014Cuộc đua FTA Việt Nam - EU: Doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ tụt hậu
- 15-07-2014Cuộc đua FTA Việt Nam - EU: Doanh nghiệp nước ngoài đã khởi động
Năm 2015 đánh dấu sự hội nhập chưa từng thấy của nền kinh tế Việt Nam với thế giới: Cộng đồng kinh tế ASEAN, FTA (Hiệp định thương mại tự do) VN-EU, FTA VN- Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Vậy các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị gì cho cơ hội một thị trường rộng lớn đang mở rộng trước mặt, những thách thức mất thị phần trên chính sân nhà? Các cơ quan quản lý đã giúp gì cho doanh nghiệp?
Bài 1: Sự mơ hồ của doanh nghiệp
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Lê Đức Sơn cho biết, khảo sát do hội tiến hành mới đây cho thấy điều “giật mình”: 80% số doanh nghiệp được hỏi rất thờ ơ, không hề quan tâm đến hội nhập.
Chỉ DN lớn quan tâm
Những số liệu từ cuộc khảo sát được ông Lê Đức Sơn công bố, tại cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức cuối tháng 1 vừa qua, cũng cho thấy thực trạng đáng kinh ngạc khác: Hầu hết các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thiếu hẳn các kiến thức để hội nhập, không hề biết gì đang chờ đợi mình phía trước trong khi cánh cửa hội nhập đang mở dần.
“Tôi lo là khi thực thi cam kết Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp của Asean và Asean + năng động hơn, cạnh tranh hơn vào Việt Nam sẽ gây tổn thương cho DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Dù đã muộn, nhưng phải tuyên truyền sao cho DN Việt Nam nhận thức được điều này. Lẽ ra cơ quan quản lý cần đối thoại với DN, hiệp hội DN để họ biết cần chuẩn bị gì khi hội nhập”, ông Sơn nói.
Còn theo khảo sát “AEC trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” (do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mới thực hiện tại gần 700 DN vừa và nhỏ ở 5 tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ), có 60% DN Việt không biết gì về những nội dung cơ bản của AEC.
Kết quả, phần lớn các doanh nghiệp không biết chính xác về thời điểm hình thành AEC (51,1%), các trụ cột của AEC (60%); đại đa số các DN không biết về AEC Scorecard (80%) và việc Việt Nam là điều phối viên trong lĩnh vực logistics (87,22%).
“Tôi lo ngại nhất là trên quan chức cứ nói thế này, còn DN thì không ai để tâm. Tôi gặp một số DN, khi hỏi về các FTA họ nói không biết gì, nghe Bộ trưởng nói quá hay, nếu thế thì quá tuyệt. Điều đó rất nguy hiểm, quan trọng là thông tin tới DN để họ biết và chuẩn bị” .
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế cho rằng, những lĩnh vực như sản xuất hàng hóa tiêu dùng sẽ gặp thách thức lớn nhất khi hội nhập, hiện hàng hóa Thái Lan và các nước ASEAN khác đang thâm nhập sâu vào Việt Nam. Cùng đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam lại ưa thích tiêu dùng hàng hóa ngoại do chất lượng tốt hơn.
Ngoài ra, di chuyển lao động có kỹ năng cũng là thách thức lớn, khi chỉ có 20% lực lượng lao động Việt có kỹ năng, số này sẽ dịch chuyển làm cho khu vực FDI hay sang làm việc trong các nước ASEAN khác. Trong khi đó, lao động có kỹ năng từ các nước ASEAN sẽ vào Việt Nam làm việc, cạnh tranh với lao động trong nước.
Bên cạnh đó, theo các báo cáo, các DN ASEAN và ASEAN+ (các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) có nhiều kỹ năng tốt về quản lý, ứng dụng công nghệ, làm quen lâu với kinh tế thị trường. Trong khi đó, các DN Việt hầu hết là DN nhỏ và vừa vẫn đang “cố” vượt qua khó khăn, thách thức do bất ổn kinh tế vĩ mô vừa qua, thiếu kỹ năng về quản lý, công nghệ.
Một báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cũng đưa ra những cảnh báo rất đáng chú ý: Với việc tham gia các hiệp định thương mại mới, một số ngành nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế sẽ tận dụng được cơ hội từ việc hội nhập để có các nguồn nguyên liệu làm đầu vào cho sản xuất và giảm chi phí đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, những lợi ích mà FTA mang lại cũng sẽ tạo ra nguy cơ phụ thuộc ngày càng tăng vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giảm đầu tư cho sản xuất tự cung cấp trong nước. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mức độ ưu đãi về thuế ngày càng cao từ các thị trường nước ngoài.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Tiến Hưng.
Mở cửa “khối tư nhân”
Bày tỏ lo lắng về chất lượng hàng hóa của các DN trong nước trong bối cảnh hội nhập đã đến cửa, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, cần nâng cao vai trò của các DN trong việc làm chủ sân nhà, đặc biệt là với các DN khối tư nhân. Theo bà Hạnh, câu chuyện của thị trường lúa gạo Việt Nam cho thấy khá rõ sự thiếu chuẩn bị của các DN trong nước.
Đến thời điểm hiện tại, các nước sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, Việt Nam vẫn tiếp tục chạy theo sản xuất số lượng. Đây là sai lầm trong kế hoạch sản xuất khiến gạo Việt không thể cạnh tranh. “Việt Nam là nền kinh tế thuần nông, từng nổi tiếng với sản phẩm gạo xuất khẩu nhưng đến nay hai loại gạo ngon lại thuộc về Campuchia và Thái Lan. Chỉ cần nhìn lại đến cuối năm 2014, Campuchia bán được 1 triệu tấn gạo ngon - xanh - sạch nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục bán hàng xá. Chúng ta chẳng thể cạnh tranh được với sản phẩm gạo các nước nếu như không làm chủ trên sân nhà”.
Về những vấn đề của hội nhập, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp mía đường lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thừa nhận, khó khăn của ngành đường cũng có lỗi của chính doanh nghiệp khi nhiều người nhìn thấy khó khăn nhưng ít có DN chịu đổi mới, làm khác để bứt phá. “Chính sách cho ngành mía đường nghiêng về giải quyết phần ngọn, khắc phục hậu quả chuyện đã rồi chứ không đi vào vấn đề gốc.
Hàng loạt nhà máy đường được thành lập nhưng không có chính sách đầu tư vùng nguyên liệu dẫn đến không có nguyên liệu sản xuất, phải đóng cửa. Sắp tới không còn bảo hộ, cạnh tranh sẽ trực diện hơn, chỉ một số nhà máy ở miền Trung, Tây Nguyên chịu đầu tư, hoạch định lại việc sản xuất kinh doanh mới có thể cạnh tranh được. Hội nhập sẽ khắc nghiệt nhưng là công cụ sàng lọc hữu hiệu nhất: DN yếu sẽ phải rời sân chơi, nhường chỗ cho DN mạnh”, vị này nói.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, để chuẩn bị hội nhập chúng ta phải phát triển khối DN trong nước, theo hướng thu hẹp phạm vi của DN nhà nước và mở bung DN tư nhân. “Khi có nền kinh tế trong nước mạnh, chúng ta không chỉ tạo công ăn việc làm, còn tiếp thu vốn và công nghệ của DN đầu tư nước ngoài. Đó vừa là tự chủ nền kinh tế và đem lại lợi ích cho đất nước”, ông Vinh nói. Theo người đứng đầu ngành kế hoạch, Việt Nam cần nhìn nhận lại nghiêm túc DN trong nước. Năm 2015 là “năm DN”, cần sự đồng thuận từ Chính phủ tới các bộ, ngành để làm nhiều hơn cho DN.
Theo ông Vinh, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi, đây sẽ là 2 bộ luật cởi trói cho DN. Để đưa luật vào cuộc sống, hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng và sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật. “Các nghị định phải để dân đọc là biết ngay mình được và không được làm gì. Đồng thời, bộ cũng đang xây dựng quy chế về Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật DN nhỏ và vừa… để hỗ trợ tối đa cho DN phát triển. Nếu được vậy, sẽ tạo ra làn sóng thành lập DN mới như những năm đầu 2000”, ông Vinh nói.
Theo Lê Hữu Việt - Phạm Tuyên
Tiền Phong