Nhận diện mối quan hệ “đen”
Lần đầu tiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về mối quan hệ không bình thường của cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi.
- 26-05-2013“Dan díu” với doanh nghiệp
Theo thống kê, từ năm 1986 đến nay, nạn tham nhũng của quan chức tăng lên rất nhanh, trong đó có hơn 31,5% liên quan đến doanh nghiệp (DN). Chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập, tình trạng quan chức thông đồng với DN vụ lợi xuất hiện ngày càng nhiều, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực.
Nhuốm màu lợi ích
Theo nhận định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các DN đã bắt đầu quan tâm đến nhóm lợi ích trong vận động điều chỉnh chính sách. Nhóm thân hữu manh nha này có quan hệ 2 chiều trong việc quan chức dàn xếp để DN nhận được ưu đãi. Ngược lại, DN hoặc là đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của quan chức hoặc là cung cấp cho bản thân quan chức các phương tiện để có thể leo cao hơn hoặc để lo lót, chạy chọt khi DN phạm sai lầm và cung phụng cho những người thân thiết của quan chức.
Kết quả khảo sát của Thanh tra Nhà nước trong năm 2012 cho thấy 24,7% cán bộ công chức được hỏi thừa nhận có hiện tượng quan chức nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, quà; 20,3% thừa nhận có chuyện DN mời quan chức đi du lịch, vui chơi, ăn uống để vụ lợi; 13,6% thừa nhận có hiện tượng bao che, bảo lãnh cho người có hành vi sai phạm để vụ lợi.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì trong năm 2012, có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, 50% DN được hỏi cho rằng nhóm các DN có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến hoạch định chính sách.
Cuộc khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy khi được hỏi trong 12 tháng qua, DN có nhận được các dạng yêu cầu vụ lợi của cán bộ công chức hay không, 5% số DN thừa nhận là có nhận được đề nghị bán, cho thuê và chi tiêu cá nhân; 15% DN gặp tình huống cán bộ công chức lợi dụng quyền lực để gợi ý DN tặng quà.
Bảo kê của những người có chức, có quyền cho DN buôn lậu cũng khá phát triển trong thời gian qua thể hiện không chỉ qua các vụ án đã xét xử (như vụ Tân Trường Sanh, vụ án hang Dơi, vụ án Nguyễn Thị Ngọc Liên ở Công ty Thiên Lợi Hòa...) mà còn chứng minh bằng thực tế hàng lậu được bày bán trong nước. Việc bảo kê có khi rất công nhiên (như trường hợp Nguyễn Ngọc Kiên, nguyên phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, ký 14 văn bản cho phép các DN nhập khẩu thuốc lá lậu vào Việt Nam), có khi rất tinh vi như che giấu dưới hình thức tạm nhập tái xuất. Theo cơ quan phòng chống buôn lậu, hằng năm, Việt Nam thất thu ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng do nạn buôn lậu.
Cội nguồn của tham nhũng
Quan hệ không trong sáng là rất nguy hiểm TS Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đồng thời cũng là chủ nhiệm đề tài, cho rằng mối quan hệ “không trong sáng” của cán bộ với DN là rất nguy hiểm, nó có thể thao túng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm suy yếu nền kinh tế và suy giảm lòng tin của nhân dân. Do đó, đây sẽ là đối tượng nghiên cứu của đề tài “Mối quan hệ không bình thường của cán bộ, đảng viên có chức quyền với DN để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” nhằm tìm ra những giải pháp phòng chống và phát hiện, xử lý có tính khả thi và hiệu quả. |