MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều vướng mắc trong dự thảo Luật Doanh nghiệp

08-10-2014 - 14:40 PM | Doanh nghiệp

Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc như các điều kiện kinh doanh không cần thiết, thực hiện hậu kiểm, phá sản doanh nghiệp...

Làm rõ ngành nghề cấm kinh doanh

Tại Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi),ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng vẫn còn những điểm còn hạn chế như: dự thảo Luật mới vẫn có sự cạnh tranh chưa hoàn toàn bình đẳng giữa nhà nước và phi nhà nước, vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết trong nhiều lĩnh vực.

Cùng chung quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng: Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới tiến đến một bước xa hơn đó là bỏ tội kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự đối với tất cả các hoạt động kinh doanh không thuộc diện bị cấm. Tuy nhiên, hiện nay các ngành, nghề cấm kinh doanh được quy định tại Dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả Luật hiện hành, vì không quy định lý do bị cấm kinh doanh và giao cho “Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm.” Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị: để doanh nghiệp được tự do kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm thì cần phải quy định rõ ràng, cụ thể ngành, nghề bị cấm kinh doanh trong Luật.

Còn theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam,khâu hậu kiểm vẫn chưa có giải pháp đáng kể. Làm cách nào xác định doanh nghiệp đang tồn tại, còn hay mất, chưa rõ cơ chế phối hợp hậu kiểm thế nào, hoặc những băn khoăn về doanh nghiệp “ma”… Do đó, Luật cần có quy định rõ ràng về hậu kiểm, do đó, cần bổ sung một điều vào dự thảo Luật về hậu kiểm.

Theo đó,việc hậu kiểm được thực hiện đối với doanh nghiệp sau 01 (một) năm kể từ ngày nhận giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dưới hình thức kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Việc hậu kiểm nhằm kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và không xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng". Ngoài ra cũng cần bỏ cụm từ "các hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp" vì hiện nay đang tồn tại rất nhiều "các hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp", từ đó, các Luật chuyên ngành sẽ tạo ra rất nhiều rào cản, gây nhũng nhiễu đối với hoạt động của DN.

Ngoài ra, về quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp khi được ít nhất 65% (đối với vấn đề thông thường) đến 75% (đối với vấn đề quan trọng) tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận. Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức thì đây là quy định rất bất hợp lý, gây khó khăn, bế tắc cho nhiều doanh nghiệp. Thực tế, tỷ lệ quy định trên đang trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đi ngược với thông lệ quốc tế về nguyên tắc quá bán được áp dụng phổ quát. Do đó, cần phải khôi phục lại quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 (đã hết hiệu lực), là biểu quyết theo tỷ lệ 51% và 65%.

Cần chế tài đủ mạnh trong đăng ký giải thể doanh nghiệp

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, cần mở rộng rõ hơn quy định giải thể nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tế,cụ thể là thay vì phá sản, doanh nghiệp vẫn có thể giải thể trong trường hợp không “thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”, nhưng được tất cả các chủ nợ đồng ý cho giải thể.

Hiện nay, có một thực trạng là gần như chưa có cơ quan đăng ký doanh nghiệp nào đủ dũng cảm đăng ký giải thể cho doanh nghiệp nếu chưa có ý kiến của cơ quan thuế. Do đó theo Luật sư Lê Nga, cần một chế tài đủ mạnh hơn đối với cơ quan thuế hoặc hành lang pháp lý để cơ quan đăng ký doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc đăng ký giải thể cho doanh nghiệp.

Cụ thể, dự thảo nên quy định thời gian tối đa để cơ quan thuế phải quyết toán/có ý kiến về việc thông báo giải thể của doanh nghiệp. Sau thời hạn này, nếu cơ quan thuế không trả lời thì cơ quan đăng ký doanh nghiêp có quyền đăng ký giải thể cho doanh nghiệp và cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc không quyết toán/không có ý kiến của mình. 

Ngoài ra, để xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội đối với việc giải thể DN, ngăn chặn tình trạng cố tình dây dưa, tham nhũng trên cả "những xác chết" như hiện nay, các Luật sư đề xuất cầnbổ sung thêm quy định: Kể từ ngày nhận được quyết định giải thể do doanh nghiệp gửi đến, trong thời hạn 30 ngày làm việc, cơ quan thuế có trách nhiệm xác định việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp; trong thời hạn 15 ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác định nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm bắt buộc và chốt sổ bảo hiểm cho người lao động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".

Theo T.Hương

thunm

Tài chính điện tử

Trở lên trên