MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "bông hồng vàng" có tầm ảnh hưởng

07-03-2016 - 11:01 AM | Doanh nghiệp

Những nữ doanh nhân này không những sở hữu khối lượng tài sản khổng lồ mà còn là người có tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Và hơn hết họ còn là những “bông hồng vàng” đang đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam những doanh nghiệp lớn mạnh một cách bền vững.

Mai Kiều Liên – Vị tướng của cuộc “cách mạng trắng”

Sau gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm giữ cương vị Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), những gì bà Mai Kiều Liên làm được cho Vinamilk và ngành sữa Việt Nam hôm nay khiến nhiều người phải nể trọng. Người ta ví bà như một vị “nữ tướng” giản dị của ngành sữa, luôn mang trong mình những hoài bão, chiến lược cho “một cuộc cách mạng trắng” ở Việt Nam.

Trong chiến lược sản xuất, bà Mai Kiều Liên luôn hướng đến mục tiêu Vinamilk phải tìm ra những sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng để có thể chiếm lĩnh thị trường. Hơn 90% những sản phẩm mới được Vinamilk đưa ra thị trường hằng năm được phát triển dựa trên ý tưởng của bà.

Và thực tế đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của bà, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công nhất tại Việt Nam và hiện có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, khoảng 5 tỷ USD tương đương hơn 100.000 tỷ đồng.

Tạp chí Nikkei nhận định: “Bà Mai Kiều Liên là người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, là nữ doanh nhân rất được kính trọng tại châu Á. Vinamilk đã đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam thấy được sự cần thiết của những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Hiện nay công ty cũng đang tiến hành đầu tư phát triển vươn ra tầm quốc tế”.

Nguyễn Thị Phương Thảo – Người phụ nữ thay đổi cục diện ngành hàng không

Nguyễn Thị Phương Thảo đã có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động kinh tế tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Ngoài vai trò tại HDBank, hiện bà Thảo cũng tham gia quản trị nhiều công ty lớn khác tại Việt Nam và nước ngoài như Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings – tập đoàn đầu tư đa ngành và đặc biệt là VietjetAir – hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam hiện nay.

Trong một lần phỏng vấn báo chí, bà Thảo chia sẻ: “Hoài bão của Vietjet là ra đời với sứ mệnh mang đến ngày càng nhiều cơ hội bay cho người dân trong nước và quốc tế. Chúng tôi khát khao làm một cuộc cách mạng về phương tiện đi lại cho người dân Việt Nam, đóng góp phát triển ngành Hàng không Việt Nam vươn tầm quốc tế”.

Theo thống kê của Cục Hàng không VN, vận chuyển hàng không nội địa 6 tháng đầu năm 2015 của toàn ngành tăng trưởng hơn 26% và Vietjet đã đóng góp 70% vào mức tăng trưởng vận chuyển hàng không nội địa. Hàng không là ngành có tính biểu tượng rất cao cho sự phát triển, hội nhập kinh tế – xã hội của đất nước. Nhìn vào sự phát triển của ngành Hàng không có thể “đo” được mức độ tăng trưởng kinh tế cũng như mức độ hội nhập của đất nước và điều mà “bông hồng vàng” Phương Thảo đã làm được cùng Vietjet còn nhiều hơn thế.

“Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc

Bà Huỳnh Bích Ngọc Chủ tịch CTCP Sản xuất – Thương mại Thành Thành Công là một nữ doanh nhân quyền lực, có trong tay rất nhiều DN lớn ngành mía đường. Tiền thân của Thành Thành Công hiện nay là cơ sở kinh doanh cồn được thành lập vào năm 1979. Hiện vốn điều lệ của Thành Thành Công là 1.000 tỷ đồng. Ban đầu, Thành Thành Công chủ yếu làm phân phối.

Với tiềm lực tài chính của mình và quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước, Cty đã tiến hành đầu tư vào nhiều DN sản xuất mía đường khác. Bên cạnh lĩnh vực mía đường, Thành Thành Công còn đầu tư vào Dịch vụ Du lịch, BĐS và Đầu tư tài chính, hình thành một tập đoàn đa ngành nghề.

Trong vài năm trở lại đây, vị thế của bà Huỳnh Bích Ngọc cũng như Thành Thành Công trong ngành mía đường đã tăng lên đáng kể thông qua việc đầu tư vào một loạt các DN mía đường lớn nhỏ. Những DN mía đường mà tổ hợp Thành Thành Công nắm quyền chi phối hoặc có ảnh hướng lớn gồm có Bourbon Tây Ninh (SBT), Đường Ninh Hòa (NHS), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Mía đường 333 (S33), Mía đường Phan Rang, La Ngà… Thương vụ lớn nhất của Thành Thành Công là đã mua lại cổ phần chi phối của Bourbon Tây Ninh khi Tập đoàn Bourbon (Pháp) quyết định thoái toàn bộ vốn tại công ty này.

Bà Thái Hương – “Người đàn bà sữa tươi” quyền lực châu Á

Theo công bố của TH True Milk, trước khi DN này ra đời, thị trường sữa nước Việt Nam có đến 92% là sữa bột pha lại, giờ còn trên 72% chủ yếu do đóng góp của TH True Milk. “Nếu làm sữa với chất lượng khác, chúng tôi sẽ đạt điểm hoà vốn và có lãi nhanh hơn, nhưng điều đó không đúng với mong ước của tôi là làm những ly sữa thực sự tươi và sạch cho người Việt Nam.

Thời gian đạt điểm hoà vốn của TH True Milk có thể kéo dài tới 7- 9 năm nhưng sau đó thương hiệu sẽ phát triển bền vững cùng với người dân Việt Nam”, bà Thái Hương tâm sự.

Tập đoàn TH của bà Hương đầu tư 450 triệu USD vào việc nhập khẩu và nuôi bò để sản xuất chế phẩm sữa tươi với công nghệ Israel. Hiện TH True Milk nuôi 40.000 bò sữa trên diện tích 8.100 hecta và có kế hoạch nâng lên 37.000 hecta. Năm 2015, doanh thu của TH chiếm 50% thị phần sữa tươi tại Việt Nam.

Trang trại TH tại Nghệ An đã đạt kỷ lục là trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á, sản phẩm của bà đạt nhiều giải thưởng chất lượng trong nước, Sản phẩm tốt nhất ASEAN và đoạt giải Vàng chất lượng sản phẩm tốt nhất tại Triển lãm thực phẩm thế giới tổ chức tại Moscow (Nga) 2015. Bà Thái Hương cũng vừa đoạt giải Thành tựu nổi bật tại Hội chợ Quốc tế chuyên ngành thực phẩm Gulfood 2016 –Dubai vào ngày 21/2 vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – “Người đàn bà thép” của ngành cơ khí

Sự phát triển của REE gắn liền với bà Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ khi bà dẫn dắt công ty đột phá sang các mảng kinh doanh khác như bất động sản, lĩnh vực năng lượng… Với chiến lược hiện tại, bà Mai Thanh đang hướng REE đến mô hình Cty Holdings – sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong ba lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản và cơ sở hạ tầng tiện ích (điện, nước) tại Việt Nam.

Hiện tại, bà Thanh là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình là thành viên HĐQT (trong tổng số 5 người) và là giám đốc tài chính REE.

“Vì đâu REE từ một Cty nhỏ, có giá trị 1 triệu USD giờ đã đạt đến 200 triệu USD? Không thể không nhắc đến bà Thanh và những chiến lược táo bạo của bà. Bà là người luôn lắng nghe góp ý nhưng quyết đoán khi ra quyết định”, ông Dominic Scriven, TGĐ Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cựu Phó chủ tịch HĐQT Cty REE, nhận xét.

Nhớ lại các thăng trầm của công ty mà mình gắn bó hơn 30 năm, nữ doanh nhân làm nên thành công của REE nhắc đến một câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Đừng đánh giá tôi dựa trên những lần thành công. Hãy đánh giá tôi về số lần tôi gục ngã và đứng dậy trở lại”.

Bà Nguyễn Thị Nga – Nữ tỷ phú USD ở Việt Nam

Theo công bố của Tạp chí Forbes về danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014”, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đứng vị trí số 29, và là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam với số cổ phần lớn trong ngân hàng – Bất động sản – Khu du lịch nghỉ dưỡng – Bán lẻ. Việc định lượng chính xác khối tài sản khổng lồ mà bà Nga đang sở hữu vẫn là một dấu hỏi lớn, nhưng ai cũng biết một điều rằng bà là người thành đạt và được “đồn thổi” là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam.

Hiện bà là Chủ tịch của SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó ngân hàng Pháp Societe Generale có 20% cổ phần. Ngoài ra bà thành lập BRG điều hành nhiều công ty và các dự án khác ở Việt Nam đặc biệt là Island Golf Resort Kings và Đồ Sơn Seaside Golf Resort. Đồng thời bà còn sở hữu 2 khách sạn lớn tại Hà Nội dưới sự quản lý của Hilton Wordwide và nắm cổ phần tại Intimex.

Tuy nắm trong tay khối lượng tài sản không nhỏ và vị thế trong giới doanh nhân cao nhưng bà Nga luôn biết cách “ẩn mình”. Rất ít khi thấy bà xuất hiện trên thương trường, có chăng là những sự kiện liên quan đến các dự án sân golf với tiêu chuẩn thế giới, trong vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội, trong chức vụ Chủ tịch HĐQT của SeABank.

Bà Ninh Thị Ty – “Bác sĩ” của nhiều DN dệt may

Bà Ninh Thị Ty – Chủ tịch HĐQT công ty CP may Hồ Gươm, may Chiến Thắng, là người phụ nữ đầu tiên của ngành này được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bà cũng “chuyên” vực dậy DN dệt, may trên bờ vực phá sản.

Hiện nay với chuỗi nhà máy thuộc công ty CP may Hồ Gươm và may Chiến Thắng được xây dựng tại 12 tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Yên Bái, Nam Định, Bắc Ninh … tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 5000 công nhân.

Nhờ xây dựng được uy tín thương hiệu, khách hàng từ các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản đến với công ty ngày càng nhiều, trong đó có những tên tuổi lớn như: Mango, Target Stores, Lee, Catimini, South Pole, Jack Wolfskin… Việc Việt Nam tham gia hiệp định TPP, ngành dệt may là một trong số ít được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.

Hiện nay, xuất sang Mỹ của May Hồ Gươm chiếm khoảng 50 -55% tổng kim ngạch xuất khẩu của DN, khi có TPP con số này có thể lên trên 60%. Để đón đầu cơ hội từ TPP, ngay từ năm 2014 doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất. Cụ thể, ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa DN xây thêm nhà xưởng quy mô 1.000 lao động, mở rộng thêm nhà máy mới ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa cũng thu hút thêm 1.000 lao động.

Bà Trương Thị Lệ Khanh – “Nữ hoàng” ngành thủy sản Việt Nam

Đứng ở vị trí thứ 20 trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán, bà chủ của CTCP Vĩnh Hoàn hiện là người giàu nhất ngành thủy sản.Bà Khanh hiện nắm giữ 23,37 triệu cổ phiếu VHC – tương đương 49,6% cổ phần của Vĩnh Hoàn.

Khi Vĩnh Hoàn mới lên sàn, bà Lệ Khanh nắm giữ 60% cổ phần của công ty này. Sau đó, Vĩnh Hoàn đã phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sở hữu của bà Lệ Khanh đã giảm xuống còn 49,6% như hiện tại.

Theo thống kê của VASEP, tính riêng cá tra fillet, Vĩnh Hoàn đạt 150 triệu USD, chiếm hơn 8% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn là Hoa Kỳ. Việc được hưởng mức thuế chống thuế bán phá giá thấp nhất là một trong những nhân tố giúp công ty nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu trong các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Tuy nhiên nếu tính chung cả Hùng Vương và Agifish (công ty con của Hùng Vương) thì giá trị của Vĩnh Hoàn vẫn thấp hơn 50 triệu USD. Vốn hóa thị trường của Vĩnh Hoàn (VHC) đứng thứ 3 trong ngành thủy sản sau Hùng Vương (HVG) và Minh Phú (MPC).

Vĩnh Hoàn đang xúc tiến nhiều dự án mới về nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo, collagen với sự ra đời của các công ty con làm tiền đề cho sự mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.

PV

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên