MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cuộc lấn sân âm thầm: Ngân hàng, quỹ đầu tư vào cuộc

02-07-2014 - 08:49 AM | Doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước khẳng định năm 2014, nông nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay

Ngoài Ngân hàng (NH) Nhà nước, các NH thương mại cũng tích cực cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một đầu mối lớn cung cấp vốn cho Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thực hiện các dự án nông nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Còn NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đến hết tháng 3-2014, dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp đạt 72.615 tỉ đồng, chủ yếu là dư nợ ngắn hạn, chiếm tỉ trọng khoảng 20% so với dư nợ toàn NH. VietinBank chủ yếu tập trung cho vay thu mua các sản phẩm nông nghiệp nông thôn, phục vụ sản xuất - kinh doanh chế biến hàng xuất khẩu.

Các quỹ đầu tư cũng bắt đầu để ý đến lĩnh vực đầy tiềm năng này nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital, cho biết hiện VinaCapital có một danh mục khá đa dạng các khoản đầu tư liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Tổng giá trị danh mục nông nghiệp này chiếm khoảng 90 triệu USD, trong số các cổ phiếu trên sàn và cổ phiếu của doanh nghiệp (DN) chưa niêm yết thì phân bổ danh mục của VinaCapital cho nông nghiệp chỉ đứng sau ngành hàng tiêu dùng. “Nông nghiệp là nền tảng kinh tế chính của Việt Nam, hỗ trợ 60% dân số và đóng góp 14% cho GDP. Vì vậy chiến lược của chúng tôi đối với lĩnh vực này là đầu tư lâu dài trên cơ sở lựa chọn các DN có lợi thế cạnh tranh về mặt thị trường” - ông Andy Ho khẳng định.

Tuy vậy, cái khó của ngành nông nghiệp chính là sự manh mún, nhỏ lẻ của quỹ đất khiến nhiều DN còn e ngại. Lãnh đạo Tập đoàn Thành Thành Công cho biết cái khó cho việc trồng mía quy mô lớn là phải có quỹ đất rộng để có thể dùng cơ giới hóa.

Vì vậy mà từ mấy năm trước, Tập đoàn Thành Thành Công đã chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng của Campuchia để phát triển hơn 5.000 ha mía nguyên liệu. Hay HAGL cũng chuyển sang các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia để trồng cỏ nuôi bò hay trồng mía, cao su, cọ dầu, bắp...

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng nông nghiệp là ngành thiết yếu, có thể coi là ngành phòng thủ khi các DN lấn sân qua ngành này vì là lợi thế của quốc gia. Tuy nhiên, cái khó của ngành nông nghiệp là thời hạn thuê đất ngắn trong khi diện tích đất nông nghiệp đa phần là nhỏ lẻ, lệ thuộc vào nhiều hộ nông dân khiến việc tổ chức sản xuất, cơ giới hóa cũng như sơ chế gặp khó khăn. Điều này minh chứng cho lý do vì sao bầu Đức (Chủ tịch HĐQT HAGL) phải sang Lào, Campuchia để trồng cao su, trồng mía đường...

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gạch Đồng Tâm Long An:


Trong tầm kiểm soát!


Đồng Tâm Long An đã bỏ ra 460 tỉ đồng để mua cổ phiếu của Công ty CP Kinh Đô và bỏ ra một số vốn khá lớn để mua cổ phần tại Ngân hàng Kiên Long và trở thành thành viên HĐQT của ngân hàng này. Đầu tư vào ngành tiềm năng, của một DN tiềm năng thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Cụ thể, Kinh Đô đang có nhiều chiến lược mới với nhiều ngành hàng tiêu dùng khác ngoài bánh kẹo nhưng cũng rất tiềm năng và ít bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế bên ngoài. Chọn đầu tư vào lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực truyền thống là chấp nhận rủi ro nhưng tôi cho rằng mình có thể kiểm soát được rủi ro đó, đồng thời vẫn xem gạch là ngành chính mà tôi không thể nào bỏ.


Năm 2014, Đồng Tâm Long An đặt ra chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 1.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 135 tỉ đồng. Còn tại Ngân hàng Kiên Long, tổng tài sản sẽ tăng 12%, lên 23.842 tỉ đồng. Tổng huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 11% và 10%, lên 19.505 tỉ đồng và 13.341 tỉ đồng, lợi nhuận tăng 7% lên 419 tỉ đồng.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh Đô:


Bánh kẹo vẫn là chủ lực


Dù dẫn đầu thị trường trong nước ở ngành hàng bánh kẹo nhưng lĩnh vực này hiện không còn phát triển mạnh như thời gian đầu công ty mới thành lập. Do đó, Kinh Đô đã chuyển hướng đầu tư vào một số ngành khác từ 3 năm qua nhằm gia tăng sự hiện diện của công ty với người tiêu dùng. Ở 3 ngành hàng mới là mì gói, dầu ăn và cà phê, công ty sẽ hướng đến việc tích hợp thế mạnh của mình và đối tác để tiếp tục phát triển, riêng bánh kẹo vẫn là mảng kinh doanh chủ lực.

Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Long Gia Lai:


Tái cấu trúc là cần thiết


Chuyển hướng mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, dù mới chỉ là bước đầu, chưa có kết quả cụ thể nhưng theo tôi, việc tái cấu trúc là vấn đề cần thiết và cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Về việc đầu tư trồng bắp, đậu tương, chúng tôi nghĩ rằng là cần thiết vì mỗi năm Việt Nam phải nhập các mặt hàng này với con số không nhỏ.


Điều quan trọng là chúng tôi đã chuẩn bị quỹ đất, huy động vốn, đầu tư máy móc, thiết bị, cơ giới hóa để phục vụ công việc trồng, thu hoạch, sơ chế nhằm đem lại năng suất tốt nhất. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ mở rộng việc trồng cây nông nghiệp sang Lào và Campuchia sẽ thu được kết quả tốt hơn.

S.Nhung - T.Phương ghi


Theo SƠN NHUNG

thanhhuong

Người Lao động

Trở lên trên