Niềm tin đang trở lại
Thuận lợi là quá trình hội nhập giúp các DN được tham gia luật chơi chung của cả thế giới.
- Ông Vũ Tiến Lộc: Năm 2013 đã để lại dấu ấn rất quan trọng nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì nhịp độ tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn và đặc biệt là đánh dấu những nỗ lực rất quan trọng của Chính phủ trong việc công bố và bắt đầu triển khai thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã có niềm tin trở lại với dự định tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh trong năm 2014” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định |
Một giải pháp nữa tác động lớn đến cộng đồng DN là tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc hội nhập quốc tế, đưa nền kinh tế Việt Nam vào luật chơi toàn cầu. Những nỗ lực đó, gồm cải cách thể chế trong nước, đặc biệt là tái cấu trúc DN nhà nước với giải pháp rất quyết liệt và việc đang tiến gần tới ký TPP tạo ra 2 động lực mới cho cải cách và phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2014.
Cộng đồng DN kỳ vọng gì trong năm 2014 khi các dự báo cho thấy năm nay vẫn tiếp tục là một năm khó khăn, thưa ông?
- Đúng là khó khăn vẫn còn rất lớn. Năm 2013 có hơn 10.000 DN trở lại hoạt động sau khi phải tạm ngừng sản xuất nhưng số DN đóng cửa giải thể vẫn tiếp tục tăng, 60% DN không có khả năng nộp thuế. Chỉ số lợi nhuận và nộp ngân sách của DN không tăng như mong muốn. Điều này cho thấy khó khăn nhất của DN Việt Nam vẫn là khả năng cạnh tranh tương đối thấp trong môi trường hội nhập.
Tuy nhiên, những nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước công bố gần đây cho thấy giới kinh doanh có niềm tin hơn vào triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế. Đặc biệt là việc doanh nhân được chính danh trong Hiến pháp sửa đổi vừa qua cũng là một động thái làm tăng niềm tin của giới doanh nhân. Trong số 500 DN hàng đầu Việt Nam, có 60% nói rằng kết quả kinh doanh của họ năm 2013 tốt hơn năm trước và 80% tin rằng sẽ được mở rộng quy mô hơn trong năm 2014. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đạt 23 tỉ USD chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam và đón đầu TPP. Những diễn biến này cho thấy niềm tin của DN đã trở lại.
Theo ông, DN Việt Nam có khả năng tận dụng được những cơ hội đó để tạo sức bật trong năm 2014 hay không?
- Năm qua vẫn có 80.000 DN mới ra đời, chứng tỏ tốc độ thành lập DN trong nền kinh tế Việt Nam không hề suy giảm. Việt Nam đang có một đội ngũ doanh nhân trưởng thành hơn, kể cả doanh nhân đã trụ vững và doanh nhân mới vào thương trường, vì họ chịu sự sàng lọc nghiệt ngã của môi trường kinh doanh. Do đó, chúng ta có thể tin vào khả năng trụ vững và sức bật của họ.
Thuận lợi là quá trình hội nhập giúp các DN được tham gia luật chơi chung của cả thế giới. DN Việt Nam có thể tham gia vào xu hướng mua bán, sáp nhập để bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu đạt chuẩn mực toàn cầu. Đặc biệt, khi tham gia TPP với hàng rào thuế quan được gỡ bỏ cao hơn so với WTO thì lợi thế cạnh tranh của các nước sẽ thay đổi do không còn bảo hộ. Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong khối TPP nên có lợi thế lớn. Ví dụ, Nhật Bản hiện đang tập trung đầu tư nhiều vào nông nghiệp, khi hàng rào bảo hộ giảm đi, họ cần tìm địa điểm khác để đầu tư nông nghiệp cao thì Việt Nam có thể là một lựa chọn. Tất nhiên, trong cuộc chơi này, Việt Nam muốn thắng phải biết luật chơi. Trong 2 kỳ diễn đàn doanh nghiệp gần đây, VCCI đều lấy chủ đề là “Từ chương trình đến hành động” vì chúng ta đã có chương trình nghị sự cải cách thể chế, vấn đề là làm thế nào thực hiện quyết liệt, không bị ngập ngừng. Hy vọng năm 2014 tạo ra bước ngoặt trong thực hiện các chương trình này.
Dồn vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết năm 2014, các NH trên địa bàn TP tập trung hỗ trợ vốn cho các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao), phấn đấu dư nợ cho vay thuộc 5 lĩnh vực này tăng 20%-30% so với năm 2013 là 128.000 tỉ đồng. Mặt khác, NH Nhà nước tiếp tục phối hợp với UBND TP HCM thực hiện chương trình kết nối NH với DN trên địa bàn 24 quận, huyện để các NH thương mại đưa vốn vay ngắn hạn (thời hạn vay dưới 12 tháng) đến tận tay DN, đồng thời mở rộng thêm đối tượng là hộ sản xuất, kinh doanh và tiểu thương tại các chợ đầu mối. Các NH thương mại sẽ cho vay khoảng 20.000 tỉ đồng với lãi suất từ 7,5%-8%/năm.Th.Thơ
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op:
Hợp tác để tăng sức cạnh tranh
Trong năm 2014-2015, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) sẽ quy hoạch lại mạng lưới bán lẻ kèm theo quy hoạch mạng lưới tổng kho. Ngoài ra, xem xét khả năng liên kết với các DN bán lẻ trong nước để hợp tác cùng phát triển; hướng đến hợp tác trong hoạt động cung ứng để tăng hiệu quả, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh; liên kết với đối tác nước ngoài để cộng hưởng thế mạnh của các bên...
Hội nhập - cạnh tranh, các DN hiểu rõ phải chủ động, tích cực xoay xở tìm giải pháp tự cứu mình trước khi được cứu nhưng cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn, cân nhắc đánh giá những mô hình nào nên kêu gọi đầu tư, mô hình nào dành cho DN trong nước đầu tư. Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối theo định hướng phát triển những khu vực, lĩnh vực nào dành cho nước ngoài và hướng nước ngoài phát triển; những khu vực - vị trí nào hướng các DN trong nước phát triển. Thay vì mở cửa thị trường cho 1-2 nhà đầu tư mở chuỗi thì có thể cho nhiều nhà đầu tư vào nhưng không cho mở chuỗi cũng giảm bớt áp lực cạnh tranh cho DN trong nước.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM:
Nhiều cơ hội mới
Kinh tế vĩ mô trong năm 2014 có những điểm sáng như lãi suất không tăng, tỉ giá không biến động, giá vàng ngừng nhảy múa... đã tạo cơ sở cho DN tính toán chiến lược kinh doanh trong năm mới: Đầu tư vào đâu để ổn định nhất, hiệu quả nhất.
Cộng đồng DN rất kỳ vọng việc Việt Nam gia nhập TPP trong năm 2014 và cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 sẽ mang đến nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, rất cần nhà nước có những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn để DN đầu tư phát triển. Song song đó, đẩy mạnh quản lý thị trường, “đánh” hàng gian, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để tránh trường hợp hàng kém chất lượng từ các nước tràn vào thao túng thị trường trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana-Ý (Đà Nẵng):
Mong lĩnh vực xây dựng khởi sắc
2013 là năm đầy khó khăn đối với các DN trong lĩnh vực xây dựng bởi hàng hóa sản xuất ra không bán được. Hiện nay kích cầu rất yếu, vì vậy thời gian tới rất mong Chính phủ có giải pháp kích cầu mạnh mẽ để sản phẩm DN làm ra bán được nhiều hơn.
Hy vọng trong năm 2014 bức tranh nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn bởi chính sách tiền tệ đang ổn định, lãi suất vốn vay thấp sẽ kích thích được các DN nỗ lực phát triển. Năm 2013, doanh thu của Công ty CP Thép Dana-Ý đạt 2.700 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ hơn 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, với sự ổn định kinh tế vĩ mô, Dana-Ý đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất lớn, công nghệ hiện đại để cho ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp nhằm tăng sức cạnh tranh.
T.Nhân - H.Dũng ghi
Theo Tô Hà