Nội bài Cargo: Đi tìm nguyên nhân của con số lợi nhuận khủng
Theo NCTS, mức tăng trưởng doanh thu cao của năm 2013 là nhờ sản lượng hàng hóa quốc tế, chủ yếu là hàng xuất nhập khẩu của Samsung tăng trưởng mạnh so với năm 2012.
Ngày 08/01 tới đây, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Nội Bài Cargo/NCTS) sẽ chính thức chào sàn với mã chứng khoán NCT. Với vốn điều lệ 249,2 tỷ đồng tương ứng số cổ phiếu niêm yếu là 24,92 triệu đơn vị, Nội Bài Cargo thu hút sự chú ý của nhà đầu tư bởi kết quả kinh doanh ấn tượng, đặc biệt là tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt hàng năm đều ở mức rất cao, trên 100%. Đó là một trong những nguyên nhân mà giá tham chiếu chào sàn của NCT lên đến 75.000 đồng/cp.
Doanh nghiệp ngành hàng không vốn có lợi thế độc quyền tại khu vực kinh doanh nên lợi nhuận cao là điều có thể hiểu được. Nhưng so sánh với Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) – một đơn vị cùng lĩnh vực hoạt động (chất xếp, bốc dỡ hàng hóa, kinh doanh kho bãi) và quy mô vốn, tài sản ở mức tương đương thì Nội Bài Cargo có các chỉ số sinh lời cao hơn hẳn.
Quy mô tài sản và vốn chủ ở mức tương đương:
Đơn vị: tỷ đồng
Nhưng kết quả kinh doanh năm 2013 của Nội Bài Cargo cao hơn:
Đặc biệt, tỷ suất sinh lời ROA và ROE của TCS năm 2013 là 34% và 59% trong khi của NCTS cao gần gấp đôi: 74,3% và 89,5%.
80 – 85% thị phần phục vụ tại sân bay Nội Bài thuộc về NCTS
NCTS là công ty phục vụ hàng hóa lâu đời nhất tại sân bay Nội Bài. Cùng khai thác mảng chất xếp, bốc dỡ hàng hóa, kinh doanh kho bãi tại sân bay này còn có Trung tâm dịch vụ ga hàng hóa Nội Bài và CTCP Giao nhận Kho vận Hàng không ALS.
Theo Báo cáo thường niên năm 2013, NCTS nắm 80 – 85% thị phần phục vụ tại sân bay Nội Bài. Với thị phần này, NCTS đạt 574,5 tỷ doanh thu thuần trong năm 2013 – tăng 35% so với năm 2012. 9 tháng đầu năm 2014, công ty đã đạt 488,7 tỷ đồng doanh thu thuần – tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó 48,6% là doanh thu từ phục vụ hàng hóa và 32,2% từ xử lý hàng hóa.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Trọng Sơn – Phó Tổng giám đốc của Nội Bài Cargo cho biết, kết quả doanh thu, lợi nhuận của NCTS cao hơn TCS không phải là điều khó hiểu. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất TCS còn có CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn SCSC – một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn hẳn (tổng tài sản gần 1.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 480 tỷ). Theo đó, TCS là công ty liên doanh với Singapore, chỉ phục vụ hàng quốc tế trong khi riêng hàng quốc tế, sản lượng phục vụ của NCTS đã cao hơn.
Tới đây, CTCP Giao nhận Kho vận Hàng không ALS cũng sẽ hoạt động trong lĩnh vực tương tự NCTS nhưng ông Đinh Trọng Sơn cho biết, hai công ty này có thể sẽ liên kết hợp tác cùng nhau. Thị phần của NCTS có thể giảm đi, nhưng không đáng kể.
Khách hàng lớn Samsung – điểm nhấn cho sự tăng trưởng
Theo NCTS, mức tăng trưởng doanh thu như trên có được là nhờ sản lượng hàng hóa quốc tế, mà chủ yếu là do hàng xuất nhập khẩu của Samsung tăng trưởng mạnh so với năm 2012.
Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa phục vụ trong năm 2013 tăng 10,26% so với kế hoạch, trong đó phục vụ hàng quốc tế tăng 40,37% và hàng nội địa giảm 7,86% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, sản lượng hàng hóa XNK của Samsung tăng 42,2% so với năm 2012.
9 tháng đầu năm 2014, có thể thấy sản lượng bình quân của khách hàng Korea Air chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khách hàng quốc tế.
Theo tính toán của Samsung, với tư cách nhà xuất nhập khẩu chính, sản lượng hàng hóa năm 2013 của hãng này chiếm 35% sản lượng hàng hóa tại sân bay Nội Bài và dự kiến tăng lên 50% trong vài năm tới.
Tài sản cố định ít, chi phí lớn nhất là chi phí nhân công
Với đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giá trị tài sản cố định của NCTS chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng tài sản do hệ thống kho bãi là đi thuê, công ty chỉ đầu tư máy móc thiết bị, phương tiện vận tải truyền dẫn. Tại thời điểm cuối năm 2013, tài sản dài hạn chỉ có 56,7 tỷ - chiếm 16,4% tổng tài sản trong đó tài sản cố định chỉ có 40,2 tỷ. Và tính tại 30/09/2014, các phương tiện vận tải, bốc dỡ hàng hóa đã khấu hao gần 50%.
Nói thêm về điều này, ông Đinh Trọng Sơn cho biết, công ty sử dụng chính sách khấu hao nhanh và do chưa có điều kiện đầu tư tài sản cố định là đất đai, công ty chỉ mua sắm thiết bị máy móc và chi phí này không lớn so với khoản doanh thu từ hoạt động chính của NCTS.
Chính vì vậy, nếu như SCSC có tài sản cố định chiếm 88% tổng tài sản, chi phí khấu hao rất lớn thì chi phí lớn nhất của NCTS là chi phí nhân công. 9 tháng đầu năm 2014, chi phí nhân công của NCTS gần 66 tỷ - chiếm 13,5% doanh thu thuần, chi phí dịch vụ mua ngoài chiếm 11,5% và chi phí thuê văn phòng tài sản chiếm 7,9%.
Theo bản cáo bạch của công ty, NCS có 740 nhân viên và do loại hình hoạt động, số lao động phổ thông là 542 người – chiếm 73,2%. Mức thu nhập bình quân năm 2013 là 15,6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, NCTS hoàn toàn không vay nợ nên không mất chi phí lãi vay.
Như vậy có thể thấy, con số lợi nhuận ấn tượng của Nội Bài Cargo đến từ lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp là chiếm thị phần gần như độc quyền trong mảng chất xếp, bốc dỡ hàng hóa, kinh doanh kho bãi tại sân bay Nội Bài. Đồng thời, công ty chỉ đi thuê kho bãi, cơ sở hạ tầng mà không đầu tư trực tiếp nên chi phí khấu hao thấp.
Tuy nhiên, như Nội Bài Cargo đã trình bày, đây cũng chính là một hạn chế của công ty khi mặt bằng khai thác bị hạn chế và chịu sự can thiệp của đơn vị chủ quản khiến công ty thiếu chủ động trong các chính sách về giá, làm giảm sức cạnh tranh với các đơn vị trong khu vực ASEAN.
>> Nội Bài Cargo chào sàn ngày 08/01 với giá tham chiếu 75.000 đồng/cp
Bảo Ngọc
Tài chính Plus