MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nội thất Xuân Hòa sau IPO: Oằn vai với những gánh nặng

09-06-2015 - 09:20 AM | Doanh nghiệp

Lợi nhuận của Xuân Hòa đến chủ yếu từ mảng tài chính, tức khoản lợi nhuận sau thuế được liên doanh Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội phân chia về. Xuân Hòa đã góp 30% vốn điều lệ của Toyota Boshoku Hà Nội và hàng năm thu về từ 16 – 33 tỷ đồng.

Ngày 26/6 tới đây tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Nội thất Xuân Hòa sẽ thực hiện bán đấu giá lần đầu 5.434.800 cổ phần với giá khởi điểm 10.300 đồng/CP.

Khi thị trường đồ nội thất tại Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc giá rẻ thì đây là một trong số ít những doanh nghiệp Việt tạo được dấu ấn nhất định trong cộng đồng người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù đã có mặt trên thị trường nhiều năm nhưng nội thất Xuân Hòa dường như vẫn chỉ dậm chân tại chỗ.

Một thương hiệu bình dân với sức tăng trưởng khiêm tốn

Theo bản công bố thông tin, tại ngày 30/06/2014, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Xuân Hòa là 149 tỷ đồng. Vốn nhà nước sau khi đánh giá lại tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 200,8 tỷ và vốn điều lệ đề nghị cho công ty sau cổ phần là 201 tỷ.

Doanh thu từ sản phẩm nội thất chiếm đến 90% doanh thu bán hàng hàng năm của Xuân Hòa với các  sản phẩm chủ yếu là bàn, ghế, giường, tủ các loại và sản phẩm khác. Năm 2014, nhờ trúng được hợp đồng cung cấp ghế cho Tòa nhà Quốc hội, doanh thu mảng này đã tăng hơn 13% so với năm 2013. Nhưng ngoại trừ năm này thì mức tăng trưởng doanh thu trong thời gian trước rất thấp, chỉ khoảng 2 – 3%/năm.

Nếu so với doanh thu của CTCP Nội thất Hòa Phát (một công ty có vốn điều lệ 400 tỷ) thì doanh thu nội thất của Xuân Hòa chỉ bằng 1/5 của nội thất Hòa Phát.

Theo công ty, do sản phẩm của Xuân Hòa phục vụ cho phân khúc bình dân chưa cạnh tranh được với phân khúc thị trường cao cấp nên giá bán thấp, lợi nhuận thấp. Không chỉ đối mặt với tình trạng làm hàng giả, hàng nhái và hàng Trung Quốc giá rẻ, công ty đã gặp khó khăn với việc giá nguyên liệu đầu vào, vật tư, điện nước liên tục tăng cao trong khi  giá bán sản phẩm không thể tăng tương ứng.

Dù có thêm hợp đồng lớn, doanh thu bán hàng của Xuân Hòa vẫn không tăng trưởng đáng kể cho thấy năng lực sản xuất là có hạn. Trong khi đó, sau khi cổ phần hóa, công ty cũng không có kế hoạch tăng vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bản thân Xuân Hòa cũng tự đánh giá, năm 2015, khi hiệp định mậu dịch AFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, sản phẩm ngoại tràn vào thì sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt khi Xuân Hòa thực sự không có thế mạnh nào. Giải pháp duy nhất công ty đặt ra là tiết giảm chi phí để cứu vãn lợi nhuận.

Lợi nhuận từ công ty liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội – tưởng món ngon hóa gánh nặng

Lợi nhuận của Xuân Hòa đến chủ yếu từ mảng tài chính, tức khoản lợi nhuận sau thuế được liên doanh Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội phân chia về. Xuân Hòa đã góp 30% vốn điều lệ của Toyota Boshoku Hà Nội và hàng năm thu về từ 16 – 33 tỷ đồng.

Nếu không có khoản lợi nhuận này, hoạt động kinh doanh chính của Xuân Hòa lỗ 3 tỷ trong năm 2011 và lỗ 806 triệu đồng trong năm 2014. Năm 2012 và 2013 cũng chỉ có lãi lần lượt là 2,9 tỷ và 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, rủi ro của việc này, như năm 2012 là khi liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội không chia lợi nhuận, kết quả kinh doanh của Xuân Hòa đã sụt giảm rất mạnh, chỉ còn 2,1 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, theo số liệu xác định lại giá trị doanh nghiệp vào ngày 01/07/2014 để thực hiện cổ phần hóa, khoản phải thu của Xuân Hòa đã tăng thêm gần 100 tỷ đồng so với giá trị sổ sách kế toán. Nguyên nhân là do đánh giá lại khoản phải thu từ Toyota Boshoku Hà Nội.  Theo quy định, doanh nghiệp không được tính tăng phần lợi nhuận chưa phân phối của công ty liên doanh vào phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo đó, sau cổ phần hóa, Xuân Hòa phải thu hồi nguồn lợi nhuận được công ty liên doanh chia cho hàng năm và thực hiện nộp ngân sách cho đến khi trả hết 100 tỷ phải thu trên trong vòng 4 năm (2015 – 2018), tức 25 tỷ/năm.

Với một tình trạng như vậy, Công ty đã có kế hoạch trả cổ tức rất thấp. Năm 2015 dự kiến không trả, năm 2016 là 2%, năm 2017 là 3,3% và 2018 là 4,5%.

Xuân Hòa cũng đánh giá, rất có thể Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội sẽ chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu cho phù hợp với xu thế và áp lực cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập quốc tế.  Hoạt động gia công linh kiện ô tô cho liên doanh này có thể sẽ không còn được như thời gian trước.

Dự án cầu Diễn vẫn nằm chờ

Xuân Hòa góp 30% vốn điều lệ, cùng với CTCP tập đoàn Ba Đình, CTCP đầu tư xây dựng Ba Đình 1, 2, 3 thành lập CTCP Đầu tư Xây dựng Nhuệ Giang để thực hiện dự án “Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán tại số 27 đường Đông Lạnh, thị trấn Cầu Diễn – Hà Nội”.

Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, công ty được tạm thời sử dụng nhưng phải tiến hành di dời và không được sản xuất. Trong khi đó vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm với giá thuê đất tăng cao. Cơ sở này cũng không tiến hành sản xuất kinh doanh nên không có nguồn thu để bù đắp chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại cơ sở này.

Đây cũng là một trong những gánh nặng của Xuân Hòa.

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên