MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam đã có 1 triệu đô la đầu tiên ở tuổi 21

24-03-2016 - 10:40 AM | Doanh nghiệp

Sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam IPO, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có thể trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam ở tuổi 45.

Nguyễn Thị Phương Thảo có được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi, nhờ bán máy fax và nhựa cao su. Gần 25 năm sau, bà đang nổi lên như một nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam cùng với hình ảnh những người mẫu mặc bikini để quảng cáo cho hãng hàng không VietJet Air.

Theo tính toán của Bloomberg, sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam thực hiện IPO, bà Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long)– dự án bất động sản rộng 65 hecta ở TP Hồ Chí Minh.

“Tôi chưa bao giờ ngồi mà tính toán cụ thể xem mình có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty tăng trưởng tốt hơn, để thu nhập của nhân viên tăng lên, để VietJet Air có thêm thị phần và vươn lên vị trí số một”, bà Thảo nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Theo kế hoạch, VietJet sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 3 tháng tới với tối đa cho phép là 30% cổ phần. Hãng hàng không này có thể được định giá tới hơn 1 tỷ USD.

“Bà Thảo không giống như những người giàu khác, bà ấy khá kín tiếng”, Võ Phúc Nguyên – chuyên gia phân tích đến từ CIMB – nhận định. “Bà ấy thực sự thành công với VietJet. Từ con số 0, chỉ sau vài năm VietJet đã chiếm tới hơn 30% thị phần ở Việt Nam”.

Bà chủ của VietJet Air cũng là cổ đông chính của Sovico Holdings, công ty này nắm 90% cổ phần ở dự án Dragon City. Bà Thảo đã mua khu đất đầy sình lầy này ở trung tâm kinh tế của Việt Nam từ chục năm trước. Ngoài ra, bà còn góp vốn vào 3 khu nghỉ dưỡng bao gồm Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang và An Lam Ninh Van Bay Villas.

Ngân hàng cũng là lĩnh vực mà bà Thảo đang hoạt động. Bà Thảo hiện giữ chức Phó Chủ tịch của ngân hàng HDBank - ngân hàng có tổng tài sản vào khoảng 4,6 tỷ USD (số liệu năm 2015) với 225 chi nhánh và 10.000 nhân viên.

Năm 1998, bà bắt đầu bước chân vào thương trường khi đang là sinh viên năm hai ngành kinh tế tài chính ở Moscow. Với số vốn rất khiêm tốn, bà trở thành nhà phân phối các sản phẩm từ quần áo, văn phòng phẩm đến hàng tiêu dùng từ các nhà cung cấp ở Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc và bán lại ở Nga.

“Tôi đã làm việc cật lực và có được lòng tin của các nhà cung cấp vì luôn luôn trung thực với họ. Tôi không có nhiều tiền vốn nhưng nhờ sự tin tưởng họ đã cho phép tôi nhận hàng trả chậm ngày càng nhiều hơn.”

3 năm sau đó, bà kiếm được 1 triệu USD đầu tiên và bắt đầu chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.

Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB - 2 ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó bà nộp hồ sơ xin lập một hãng hàng không tư nhân, mở tung cánh cửa bước vào thị trường trước đó vốn chỉ có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Vietjet được Bloomberg gọi là hãng hàng không bikini
Vietjet được Bloomberg gọi là "hãng hàng không bikini"

VietJet nổi tiếng với đội ngũ tiếp viên trẻ trung và hấp dẫn từng mặc bikini trong các chuyến bay khai trương có điểm đến là các vùng biển. Hình ảnh những cô gái mặc bikini còn xuất hiện trên cả những tờ lịch của VietJet – điều mà bà Thảo cho là một thông điệp truyền đi sự tự tin, khích lệ: “Chúng tôi không bận tâm đến việc mọi người gắn VietJet với hình ảnh bikini vốn trái ngược với hình ảnh áo dài truyền thống. Nếu điều đó khiến mọi người vui vẻ, chúng tôi cũng sẽ cảm thấy vui”, bà nói.

Bà Thảo có tham vọng biến VietJet thành "Emirates của châu Á," muốn có được thành công như hãng hàng không đến từ Dubai đang có 150 điểm đến và cung cấp các chuyến bay có thời gian bay dài nhất trên thế giới hiện nay. Bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2011, VietJet đang có 47 đường bay ở trong nước và khắp châu Á. Nếu được định giá 1 tỷ USD, hãng sẽ có giá trị vốn hóa lớn hơn cả hãng hàng không Asiana Airlines của Hàn Quốc hay Finnair Oyj của Phần Lan.

“Bạn phải cố gắng vươn lên dẫn đầu và chấp nhận những rủi ro có tính toán trước. Là một doanh nhân, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm phải đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy những thay đổi tích cực trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay”.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên