MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải thoái hết vốn nếu đầu tư "nhầm" lĩnh vực

15-07-2013 - 09:36 AM | Doanh nghiệp

Tuy nhiên, việc thoái hết vốn là không dễ dàng với các quy định bằng hoặc cao hơn giá ghi trên sổ sách của doanh nghiệp.

Trước tình hình hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước vào các doanh nghiệp được đặt ra nhiều vấn đề, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. 

Tinh thần chung của Nghị định là kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn của Nhà nước, giới hạn đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể, không loại trừ việc kiểm soát hành vi của những người được trao quyền đại diện nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. 

Tránh đầu tư tràn lan

Các lĩnh vực được "khoanh vùng" bao gồm các ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn. 

Về quy mô dự án, công trình được đầu tư, Nghị định cho biết các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm: Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11 nghìn tỷ đồng trở lên; dự án công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; có sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên; hoặc phải di dân tái định cư từ 20 nghìn người trở lên ở miền núi, 50 nghìn người trở lên ở các vùng khác....

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nghị định cũng đồng thời giới hạn các lĩnh vực đầu tư. 

Theo đó, trừ khi đó là doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp không được góp vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong trường hợp doanh nghiệp đã "lỡ" đầu tư vào các "vùng cấm" đã nói ở trên, doanh nghiệp phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền. 

Thoái vốn, không dễ

Một điểm đáng lưu ý của Nghị định là quy định chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp. 

Việc chuyển nhượng phải tuân thủ nguyên tắc về giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Riêng các khoản đầu tư có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp phải thực hiện đấu gia qua Sở giao dịch chứng khoán. 

Quy định "ngặt nghèo" đặt ra là, nguyên tắc giá thị trường nói trên phải đảm bảo "không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp". Trong trường hợp thấp hơn, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Trong tình hình thị trường chứng khoán lao dốc như những năm gần đây, việc đảm bảo chuyển nhượng vốn "không thấp hơn giá trị sổ sách" là một quy định mặc dù đảm bảo việc bảo toàn vốn nhà nước, nhưng không dễ để thực hiện. Kèm với quy định doanh nghiệp phải thoái vốn hoàn toàn khỏi các lĩnh vực bị cấm (bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm....), các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ phải đứng trước những lựa chọn vô cùng khó khăn.

Gắn trách nhiệm cá nhân với các khoản công nợ

Gần đây, theo báo cáo của Kiểm toán  Nhà nước sau khi kiểm toán toàn diện 27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tình hình quản lý công nợ phải thu tại các tổ chức này tương đối lỏng lẻo. Không hiếm trường hợp, các nhà cung cấp được ứng trước tới 90% giá trị hợp đồng nhưng chưa hoặc không giao hàng, hoặc tình trạng "quên" trích lập dự phòng nợ phải thu theo quy định của Bộ tài chính....

Trước tình hình đó, Nghị định mới ra quy định về việc quản lý Nợ phải thu theo tinh thần phân công, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi và thanh toán các khoản công nợ. 

Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc/giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ khó đòi, nợ không thu hồi được. Trong trường hợp không xử lý kịp thời, "bộ sậu" nói trên sẽ bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp từ 2 lần trở lên. Nếu việc xử lý gây thất thoát vốn nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật. 

Minh Thư

thunm

Nguồn Nghị định số 71/2013/NĐ-CP

Trở lên trên