Phân biệt DN nhà nước với DN không phải nhà nước: Sẽ là bước lùi!
"Dự thảo lần này lại quay trở lại mô hình tách giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp không phải nhà nước."
- 12-07-2014Có nên “khai tử” ban kiểm soát công ty?
- 25-06-2014Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Lấn cấn chủ thể doanh nghiệp nhà nước
- 18-06-2014Quá nhiều giấy phép con, cháu, chắt
- 18-06-2014Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Thoáng quá hóa hở
- 17-06-2014Luật Doanh nghiệp và việc ban hành những nghành nghề cấm kinh doanh
Dự thảo Luật Doanh nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, ông có thể điểm qua những nét mới trong dự luật lần này?
- Điểm mới và quan trọng nhất đó là không hạn chế quyền tự do kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp và bỏ được cái mã số doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự luật cho phép đăng ký kinh doanh. Việc tách riêng đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Chẳng hạn, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp, từ đó việc chuyển nhượng dự án cũng sẽ dễ hơn.
Còn đối với doanh nghiệp cổ phần, tỷ lệ sở hữu xuống còn 51%. Còn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, nếu ban soạn thảo cho phép, hy vọng sẽ chuyển xuống tỷ lệ 51% giống như công ty cổ phần.
Tuy nhiên dự thảo lần này có một hạn chế, trong Luật Doanh nghiệp trước đây đã bỏ phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp không phải là nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo lần này lại quay trở lại mô hình tách giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp không phải nhà nước. Sẽ là bước lùi nếu chúng ta phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp không phải nhà nước
* Thay đổi đó sẽ tác động như thế nào đến hoạt động chung của các doanh nghiệp ?
- Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp. Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự… là để thi hành những quy định mới của Hiến pháp, về tự do kinh doanh, sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng khi thực hiện nó lại không thể hiện được như vậy.
Nếu quy định như vậy thì phần trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế nhiều hơn, thẩm quyền của những cổ đông do nhà nước nắm giữ vốn sẽ cao hơn so với các cổ đông khác nếu như các doanh nghiệp này đã được cổ phần hóa rồi.
Việc nhất nhất phải xin ý kiến Nhà nước, đòi phải bảo toàn vốn nhà nước sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp nhà nước sẽ được ưu ái hơn so với các doanh nghiệp khác, dễ tiếp cận vốn hơn so với các doanh nghiệp khác. Một điểm tiêu cực nữa là những cổ đông nhỏ lẻ trong những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vốn sẽ khó được bảo vệ hơn so với các cổ đông bình thường.
Một số người như giám đốc, người quản lý nắm giữ vốn của nhà nước có thể lợi dụng quyền quản lý để gây thiệt hại cho cổ đông nhỏ lẻ. Thực tế không thiếu những người nhân danh nhà nước, dùng tiền của nhà nước để phục vụ cho lợi ích của cá nhân. Điều đó đã từng xảy ra với Công ty dầu Tường An trước đây, gây bất bình cho nhiều cổ đông.
Vì vậy, tôi nghĩ, nếu xóa bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp không phải nhà nước, hoạt động chung của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
* Nhìn vào tình hình kinh tế hiện nay, có ý kiến cho rằng, lần sửa đổi này không có nhiều tác động tích cực đến doanh nghiệp, ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
- Tôi không đồng ý với nhận định này. Tôi nghĩ, dự thảo Luật Doanh nghiệp được sửa đổi nhiều so với Luật Doanh nghiệp hiện hành, sẽ đóng vai trò lớn trong thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời cởi trói cho doanh nghiệp khá nhiều, đồng thời cũng giảm sở hữu chéo, nếu thực sự ở mức độ sở hữu chéo kiểm soát doanh nghiệp.
Hơn nữa, nền kinh tế khởi sắc hay không khởi sắc không phải chỉ vì Luật Doanh nghiệp mà nó còn liên quan đến nhiều luật khác. Luật Đầu tư quan trọng hơn Luật Doanh nghiệp nếu nói về những cản trở doanh nghiệp hiện nay. Các quy định về Luật Đầu tư hiện nay - khó nhất là đầu tư có điều kiện, quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa được gọn nhẹ và mang tính chất hình thức khá nhiều.
Tôi hy vọng, trong dự thảo Luật Đầu tư mới, người ta sẽ cải tiến quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, xóa bỏ giấy chứng nhận đầu tư ở những vấn đề không cần thiết càng nhiều càng tốt.
* Sửa đổi Luật doanh nghiệp nhưng nếu không sửa đổi các luật liên quan, theo ông sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của Luật Doanh nghiệp ?
Luật Doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu Luật Đầu tư không được sửa đổi đồng bộ với luật Doanh nghiệp. Lần này, tôi nhận thấy, Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp rất cầu thị và có những nỗ lực rất lớn. Nếu bị hạn chế thì chẳng qua là do nhóm lợi ích tác động đến những sửa đổi tiến bộ của Luật Doanh nghiệp mới. Tôi kỳ vọng các quy định sẽ đỡ phức tạp hơn, Việt Nam tiến gần với thế giới hơn.
Tôi nghĩ, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, giới luật sư, những trường phái tiến bộ luôn ủng hộ, luôn đứng sau lưng Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp cũng như của Luật Đầu tư để hạn chế bớt những rào cản vô lý cũng như sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
* Xin cảm ơn ông!
>> "Dự thảo Luật Doanh nghiệp là bước tiến đột phá về thể chế"