S99 bị xử thua, cuộc "thử nghiệm" bất thành
Trong cuộc chơi này, S99 hoàn toàn nắm đằng chuôi. Các văn bản ban hành chồng chéo nhau, phủ nhận nhau, S99 ở giữa, và…hi sinh. Theo thống kê, có 31 doanh nghiệp như vậy.
Sáng 15/4/2014, tại Tòa Hành chính, TAND Thành phố Hà Nội đã diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án Công ty cổ phần Sông Đà 909 khởi kiện Tổng cục thuế và Cục thuế Hà Nội về những quyết định truy thu thuế được cho là không hợp lý đối với công ty này.
Vụ việc của S99, thực ra không có gì mới mẻ và cá biệt. Cho đến nay có hàng chục công ty lâm vào hoàn cảnh như S99, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Nhựa Bình Minh BMP với số thuế truy thu lên tới 117 tỷ đồng.
Chúng tôi sẽ không đi sâu vào tình tiết vụ việc với các văn bản pháp luật, sợ sẽ làm rối lòng bạn đọc, mà chỉ nói về những lý lẽ của các bên, trong tranh luận trực tiếp tại phiên tòa.
Diễn biến của vụ việc, có thể xem thêm ở đây
Cái lý của Tổng cục Thuế
Tổng cục Thuế cũng như Cục thuế Thành phố Hà Nội có cái lý của họ. Những quyết định họ đưa ra về việc truy thu thuế dựa trên quy định của Luật thuế TNDN. Mà Luật đó thì không có quy định về miễn giảm thuế do niêm yết lần đầu. Toàn bộ quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu kiện của Tổng cục thuế đều bám vào quy định của Luật thuế TNDN.
Tổng Cục Thuế cho rằng, S99 đầu tư dự án tại Sơn La, thuộc diện ưu đãi thuế: Miễn 2 năm, giảm 50% thuế trong 8 năm tiếp theo. Chính vì vậy, nếu thêm ưu đãi thuế vì niêm yết chứng khoán, là trái với luật Thuế TNDN (doanh nghiệp trong 1 thời gian chỉ được hưởng 1 ưu đãi thuế ở mức cao nhất).
Quan trọng nhất, thông tư 130 của Bộ tài chính ra ngày 26/12/2008 có quy định “bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về thuế TNDN do Bộ tài chính và các ngành ban hành không phù hợp với hướng dẫn tại thông tư này”. Căn cứ vào đó, Tổng Cục thuế đã ban hành công văn số 2924, là công văn quyết định việc truy thu thuế đối với S99. Cụ thể, theo đó, đến hết năm 2008, nếu doanh nghiệp nào chưa dùng đến ưu đãi thuế do niêm yết lần đầu thì coi như mất! S99 nằm trong trường hợp như vậy.
Cái lý của S99
Là nguyên đơn, S99 có nhiều lý lẽ để bảo vệ bản thân. Công ty tính toán việc ưu đãi thuế cho mình dựa vào công văn số 10997 của Bộ Tài chính ra ngày 8/9/2006. Và vì đó là văn bản của Bộ tài chính, ắt hẳn nó phải có giá trị hơn công văn số 2924 mà Tổng cục thuế đưa ra.
Ngoài ra, vì luật Thuế TNDN không quy định việc miễn giảm thuế do niêm yết lần đầu, nên các chính sách ưu đãi dành cho S99 hẳn nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế TNDN. Việc lấy Luật thuế TNDN ra để làm cơ sở xử phạt S99, vì vậy, không có giá trị về mặt pháp lý.
Đấy là chưa kể, theo S99, công văn số 2924 không thỏa mãn các điều kiện là một văn bản quy phạm pháp luật.
Tòa án nói gì?
Đại diện Viện kiểm soát đặt câu hỏi đối với Tổng cục thuế về công văn 2924 khi công văn này ra năm 2011, lại áp đặt lại những “việc đã rồi” đối với doanh nghiệp (yêu cầu doanh nghiệp phải hưởng hết ưu đãi trước năm 2008, mà chưa “dùng” hết, thì…thôi). Doanh nghiệp làm thế nào mà xoay xở kịp? Lợi nhuận có được từ những năm qua (sau khi được hưởng ưu đãi thuế) thì đã "tiêu" hết rồi, nguồn đâu ra để mà trả? Nhất lại là khi họ làm theo đúng những văn bản hướng dẫn của Bộ tài chính!
Đại diện Hội thẩm Nhân dân cho rằng, Tổng cục Thuế là cơ quan thực thi pháp luật, nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiểu để thực hiện, chứ không phải là đi theo dõi để siết! Chính phủ, các Bộ ngành đã tạo điều kiện các doanh nghiệp cổ phần hóa và niêm yết chứng khoán. Vậy, vì lý do gì Tổng cục Thuế cản trở các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ?
Kết quả hẫng hụt
Mặc dù tỏ ra thông cảm với S99, đến cuối buổi xét xử, Chủ tọa đứng lên tuyên án khiến các đại diện phía S99 phải hẫng hụt. Theo đó, tòa án bác bỏ đơn kiện của S99 yêu cầu hủy bỏ các văn bản do Tổng cục thuế và Cục thuế Hà Nội ban hành. S99 cho biết công ty sẽ tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn.
Thực ra, kết quả nói trên không quá bất ngờ.
Trong cuộc chơi này, S99 hoàn toàn nắm đằng chuôi. Các văn bản ban hành chồng chéo nhau, phủ nhận nhau, S99 ở giữa, và…hi sinh. Theo thống kê, có 31 doanh nghiệp như vậy.
Việc khiếu kiện, có chăng, giúp doanh nghiệp tạo một tiền lệ nào đó, dù nhỏ. Rằng, một doanh nghiệp, khi cần, hoàn toàn có thể đưa 1 cơ quan nhà nước ra tòa. Bài học Maseco vẫn còn đó, khi công ty này mạnh dạn yêu cầu Bộ tài chính hoàn trả 7,12 tỷ đồng cơ quan này đã truy thu sai quy định.
Nếu S99 khiếu kiện thành công (xác suất không cao), thì ngay lập tức 30 doanh nghiệp còn lại thuộc diện truy thu, sẽ có yêu cầu tương tự. Số tiền thuế truy thu dự kiến khoảng 406 tỷ đồng, coi như Ngân sách nhà nước mất.
Chẳng ai chơi mạo hiểm như vậy!
Minh Thư
Trí Thức Trẻ