Samsung và hành trình 5 năm tại Việt Nam
Sau khi “cất cánh” từ Bắc Ninh, đánh dấu bước khởi đầu trong hành trình tại Việt Nam, đến nay Samsung đã có hơn 5 năm đầu tư và phát triển tại Việt Nam.
Khởi đầu từ Bắc Ninh
Tháng 3/2008, Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam chính thức được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh với quy mô sử dụng đất là 100 héc-ta và tổng vốn đầu tư ban đầu là 700 triệu USD. Ban đầu, nhà máy này có công suất 1,5 triệu chiếc điện thoại di động/tháng với khoảng 2.300 công nhân viên làm việc liên tục.
Hơn 1 năm sau, đến tháng 10/2009, nhà máy sản xuất, lắp ráp và ứng dụng công nghệ sản xuất điện thoại di động khép kín hiện đại nhất đã được Samsung khánh thành và đưa vào hoạt động tại Yên Phong, Bắc Ninh.
Đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã 3 lần tăng quy mô vốn đầu tư cho dự án tại Bắc Ninh. Công ty đã được chấp thuận tăng vốn thêm 1 tỷ USD, lên mức 2,5 tỷ USD.
Nhờ đóng góp của Samsung, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam luôn dẫn đầu cả nước trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê, năm 2012, doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoảng 12,6 tỷ USD, chiếm tới 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2013, Samsung đạt kim ngạch xuất khẩu trên 23 tỷ USD, đóng góp hơn 18% vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nhà máy thứ hai tại miền Bắc Việt Nam: Samsung Thái Nguyên
Nhận ra nhiều tiềm năng phát triển lớn tại thị trường Việt Nam như Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài, nguồn lao động dồi dào với chi phí rẻ, Samsung tiếp tục rót vốn đầu tư vào nhà máy thứ hai tại Việt Nam: nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Được thông qua vào tháng 3/2013 và đến tháng 3/2014, nhà máy Samsung Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động. Dự án này gồm Nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động Samsung (quy mô 1,2 tỉ USD) và Nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao (quy mô 2 tỉ USD).
Chỉ sau khoảng 7 tháng, sự xuất hiện và đi vào hoạt động ổn định của nhà máy Samsung Electronic đã mang lại cho Thái Nguyên tốc độ tăng trưởng đáng ngưỡng mộ.
Nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) đã sản xuất trên 6 triệu chiếc điện thoại, doanh thu đạt 2,6 tỷ USD, dự kiến đến hết năm 2014 đạt doanh thu 8 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 12 tỷ USD trong năm 2015. Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, sau 9 tháng năm 2014, Thái Nguyên dẫn đầu cả nước với quy mô sản xuất công nghiệp tăng 135,2% và tỷ lệ sử dụng lao động tăng 79,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nhà máy thứ 3 tại TP Hồ Chí Minh
Trước cuộc đại chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, Samsung tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Sau 2 nhà máy lớn tại miền Bắc Việt Nam, Samsung tiếp tục tấn công vào phía Nam với dự án trị giá 1,4 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Ngày 1/10/2014, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Tập đoàn Samsung và chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Samsung CE COMPLEX tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nội dung giấy chứng nhận đầu tư, một nhà máy lắp ráp, gia công, kinh doanh các sản phẩm điện tử công nghệ cao mang nhãn hiệu Samsung sẽ được đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2016.
Và những bước đi tiếp theo
Như vậy, ban đầu chỉ là lắp ráp, qua 5 năm, từng bước Samsung đã đầu tư cho các nhà máy sản xuất linh, phụ kiện điện thoại di động và thực sự sản xuất ở Việt Nam. Việt Nam từ “cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” của Samsung, đã trở thành “cứ điểm sản xuất mới”, sau đó là“cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh” của tập đoàn này.
Từ 245 triệu USD kim ngạch xuất khẩu của năm đầu tiên, trong năm 2013 Samsung đã đóng góp tới 23,9 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 132 tỷ USD của Việt Nam. Con số này trong năm 2014 dự kiến khoảng 30 tỷ USD, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới.
Một tín hiệu đáng mừng nữa, theo thông tin từ tạp chí Bloomberg, Samsung Heavy Industries - công ty đóng tàu lớn thứ 3 thế giới và là thành viên của tập đoàn Samsung đang xem xét lựa chọn một trong ba quốc gia châu Á là Việt Nam, Indonesia và Myanmar để xây dựng nhà máy đóng tàu 950 triệu USD. Trong đó, Việt Nam vốn đã có sẵn lợi thế là nơi đặt nhà máy của Samsung Electronics, chuyên sản xuất điện thoại và đồ dùng công nghệ trong gia đình.
Samsung xem xét đầu tư 950 triệu USD xây nhà máy đóng tàu ở Việt Nam
Nguyệt Quế