MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sasco có gì hấp dẫn “ông trùm” hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn?

17-09-2015 - 09:02 AM | Doanh nghiệp

Mới đây, ông Jonahthan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, vừa có đề xuất trình Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xin được phép mua thêm cổ phần của CTCP dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco).

Theo đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn mong muốn Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét và cho phép Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) được mua tiếp cổ phần Sasco khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- ACV thoái vốn. Số lượng cổ phần bán ra sẽ do Bộ Giao thông vận tải và ACV quyết định.

Để thuyết phục Bộ GTVT, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cam kết sẽ không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ quản lý để cùng Sasco mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Được biết, hiện tại, IPP đang là cổ đông chiến lược và là cổ đông lớn thứ 3 của Sasco với 16% vốn điều lệ, đứng sau ACV - 51% vốn và CTCP Đầu tư TM và DV Hoàn Lộc Việt với 22,1% vốn.

Ngoài ra, hai tổ chức khác liên quan đến IPP là Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) cũng đang nắm cổ phần tại Sasco với tỷ lệ lần lượt là 5% và 2,6% vốn điều lệ.

Sở hữu hệ thống cửa hàng miễn thuế lớn

Sasco được thành lập năm 1993, trực thuộc ACV, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế và cung cấp dịch vụ tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, Sasco có thương hiệu Sasco Duty Free. Bằng việc hợp tác cùng tập đoàn cung cấp hàng miễn thế hàng đầu thế giới, Sasco Duty Free đã nâng tổng số sản phẩm kinh doanh lên khoảng 12.000 sản phẩm đến từ các thương hiệu cao cấp.

Chiếm tới 50% thị phần tại sân bay Tân Sơn Nhất nên đây là mảng kinh doanh đầy tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính công bố, mỗi năm, mảng kinh doanh này chiếm từ 70 đến 80% tổng doanh thu của Sasco.

Trong khi đó, IPP lại là một đối tác có nhiều kinh nghiệm khi đã có tới hơn 30 năm hợp tác với ngành hàng không và 25 kinh nghiệm trong đầu tư, cung cấp hàng hóa, điều hành kinh doanh cửa hàng miễn thuế, nhà hàng thức ăn nhanh và các điểm dịch vụ bán lẻ tại nhiều sân bay của Việt Nam.

Hiện IPP đang là nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… cũng như là đối tác nhận nhượng quyền của nhiều chuỗi nhà hàng như Thai Village, Illy Café, Burger King, Domino Piazza…

Do đó, việc công ty của ông Jonathan Hạnh Nguyễn quyết định rót thêm vốn vào Sasco có lẽ không phải là điều khó hiểu.

Về dịch vụ, Sasco có một hệ thống các cửa hàng bách hóa mỹ nghệ, các nhà hàng, quầy bar, các phòng khách thương gia, dịch vụ thư giãn VietSpa, khu nghỉ dưỡng Sasco Blue Lagoon Phú Quốc,...

Ngoài ra, công ty đang sở hữu một quỹ đất có quy mô rất lớn và đầy tiềm năng lên tới gần 1,5 triệu m2, tập trung tại các địa bàn như Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Lạt, Phú Quốc. Sasco cho biết, hiện công ty đang từng bước triển khai các thủ tục đầu tư các dự án kinh doanh du lịch và bất động sản tại các địa điểm này.

Doanh thu, lợi nhuận tăng qua các năm

Nhìn tổng qua, doanh thu của Sasco tăng trưởng khá tốt với mức tăng 5,94% trong năm 2012 và tăng 10,98% trong năm 2013, đạt lần lượt hơn 1809 tỷ đồng và gần 2013 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tương ứng tăng nhẹ 1,88% cho năm 2012 và tăng khá 13,08% trong năm 2013.

Riêng năm 2014, mặc dù bị ảnh hưởng từ việc nhà ga quốc nội sửa chữa, mặt bằng kinh doanh tạm bị thu hẹp nhưng kết quả kinh doanh vẫn khá khả quan với doanh thu đạt gần 2.044 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 111,7 tỷ đồng.


Về kế hoạch cho giai đoạn 2015-2017, Sasco cũng tỏ ra khá tự tin với triển vọng kinh doanh khi đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt hơn 2.353 tỷ đồng trong năm 2015 lên hơn 2.511 tỷ đồng trong năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng trong năm 2015, gần 186 tỷ đồng năm 2016 và 187,7 tỷ đồng trong năm 2017.

Về kế hoạch cho giai đoạn 2015-2017, Sasco cũng tỏ ra khá tự tin với triển vọng kinh doanh khi đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt hơn 2.353 tỷ đồng trong năm 2015 lên hơn 2.511 tỷ đồng trong năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng trong năm 2015, gần 186 tỷ đồng năm 2016 và 187,7 tỷ đồng trong năm 2017.

Có thể nói, việc Sasco và IPP cùng bắt tay nhau hợp tác có thể giúp cả 2 bên cùng có lợi. IPP có thể tận dụng chuỗi cửa hàng có sẵn của Sasco trong khi ngược lại, với kinh nghiệm sẵn có, doanh nghiệp này có thể hỗ trợ Sasco trong việc phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh hàng cao cấp và xây dựng hệ thống phân phối các thương hiệu nổi tiếng.

 

Theo TRẦN THÚY

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên