MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SHN dễ dàng kiếm 177 tỷ đồng trong thương vụ 6 ngày?

20-11-2015 - 10:45 AM | Doanh nghiệp

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, Sapa Hưng Yên là doanh nghiệp vừa được thành lập vào cuối tháng 9 vừa qua. Thời gian hoạt động của công ty này chưa đến 2 tháng.

Ngày 11/11/2015, Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic – SHN) ra Nghị quyết HĐQT thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Sapa Hưng Yên do CTCP Sapa Việt Nam nắm giữ. Số lượng cổ phần gần 6,57 triệu đơn vị, giá mua 15.000 đồng/cổ phần.

Với thương vụ mua cổ phần này, SHN sẽ phải bỏ ra khoảng 99 tỷ đồng – vượt qua khoản lợi nhuận công ty có được sau 9 tháng đầu năm 2015.

Sau vỏn vẹn 6 ngày – chưa đến 1 tuần, SHN tiếp tục ra một Nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Sapa Hưng Yên, với mức giá lên tới 42.000 đồng/cổ phần. Số tiền thu về tương ứng 276 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ với việc làm trung gian cho 1 thương vụ chuyển nhượng cổ phần, sau 6 ngày SHN có thể thu về 177 tỷ đồng lợi nhuận – là mức siêu lợi nhuận với một thương vụ trong một khoảng thời gian siêu ngắn!

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, Sapa Hưng Yên là doanh nghiệp vừa được thành lập vào cuối tháng 9 vừa qua. Thời gian hoạt động của công ty này chưa đến 2 tháng.

Sapa Hưng Yên có mối quan hệ chặt chẽ với Sapa Geleximco – một trong những đơn vị thành viên của Geleximco. Người đại diện theo pháp luật cho Sapa Hưng Yên và Sapa Geleximco đều là ông Nguyễn Đức Thanh. 2 công ty này cũng có cùng địa chỉ hoạt động tại Khu công nghiệp Đình Dù – Văn Lâm – Hưng Yên.

Như vậy, không loại trừ khả năng thương vụ chóng vánh mua/bán cổ phần Sapa Hưng Yên có sự tham gia của Geleximco – vị cứu tinh của SHN trong công cuộc tái cơ cấu sau vụ việc “vướng” khoản nợ khó đối với CTCP Beta BQP do ông Nguyễn Anh Quân làm chủ (ông Quân đã bỏ trốn).

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên của SHN, đại diện Geleximco cho biết trong 6 tháng cuối năm, Geleximco sẽ tạo điều kiện giúp SHN mỗi tháng có 1 thương vụ lớn, có thể ghi nhận lợi nhuận 50- 60 tỷ đồng/tháng. Geleximco đã thực hiện lời hứa trong tháng 6 vừa qua khi tạo điều kiện cho SHN ký kết được hợp đồng môi giới bất động sản với CTCP Ngôi sao An Bình và hoàn thành việc giới thiệu khách hàng hợp tác đầu tư, công ty đã có khoản doanh thu 49 tỷ đồng từ thương vụ này.

Việc thực hiện lợi nhuận chóng vánh với SHN dường như không còn là chuyện lạ.

Trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần Sapa Hưng Yên, hiện vẫn chưa hé lộ ai là đối tác nhận chuyển nhượng. Ai sẽ là người bỏ ra 276 tỷ đồng để mua cổ phần của một công ty mới thành lập 2 tháng? Và tại sao Sapa Việt Nam không chuyển nhượng trực tiếp cổ phần cho đối tác đó, lại phải thông qua SHN trong một thương vụ kéo dài chưa đến 1 tuần?

Cũng cần nhắc lại, năm 2015, kỳ vọng của SHN không chỉ là thoát khỏi khủng hoảng khi ôm món nợ khó đòi 200 tỷ đồng, mà còn là tái cấu trúc toàn diện (với sự hợp tác chặt chẽ từ Geleximco). SHN đặt kế hoạch kinh doanh năm 2015 với chỉ tiêu doanh thu và LNST lần lượt 1.228 tỷ đồng và 350 tỷ đồng – vượt qua mọi hình dung trước đó về sự hồi phục của công ty.

Đi kèm với kế hoạch siêu lợi nhuận, SHN cũng lên kế hoạch tăng vốn rầm rộ lên mức 2.000 tỷ đồng thông qua nhiều đợt phát hành thêm.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên