STK và nỗi lo tỷ giá
CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sợi khá lâu tại Việt Nam, nên có tích lũy được nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ với nhiều khách hàng lớn. Tuy nhiên, STK lại đang trong tình cảnh khó khăn trước một trong những vấn đề nóng hiện nay: tỷ giá.
- 30-09-2015Phiên 30/9: “Tân binh” STK được khối ngoại mua ròng 6,36 tỷ đồng trong ngày chào sàn
- 28-09-2015STK – Liệu giá niêm yết có hấp dẫn?
Kinh nghiệm thương trường
STK mới chỉ niêm yết sàn HOSE vào cuối tháng 9-2015 với giá chào sàn 29.000 đồng/CP. STK hiện đang giao dịch ỏ mức 32.600 đồng/CP.
Theo thống kê, cơ cấu cổ đông của STK khá cân đối với 68,23% số cổ phần được nắm giữ bởi cá nhân trong nước, trong đó 3 cổ đông sáng lập STK là ông Đặng Triệu Hòa, bà Đặng Mỹ Linh và ông Đặng Hướng Cường nắm 30,96%. Còn lại 22,33% được nắm giữ bởi tổ chức trong nước và 9,45% thuộc về tổ chức nước ngoài. Cả 3 cổ đông sáng lập đều có kinh nghiệm lâu năm trong ngành sợi nên có thể giúp STK có hướng đi đúng đắn và duy trì tốt hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, sự có mặt của các cổ đông là tổ chức trong và ngoài nước sẽ giúp STK có thêm tính minh bạch. Điều này phẩn nào được thể hiện qua chiến lược tập trung vào phân khúc ngách của ngành dệt may là sợi dài (polyester filament) còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhu cầu thị trường trong trung và dài hạn của STK vẫn sẽ tăng lên.
Thực tế, từ 2007-2014, sợi dài (loại sản phẩm chính của STK) có mức tăng trưởng 8,4% so với sợi cotton giảm 1,3%, sợi dài còn tăng tỷ lệ đóng góp trong tổng tiêu thụ từ 21% năm 2007 lên 34% năm 2014. Yếu tố này cho thấy xu hướng thị trường đang chuyển dịch vào sợi dài hơn là sợi cotton do giá bán sợi dài thấp hơn 1-1,5USD/kg, trong khi nguồn cung sợi cotton không ổn định mà phụ thuộc vào thời vụ (dịch bệnh). Hơn nữa, việc sợi dài ngày càng có nhiều tính năng mới khiến nhiều hãng sản xuất hàng may mặc chuyển từ dùng sợi cotton sang sợi dài.
Nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất sợi là hạt PET chip, chiếm 70-80% giá vốn bán hàng của STK được nhập khẩu chủ yếu từ các nước Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia. Hạt PET chip lại được sản xuất từ 2 chế phẩm của dầu thô là PTA và MEG nên giá dầu thô có ảnh hưởng trực tiếp đến giá hạt PET chip ở một mức độ nhất định.
Trong năm 2014, khi giá dầu thô giảm từ 100USD xuống còn khoảng 60USD/thùng (giảm 40%) thì giá PTA và MEG giảm 23%, giá PET chip giảm 12% và đến giá bán sợi chỉ giảm 5%. Điều này giúp STK có thể giữ một khoảng cách nhất định giữa giá PET chip và giá bán sợi ở mức 80-90 cent/kg và chuyển bớt rủi ro giá nguyên liệu lên xuống lên giá bán cho khách hàng. Ngoài ra, STK chỉ nhập nguyên liệu theo giá spot (giao ngay) và đủ dùng trong 1 tháng để giữ mức tồn kho nguyên liệu thấp nhất có thể, giúp tránh rủi ro về dao động giá nguyên liệu cũng như gánh nặng chi phí cho hàng tồn kho.
Tỷ giá níu lợi nhuận
Theo BCTC quý III-2015, lũy kế 9 tháng STK ghi nhận doanh thu thuần đạt 925,3 tỷ đồng (giảm 15%), lợi nhuận sau thuế đạt 61,6 tỷ đồng (giảm 25%). Với kết quả này, STK mới chỉ hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2015.
Theo lý giải của STK, sản lượng tiêu thụ giảm là do các công ty làm hàng may mặc trì hoãn đơn hàng để đợi xem giá sợi có giảm nữa không và việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ nên giá bán sợi của Trung Quốc cũng giảm, gây áp lực lên các công ty may mặc và kéo theo ảnh hưởng đến các công ty sợi. Về sự sụt giảm của lợi nhuận của STK, nguyên nhân chính là chi phí tài chính tăng mạnh vì lỗ chênh lệch tỷ giá.
Theo thống kê, chi phí tài chính trong 9 tháng của STK tăng gấp gần 3,7 lần cùng kỳ, do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của các khoản vay dài hạn. Tính từ đầu năm 2015, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD tăng 3% và nới biên độ thêm 2% cộng với việc ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo tỷ giá bán ra của ngân hàng thay vì dùng tỷ giá liên ngân hàng như trước đây, đã đẩy mức ghi nhận giá USD lên 22.510 VNĐ trong cuối quý III-2015.
Theo phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS), tỷ giá VNĐ/USD có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của STK do hầu hết đơn hàng (kể cả đơn hàng nội địa) đều ký bằng USD nên việc USD tăng giá sẽ khiến mặt hàng sợi Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các nước xuất khẩu sợi, do NHNN chủ trương ổn định tỷ giá VNĐ/USD trong khi đồng tiền ở các nước xuất khẩu sợi lại giảm mạnh, trong đó có Trung Quốc.
Nợ vay của STK bằng đồng USD nên tỷ giá tăng sẽ tạo thêm gánh nặng trả nợ cho STK. Cụ thể, khi tỷ giá VNĐ/USD tăng lên 1%, chi phí nợ vay của STK sẽ tăng thêm khoản 8 tỷ đồng. Hiện tại, 98% cơ cấu nợ của STK là bằng USD với 6 triệu USD nợ vay ngắn hạn và 30 triệu USD nợ vay dài hạn.
Một thách thức khác STK đang phải đối mặt là mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Việt Nam chính thức gia nhập TTP. Theo VCBS, thuế suất của sản phẩm sợi Việt Nam tại Nhật và Hàn Quốc đã được giảm về 0% và sau khi TPP được ký kết thuế suất tại EU và Hoa Kỳ cũng sẽ giảm xuống 0% từ mức 9,5% và 17,5% hiện tại.
Để hưởng mức thuế 0% theo TPP các công đoạn sản xuất (từ sợi trở đi) phải được thực hiện tại các quốc gia thành viên TPP, điều này có thể giúp tăng các đơn hàng từ công ty dệt may nội địa. Tuy nhiên, hiện tại thị trường xuất khẩu chính của STK gồm Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc TPP được ký kết, STK sẽ chỉ được hưởng lợi trực tiếp từ việc xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ do thị trường Hàn Quốc, Nhật và Thái Lan đã được giảm thuế nhập khẩu về 0%.
Sài Gòn Đầu tư Tài Chính