MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa luật để siết lại quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

29-05-2013 - 13:09 PM | Doanh nghiệp

Có 2 quan điểm ngược nhau khi các vị ĐBQH thảo luận về việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp để hợp thức cho tình trạng pháp lý của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Xen giữa là lời cảnh báo về tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI và phải sửa luật để siết lại quản lý.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Đỗ Văn Đương mở đầu buổi thảo luận về sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp tại đoàn ĐBQH TPHCM bằng đề xuất chưa nên sửa. Dưới con mắt một chuyên gia pháp luật, ông Đương cho rằng cơ sở sửa điều này chưa rõ vì những DN nước ngoài hết đăng ký vẫn được kinh doanh. “7.000 DN mà 2.000 DN chưa đăng ký thì phải làm rõ” - ông Đương kiến nghị.

Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói thẳng “Đã cấp phép, hết hạn phải xin phép lại”. Theo ông, việc cấp phép lại phải xem xét theo tinh thần Luật Đầu tư mới, nếu thuộc dạng cấp phép, thì cấp phép, còn nếu đăng ký thì đăng ký lại. Tuy nhiên, một mặt đề xuất “phải xem xét cho phù hợp luật pháp”.

Ông Nghĩa cũng đồng ý rằng, tránh việc rà soát để gây khó khăn cho các DN FDI.

Việc xem xét được ông Trương Trọng Nghĩa gắn với “điều kiện” sự tương thức về công nghệ và môi trường. “Việc ưu đãi cũng phải xem xét lại cho phù hợp, đặc biệt là việc chuyển giá, trốn thuế của một số DN” - ông Nghĩa nói.

ĐB Nguyễn Quốc Bình nhắc lại bản chất của việc sửa luật rằng “đây là một lần nữa chúng ta mở đường. Chúng ta thu hút đầu tư bằng chiến lược, chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá”.

Ông Bình nhấn mạnh việc phải siết quản lý: “Việc sửa đổi là cần thiết để cứu vớt DN năng lực có hạn nhưng mong muốn tiếp tục đầu tư, và chấp hành tốt pháp luật. Còn nếu không phải cương quyết cho giải thể, tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế, mang lại hiệu quả không lớn”.

Ông đề xuất thẳng thắn về điều kiện chuyển đổi chỉ áp dụng đối với DN “đủ điều kiện để hoạt động có hiệu quả, phải chấp hành pháp luật, không có vi phạm môi trường, không chuyển giá...”.

Không thể vừa trải chiếu, vừa đóng cửa

ĐB Trần Du Lịch thì ủng hộ hoàn toàn, thậm chí ông nói phải sửa ngay Điều 170 Luật DN. Theo ông, các nhà đầu tư muốn tiếp tục đăng ký kinh doanh, tái đầu tư, vì thế, việc sửa luật “mang tính cấp thiết và thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước với nhà đầu tư”.

Là một doanh nhân, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng cho rằng, những DN đã hết hạn đầu tư thì có thể đăng ký lại, trong trường hợp mở rộng ngành nghề thì phải đăng ký lại theo quy định hiện hành. “Tôi nghĩ rằng, nếu DN nước ngoài đầu tư đã có thành công nhất định, tạo công ăn việc làm...được đăng ký lại như dự thảo là hợp lý. Dự thảo đã tạo điều kiện hơn cho DN nước ngoài, tạo điều kiện cho người lao động, môi trường hoạt động” - bà Hường nói.

ĐB Nguyễn Minh Quang cũng tán thành sửa Điều 170. Ông Quang lý luận rất đơn giản nhưng không thiếu sức thuyết phục, rằng: Nếu không thực hiện đăng ký lại thì tạo ra bất bình đẳng khi DN không mở rộng đăng ký kinh doanh được như các DN FDI đăng ký mới, không thể đầu tư thêm vì thiếu hành lang pháp lý. Ông Quang nói đây là sự phí phạm, vì để thu hút nhà đầu tư mới chúng ta phải tổ chức rất nhiều hội thảo, mời chào, trong khi lại không giữ nhà đầu tư cũ, lâu năm.

Việc sửa đổi Điều 170, theo ông Quang là rất cần thiết, tháo gỡ khó khăn cho DN FDI, tăng hiệu quả đầu tư. Ông cũng đề nghị thủ tục đăng ký lại cần thông thoáng, giảm thiểu tối đa những giấy tờ không cần thiết.

ĐB Trịnh Thế Khiết cũng tỏ ra lo lắng khi cho rằng: Nếu không có đầu tư nước ngoài thì sự phát triển không đáp ứng được. “Trong thực tiễn hiện nay, DN FDI có hiện tượng chuyển nguồn sang nước ngoài để trốn thuế. DN FDI cũng gây ô nhiễm môi trường lớn, như Vedan ở Đồng Nai, khu công nghiệp ở Hưng Yên, khu công nghiệp ở Mê Linh (Hà Nội)”.

Ông Khiết đề nghị ưu tiên, nhưng cần kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp này thực hiện tốt Luật DN và chấp hành các quy định, để tránh tình trạng “Có những DN công nghệ lạc hậu, lỗi thời, sau khi người ta rút thì mình không sử dụng được”.

Theo Đào Tuấn

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên