MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài "đào mỏ" của ông đại cổ đông

06-03-2013 - 07:55 AM | Doanh nghiệp

Với VSH, EVN không chỉ là cổ đông lớn nhất, mà còn là khách hàng duy nhất.

Các nhà máy thủy điện có vị trí thuận lợi như Vĩnh Sơn-Sông Hinh (sau đây gọi là “VSH”, hoặc “Công ty”) vẫn được ví là “máy in tiền”. Nhưng đấy là với “chủ lớn” nắm cổ phần chi phối, còn với “chủ nhỏ lẻ”, không có “tiếng” thì cũng chẳng có “miếng”.

Hỏi vay

Đầu năm 2008, VSH ngồi trên một núi tiền với hơn 700 tỷ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các khoản đầu tư ngắn hạn có tính thanh khoản cao khác, chiếm 30% tổng tài sản và gấp rưỡi tổng nợ phải trả.

Người ta vẫn bảo nhau: “Chơi trội hơn sếp dễ bị tai nạn”. Đúng là tai nạn thật, đến cuối năm 2008, 500 tỷ đồng của VSH đã chuyển về két của EVN dưới dạng “cho vay ngắn hạn, lãi suất 17%/năm”, theo như chú thích trong BCTC năm 2008 của công ty.

Dù bối cảnh lạm phát thời kỳ ấy có phức tạp, nhưng tỷ lệ lợi tức kể trên là chấp nhận được nếu như người ta không đọc đến phần “Nghiệp vụ và Số dư với các bên liên quan”. Theo đó, VSH không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu tài chính từ khoản “cho vay” kể trên trong năm 2008.

Đến những kỳ báo cáo sau, chú thích về khoản vay oan gia này càng ngày càng khiến cổ đông VSH ngán ngẩm. Năm 2009, vẫn nợ 500 tỷ, lãi suất cho vay bị giảm xuống 8%/năm. Năm 2010, lãi suất có tăng lên chút đỉnh (11,4%/năm) nhưng dư nợ “ngắn hạn” 500 tỷ vẫn chưa thấy dấu hiệu thu hồi.

Lãi suất mà VSH cho EVN vay thậm chí còn thấp hơn VNIBOR kỳ hạn 1 năm (xem đồ thị dưới). Cần phải nói thêm rằng, VNIBOR thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các NHTM. Trong giai đoạn VSH bị “chôn” 500 tỷ ở EVN, lãi suất tiết kiệm đã hai lần vượt mức 18%.

Sang tới năm 2011, dấu hiệu “thu hồi” chưa thấy nhưng dấu hiệu “không thu hồi được” lại liên tiếp xuất
hiện.

Theo BCTC năm 2011 của VSH, dù hợp đồng vay đã đáo hạn được nửa năm, nhưng vẫn “chưa thu hồi được, VSH phải “tạm tính lãi suất cho vay” (tức lãi còn chẳng thu được chứ đừng nói đến gốc). Thậm chí, EVN còn không buồn làm một động tác có tính hành chính, ấy là gia hạn hợp đồng vay.

ĐHCĐ VSH năm 2011 đã biểu quyết không đồng ý gia hạn thêm hợp đồng vay vốn của EVN với tỷ lệ ủng hộ tới 97,28%. (Nhưng ấy là không tính tới số cổ phần do “đại cổ đông” EVN nắm giữ.)

Nếu cổ đông VSH bảo EVN “trả”, thì EVN đành “trả” vậy. Nhưng ngoài chuyện là cổ đông lớn nhất, EVN còn là khách hàng lớn nhất (nếu không muốn nói là “duy nhất”) của VSH, thế nên “trả” tay trái, lại “lấy” tay phải.

Ép giá

Còn “dở khóc dở cười” hơn là chuyện hợp đồng mua bán điện giữa EVN và VSH.

Năm 2009, khi hợp đồng mua bán điện cũ sắp hết hiệu lực, EVN nại lý do chi phí khấu hao của VSH đã giảm để đòi giảm giá mua điện. Đương nhiên là đời nào VSH chịu, nhưng với vị “khách hàng duy nhất” EVN, không chịu cũng không được.

Dù thương thảo hợp đồng mua bán điện đổ vỡ, và suốt từ năm 2010 tới hết năm 2012 VSH bán điện cho EVN mà chẳng có hợp đồng nào cả, nhưng EVN vẫn đơn phương giảm giá bán điện theo đề nghị trước đó của tập đoàn này. Với cơ chế độc quyền mua điện như hiện nay, EVN trả bao nhiêu tiền thì VSH đành ghi nhận bấy nhiêu.

Từ đầu năm 2010 tới trước lần diễn ra cuộc biểu quyết “đòi nợ” trong ĐHCĐ VSH năm 2012 kể trên, VSH tạm ghi nhận khoản mục doanh thu bán điện bằng 90% đơn giá mua bán điện của năm 2009.

Đến sau lần công khai đòi tiền EVN, ông “khách hàng duy nhất” lập tức giảm giá mua điện 15% ngay trong tháng
đó, và tới tháng sau giảm tiếp 20% (xem hình bên). Như vậy, giá bán điện mà VSH dùng để hạch toán kết quả kinh doanh năm 2012 chỉ bằng có 61% giá bán điện thời trước khi “nổi loạn” với EVN.

Kết quả là dù trong 6 tháng đầu năm 2012, VSH có “đòi” được 200 tỷ từ EVN, nhưng nguy cơ sẽ mất đứt khoảng 90 tỷ lợi nhuận do EVN đơn phương giảm giá bán điện.

Ước tính trong cả năm 2012, tổng thiệt hại của VSH do dám “đòi nợ” EVN là khoảng hơn 140 tỷ đồng. Nếu ngoan ngoãn cho EVN vay tiếp, có lẽ VSH chỉ bị thiệt lãi suất tầm hơn chục tỷ.

Cực chẳng đã, câu chuyện này phải trình lên Thủ tướng xem xét giải quyết. Cũng may “đèn giời soi xét”, Thủ tướng đã chỉ đạo EVN phải giữ nguyên cơ cấu giá bán điện như hồi năm 2009, tức cao hơn 63% so với giá tạm tính năm 2012.

Theo báo cáo của CTCK HSC (HCM), hợp đồng mua bán điện mới sẽ được ký trước Đại hội cổ đông VSH dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới. Tuy vậy, chuyện hợp đồng mới này áp dụng từ khi nào, chỉ từ năm 2012 thôi hay sẽ hồi tố cho cả hai năm 2010-2011 vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

Minh Tuấn

tuannm

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên