MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng thuế, cấp phép kinh doanh bia: Khó khả thi!

13-11-2014 - 13:53 PM | Doanh nghiệp

Theo đề xuất của Chính phủ, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với bia, từ ngày 1.7.2015 sẽ tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1.1.2017 sẽ tăng lên 60%; từ năm 2018 tăng lên 65%.

Sau khi xuất hiện rất nhiều dư luận trái chiều liên quan đến những quy định khó khả thi của dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh bia, sáng 12.11, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và các doanh nghiệp (DN) để lấy ý kiến trái chiều đóng góp về dự thảo này.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo đề xuất của Chính phủ, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với bia, từ ngày 1.7.2015 sẽ tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1.1.2017 sẽ tăng lên 60%; từ năm 2018 tăng lên 65%.

Tại hội thảo, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - cho rằng: Việc tăng thuế TTĐB đối với bia - rượu sẽ gây tác động lớn đến DN và người tiêu dùng (NTD). Theo ông Tuất, tăng thuế TTĐB sẽ khiến giá bia tăng lên, đẩy khó cho NTD, buộc họ phải tìm đến những đồ uống có cồn khác rẻ hơn đi kèm với chất lượng không đảm bảo. Điều này dẫn đến nguồn thu NSNN sẽ giảm đi.

“Tổng thu NSNN năm 2013 là 860.000 tỉ đồng thì toàn ngành bia đã đóng góp gần 40.000 tỉ đồng. Nếu tăng thuế TTĐB thêm 5% thì NSNN sẽ giảm thêm 6%. Nếu loại thuế này tăng lên 60-80%, DN bia sẽ chết”, ông Tuất phân tích.

Do đó, Chủ tịch Sabeco cho rằng khi soạn thảo quy định về thuế, Bộ Tài chính cần có tư duy làm chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện cho DN mở rộng sản xuất thay vì kìm hãm kinh doanh, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), ông Huỳnh Văn Nam - Trưởng phòng Chính sách thuế - lại cho rằng, tăng thuế TTĐB nhằm giảm tình trạng lạm dụng bia rượu và đồ uống có cồn, đồng thời tăng thu NSNN. Cũng theo ông, Bộ Công thương nên có chính sách chú trọng hơn đến đối tượng bia không cồn. Cụ thể, hiện nay mới chỉ có một nhà máy sản xuất bia không cồn, tuy nhiên vẫn chưa có chính sách về quản lý và thuế đối với loại bia này.

Thực tế, nhiều nước đã áp dụng việc không thu thuế TTĐB đối với loại bia này; áp mức thuế đối với bia dựa vào độ cồn như một số nước lấy mức 0,5% độ cồn để thu thuế, nhưng có nước lại áp dụng mức 0,2%. Do đó, ông đề nghị bổ sung thêm các điều khoản về từ ngữ, quản lý, chính sách thuế đối với bia không cồn và cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng.

Cấp phép kinh doanh là không cần thiết!

Về nội dung cấp phép trong sản xuất bia, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA - nhận định, việc sản xuất bia hiện nay đang được quản lý theo quy hoạch của Bộ Công thương và ngành sản xuất bia đang được quản lý rất tốt. Bên cạnh đó, chủ trương của Chính phủ cũng đang hạn chế các thủ tục cấp phép để khuyến khích sự phát triển của DN.

Do vậy, ông Việt cho rằng, việc cấp phép sản xuất kinh doanh bia như trong dự thảo nghị định là không cần thiết bởi tạo thêm rào cản cho hoạt động của DN, làm rườm rà thêm các thủ tục hành chính.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Cty luật S&B - bia không phải là mặt hàng hạn chế kinh doanh, do vậy cần sửa đổi luật theo hướng hạn chế các thủ tục hành chính, nhất là cơ chế xin - cho, tạo thuận lợi cho các DN trong hoạt động kinh doanh. Cũng theo ông Hà, tính khả thi của việc cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi rất khó, vì quy định này rất khó kiểm soát, khó có tính khả thi trên thực tế.

Chủ tịch Sabeco chỉ ra rằng, bia chỉ là đồ uống giải khát, không phải mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do vậy, nghị định mới cần phải bám vào vệ sinh ATTP, công nghệ và kỹ thuật sản xuất, cùng những vấn đề liên quan đến môi trường, an toàn và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, nghị định mới cần chú trọng hơn nữa đến việc quản lý tiêu dùng bia.

>> Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Rượu lậu sẽ “lên ngôi”?

Theo Hoàng Hà

thunm

Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên