MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn CMC thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển

26-06-2014 - 11:46 AM | Doanh nghiệp

Về quy mô, CIRD có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, vốn hoạt động lên tới 100 tỷ đồng.

Sáng nay, 26/6/2014, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) tổ chức Lễ thành lập Viện nghiên cứu và phát triển CMC (CIRD)

Quyết định thành lập CIRD đã được CMG thông qua tại Nghị quyết HĐQT ngày 16/6/2014. Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng giám đốc Công ty giải pháp phần mềm CMC đã được bổ nhiệm làm Viện trường. CIRD là đơn vị thành viên thứ 8 thuộc CMG.

CIRD và những kỳ vọng

Về chức năng nhiệm vụ của CIRD, ông Nguyễn Trung Chính – Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết Viện nghiên cứu và phát triển CMC có chức năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào sản xuất kinh doanh các công nghệ cao, công nghệ mới thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT).

Sau khi thành lập, CIRD sẽ tổ chức nghiên cứu phát triển các giải pháp về SMAC (Social, Mobile, Analytics, Cloud), về bảo mật và an toàn thông tin, phần mềm và dịch vụ trên nền điện toán đám mây, các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới nội dung số và Internet TV,…

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Kim Cương, Viện trưởng đầu tiên của CIRD cho biết ý tưởng thành lập Viện bắt nguồn từ sự lệch pha về mối quan tâm trong việc tạo lợi thế trong dài hạn và hiệu quả trong ngắn hạn. Ngoài ra còn có sự khác biệt về góc nhìn giữa các nhà khoa học, giới nghiên cứu về công nghệ và giới kinh doanh chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ. Tập đoàn CMC cũng băn khoăn  về khả năng huy động các nguồn lực cho sự phát triển vì không có các hội đồng khoa học chuyên trách trong việc thẩm định các dự án đầu tư hoặc thẩm định chiến lược công nghệ. CIRD ra đời với mong muốn “khỏa lấp” được những băn khoăn nói trên.

CIRD đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với mục đích hợp tác về đào tạo, tổ chức các cuộc thi sản phẩm sáng tạo, sinh viên nghiên cứu khoa học, hợp tác về nghiên cứu, hợp tác về các hướng xây dựng sản phẩm tiềm năng.

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa CIRD và Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐHBK Hà Nội

Trên thực tế, thành lập Viện hay không thì Tập đoàn vẫn phải có các trung tâm R&D. Tuy nhiên, nếu đặt trong nhiệm vụ thuần kinh doanh, áp lực về lợi nhuận cao cùng những mục tiêu ngắn hạn khiến hiệu quả nghiên cứu có thể bị sụt giảm. Nghiên cứu khoa học công nghệ luôn có mức rủi ro cao, vì thế khó có thể đặt trong môi trường doanh nghiệp, cần đặt trong mục tiêu lợi ích dài hạn.

Bất kỳ ai trong tổ chức của CMC đều có thể tham gia công tác sáng tạo và phát huy năng lực, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới cho doanh nghiệp.

Nhân lực nghiên cứu khoa học còn rất nhiều, đặc biệt ở các trường Đại học, các viện Nghiên cứu. CIRD còn nhắm đến nguồn nhân lực từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Nguồn vốn hoạt động từ đâu?

Về quy mô, CIRD có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, vốn hoạt động lên tới 100 tỷ đồng. Đại diện Tập đoàn CMC cho biết nguồn 95 tỷ còn lại dành cho hoạt động sẽ được huy động từ vay tín dụng, từ các đối tác tài trợ cho các chương trình nghiên cứu, từ các quỹ hỗ trợ nghiên cứu phát triển.

Nếu trong trường hợp doanh nghiệp thuần túy, vốn hoạt động 100 tỷ đồng/vốn điều lệ 5 tỷ đồng có thể được coi là không an toàn, nhưng với Doanh nghiệp nghiên cứu thì khác vì tận dụng được nhiều nguồn hỗ trợ. Ông Nguyễn Trung Chính tự tin về nguồn vốn CIRD có thể thu hút trong tương lai.

Về đặc thù nguồn lực hỗ trợ, ông Nguyễn Trung Chính đưa "ví dụ" vừa rồi Tập đoàn được 1 tổ chức của Thụy Điển tài trợ cho một khoản tiền không nhỏ để sản xuất sản phẩm anti virus trên sản phẩm mobile. Sản phẩm đã được triển khai và ra mắt thành công.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên