Thành viên HĐQT công ty sản xuất "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" kêu gọi tẩy chay bộ phim
Cuổi tuần trước, đại hội cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) đã diễn ra với kết quả không khác các kỳ đại hội lần trước và không ngoài dự đoán của nhiều người. Sự mâu thuẫn gay gắt giữa hai nhóm cổ đông lớn – nhỏ càng thể hiện rõ ở lần đại hội bất thường này.
Bác bỏ mọi thứ của nhau
Như những lần đại hội trước, không một yêu cầu nào của Hội đồng quản trị PNC đưa ra được nhóm cổ đông lớn (chiếm trên 62%) thông qua và ngược lại, mọi yêu cầu của nhóm cổ đông này cũng bị bác bỏ bởi những cổ đông nhỏ, nòng cốt là Ban quản trị Công ty chiếm trên 37%. Điều này không có gì ngạc nhiên khi những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông lớn và phần còn lại của PNC đã kéo dài kể từ đầu năm.
Nhóm cổ đông lớn cho rằng mọi kết quả báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị PNC đưa ra trước các kỳ đại hội cổ đông đều là “công bố thông tin sai sự thật” và “biến lỗ thành lãi”. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa ra các bằng chứng để chứng minh những cáo buộc của mình trước toàn thể cổ đông thì nhóm cổ đông lớn này vẫn chưa thể làm được.
Điều này không chỉ diễn ra tại một đại hội cổ đông bất thường vừa qua mà diễn ra suốt trong các kỳ đại hội lần trước tại PNC.
Cho rằng không có đủ bằng chứng về việc công bố thông tin sai sự thật, biến lỗ thành lãi, HĐQT Phương Nam đồng thời bác hết mọi đề nghị của nhóm cổ đông lớn này trong việc đề nghị thay đổi thành phần HĐQT PNC.
Kế hoạch kinh doanh trong những tháng cuối năm 2015 và kế hoạch kinh doanh trong năm tới được trình ra trước đại hội cũng bị nhóm cổ đông lớn bác vì cho rằng “thiếu thực tế” và “không trung thực” dù nhóm này chưa đưa ra những bằng chứng cụ thể.
Đỉnh điểm của sự bất đồng này là việc Ban giám đốc yêu cầu bổ sung thêm các ngành nghề kinh doanh đều bị nhóm cổ đông này bác bỏ, mặc cho Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Hoạt đã “năn nỉ” ngay giữa đại hội vì cho rằng các hoạt động này sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho PNC trong các năm tới. Các hoạt động này là: Hoạt động phát hành phim điện ảnh, video và chương trình truyền hình, hoặc Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Một cổ đông nhỏ phát biểu tại Hội nghị: “Đây không chỉ là sự đối đầu của nhóm cổ đông lớn và Hội đồng quản trị mà còn là sự mâu thuẫn quyền lợi giữa những cổ đông ‘cá mập’ với các cổ đông nhỏ là những người đã đi cùng PNC ngay từ ngày đầu”.
Bản chất của mâu thuẫn
Như đã nói ở trên, bản chất của mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông PNC thật ra là mâu thuẫn về lợi ích giữa các cổ đông lớn và Hội đồng quản trị hiện tại. Với nhiều tranh cãi, đề nghị, có vẻ nội dung mấu chốt mà nhóm cổ đông lớn nhắm đến là thay đổi thành phần HĐQT PNC.
Suốt các kỳ đại hội, có thể thấy nhóm đại cổ đông này gần như chỉ có một “vũ khí” để tấn công Ban quản trị hiện tại đó là con số 10 hay 20% cổ phần của PNC trong liên doanh CGV (tiền thân là Megastar), đang được định giá lên đến hơn 20 triệu USD. Sau khi PNC và Evoy cùng ra thông báo về việc PNC có sở hữu hợp pháp 20% cổ phần trong liên doanh CGV, nhóm cổ đông lớn này tiếp tục dùng câu chuyện các khoản nợ và số tiền đóng thay trước đó cho PNC khi liên doanh này còn mang tên Megastar để tấn công tại đại hội bất thường lần này.
Mặc dù công ty kiểm toán độc lập DTL ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất của PNC là “đã phản ánh trung thức và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu…” nhưng nhóm đại cổ đông vẫn quyết không tin vào kết quả kiểm toán này, dù cũng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Kết quả, cả nhóm đại cổ đông lẫn Ban quản trị đã đi đến thống nhất thuê thêm một công ty kiểm toán khác để kiểm toán lại kết quả kinh doanh thời gian qua. Với nhóm đại cổ đông thì mục đích là tìm ra sai phạm còn với Ban quản trị thì mục đích là chứng minh sự điều hành trong sạch của mình.
Một điều được nhiều cổ đông nhỏ thắc mắc tại đại hội kỳ này đó là trong thành phần nhóm cổ đông lớn có mặt những lãnh đạo của công ty Maseco - ông Nguyễn Xuân Hàn. Công ty này trong thời gian trước đã vi phạm bản quyền các nhạc phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An do PNC nắm giữ và giữa Maseco với PNC từng có xung đột xung quanh vấn đề này. Do đó, đã có cổ đông nhỏ đặt câu hỏi về việc phản bác mọi kế hoạch kinh doanh và quyết tâm “chiếm giữ” quyền quản trị của nhóm đại cổ đông này là nhằm mục đích cải thiện kết quả kinh doanh của PNC, hay là mục đích riêng họ?
Một diễn biến kỳ lạ nữa đó là một thành viên có chân trong Hội đồng quản trị của PNC - ông Phạm Uyên Nguyên, đồng thời là một trong những nhân vật nổi bật của nhóm cổ đông nói trên, đã sử dụng tài khoản facebook của mình kêu gọi mọi người tẩy chay bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - một tác phẩm do PNC hợp tác sản xuất, phát hành. Vấn đề này cũng đã được nêu ra tại ĐHCĐ bất thường lần này. Đây là chi tiết ngoài lề hi hữu được đề cập chính thức trong một cuộc họp ĐHCĐ. Việc một thành viên HĐQT kêu gọi người ta tẩy chay sản phẩm của chính công ty mình có lẽ là một việc làm rất… hiếm thấy trên thương trường.
Được biết, bộ phim đang đình đám tại các rạp chiếu khi chỉ mới ra rạp có 3 ngày đã đạt doanh thu 22,7 tỷ đồng, theo thống kê đến sáng 5/10/2015.
Những mâu thuẫn tại PNC - nếu cứ tiếp tục, công ty không thể thông qua bất kỳ kế hoạch, điều khoản nào về hoạt động kinh doanh. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh của Phương Nam - và trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ - những người đã gắn bó lâu dài với công ty.
Trí Thức Trẻ