MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháo chạy khỏi các dự án thủy điện

30-08-2013 - 07:53 AM | Doanh nghiệp

Vốn đầu tư lớn, hiệu quả không cao, đồng thời đã đạt được mục đích chính sau khi... khai thác lâm sản, hàng loạt doanh nghiệp rút khỏi các dự án thủy điện

Sau một thời gian ồ ạt nhảy vào đầu tư dự án thủy điện, một số doanh nghiệp bắt đầu rao bán. Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ vì mục đích khai thác lợi ích kinh tế từ dự án thủy điện thì sẽ khó có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền mua lại trong giai đoạn này.

Đại gia rút lui trước

Giữa tháng 7-2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố bán xong 6 dự án thủy điện là Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2 (có 4 dự án đã vận hành và 2 dự án đang xây dựng) với lý do đầu tư thủy điện không còn mang lại tỉ suất lợi nhuận cao, số tiền lãi thu được từ việc bán 6 dự án thủy điện này dùng để cơ cấu lại nguồn vốn của tập đoàn và tiếp tục đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào vì giá bán điện tại Lào cao hơn (giá bán điện tại Lào là 1.278 đồng/KWh, tại Việt Nam là 800 đồng/KWh).

Trong đó, tổng công suất các nhà máy khoảng 211,7 MW, gồm 4 nhà máy đang phát điện tổng công suất 141,5 MW, 2 dự án Bá Thước 1 và Daksrong 3A đang trong quá trình xây dựng. Theo thông tin từ phía HAGL, việc bán các dự án này giúp HAGL giảm nợ vay 1.876 tỉ đồng và thu về khoản doanh thu tài chính 2.099 tỉ đồng. Trước đó, quý IV/2012, HAGL cũng bán bớt hơn 5% cổ phần của Công ty Thủy điện HAGL.

Tập đoàn Trung Nam cũng đang xúc tiến nhượng bớt phần vốn trong dự án thủy điện Đồng Nai 2 (Trung Nam nắm 90% tổng vốn đầu tư, tương đương gần 3.000 tỉ đồng) dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm nay. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang tìm đối tác nhượng lại một phần vốn trong 2 dự án thủy điện Krong Nô 2 và Krong Nô 3 (đã khởi công cách đây vài năm, dự kiến cuối năm 2012 phát điện nhưng do thiếu vốn nên vẫn chưa hoàn tất).

Giới chuyên gia cho rằng việc 2 tập đoàn HAGL và Trung Nam thông báo thoái lui khỏi dự án thủy điện là những dấu hiệu ban đầu khơi mào cho cuộc tháo chạy khỏi các dự án thủy điện sắp diễn ra.

Không chạy mới lạ!

Theo ông Phạm Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các chủ đầu tư tháo chạy khỏi các dự án thủy điện là việc hiển nhiên nhưng nhiều khả năng là... bán không ai mua. Tại các hội thảo về thủy điện, nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện đã gặp ông than thở vì thua lỗ. “Nghiêm túc mà nói, tư nhân đầu tư khai thác thủy điện không thể có lời bởi những dự án lớn, có hiệu quả thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm hết rồi. Đa số các chủ đầu tư sau một thời gian ồ ạt nhảy vào lĩnh vực này theo phong trào đã ngấm đòn: Đầu tư tiền tỉ vào dự án nhưng nguồn thu vào còm cõi, không đủ để trả lãi vay ngân hàng chứ nói gì đến khả năng thu hồi vốn. Đó là chưa kể tình trạng dự án đã hoàn thành, phát điện nhưng EVN không mua hoặc mua với giá rẻ” - ông Phạm Viết Ngãi nói.

Ngoài lý do thua lỗ, các doanh nghiệp cũng đang rốt ráo rút lui trước thời hạn năm 2017 bởi theo quy hoạch phát triển bền vững ngành năng lượng và điện, đến năm 2017 sẽ kết thúc tất cả các dự án thủy điện. Khi đó, chỉ còn các dự án điện lớn, hiệu quả mới được triển khai xây dựng, các dự án thủy điện nhỏ và vừa vốn không chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng sản lượng điện phát sẽ bị loại bỏ.

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, theo các chuyên gia năng lượng và kinh tế, trên thực tế, các dự án thủy điện nhỏ đã được cấp phép đầu tư tràn lan không mang mục đích sản xuất điện. Thời gian qua, số lượng thủy điện nhỏ được quy hoạch rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao; phần lớn các thủy điện này có công suất dưới 10 MW nhưng diện tích chiếm đất rừng lớn (trên 14 ha/MW điện).

Có thể nói, mục đích chính của nhiều chủ đầu tư là thông qua dự án thủy điện để khai thác lâm sản, khi đã khai thác hết gỗ thì không cần tiếp tục dự án thủy điện nữa. Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận có nhiều dự án thủy điện chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết tiến độ đã đề ra, gây nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội; chậm trồng rừng bù lại diện tích do xây dựng thủy điện, việc quản lý chất lượng các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng.

Cả nước còn 899 dự án

Mới đây, sau khi rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã đề xuất loại bỏ 338 dự án và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, nhà đầu tư trả lại do không khả thi hoặc không có ai quan tâm...

Hiện trên cả nước còn 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW, trong đó có 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang thi công xây dựng, 266 dự án đang nghiên cứu đầu tư để xem xét cho phép khởi công trong thời gian tới, 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư.

Theo Đông Nghi

thunm

Người lao động

Trở lên trên