MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường taxi: Cuộc đua công nghệ

10-09-2015 - 09:25 AM | Doanh nghiệp

Ứng dụng đặt taxi qua smartphone đang làm nóng thị trường khi các thương hiệu Uber, Grab Taxi, Easy Taxi... liên tục đầu tư cải tiến công nghệ, buộc các hãng truyền thống như Vinasun, Mai Linh... dù đang thống lĩnh thị trường phải thay đổi phương thức kinh doanh.

Từ sau sự xuất hiện của Uber, các thương hiệu "taxi công nghệ” liên tục ra đời và nâng cấp các ứng dụng, đưa thị trường taxi vào cuộc đua mới.

Tăng đầu tư

Sau thời gian thử nghiệm, mô hình đặt chỗ taxi qua smartphone đang làm nóng thị trường khi các thương hiệu liên tục đầu tư, cải tiến công nghệ, đưa ra nhiều dịch vụ mới. Mở đầu cho trào lưu này là Easy Taxi, sau đó là Grab Taxi, Uber, iMove...

Ưu điểm của dịch vụ này là chỉ cần những chiếc smartphone có kết nối 3G hoặc internet, khách hàng có thể gọi taxi gần nhất một cách nhanh chóng, biết được lộ trình và số tiền phải trả, tiết kiệm được một khoản chi phí. Với lợi thế nhanh, an toàn, dịch vụ này đã nhanh chóng thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng taxi.

Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh dịch vụ này, cuộc cạnh tranh về công nghệ đang diễn ra khá gay gắt. Vì thế, cùng với việc tung ra các chương trình khuyến mãi, các doanh nghiệp (DN) còn chạy đua trong việc đầu tư vốn, công nghệ, phát triển dịch vụ mang đến sự trải nghiệm thú vị cho người dùng.

Chỉ hơn nửa năm 2014, Easy Taxi đã chi gần 1 triệu USD cho chiến dịch khuyến mãi. Cũng dựa vào tốc độ tăng trưởng ba con số tại thị trường Việt Nam, năm 2014 Easy Taxi đã được Phenomen Venturer (Nga) và Tengelmann Ventures (Đức) rót thêm 40 triệu USD vào thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

Không thua kém, ngày 20/8, Grab Taxi công bố nhận thêm 350 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Ông Anthony Tan - Giám đốc Điều hành và là người đồng sáng lập Grab Taxi, cho biết: "Số tiền đầu tư mới này sẽ được dùng để nghiên cứu, phát triển công nghệ, đặc biệt khi Công ty tiếp tục mở rộng cơ sở kỹ thuật hiện có ở Singapore, Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc".

Trong khi đó, để thay đổi thói quen cũng như đem dịch vụ đến gần hơn với người dùng, Grab Taxi đã triển khai dịch vụ thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài các công nghệ ứng dụng phần mềm cho phép hành khách biết trước các thông tin về lái xe, phương tiện vận chuyển, hành trình, thời gian và chi phí chuyến đi, Uber tiếp tục đưa ra phần mềm cho khách hàng đánh giá tài xế và có thể từ chối những tài xế mà phần mềm hiển thị với nhiều đánh giá thấp.

Mọi chuyến đi của Uber đều được giám sát bằng định vị GPS, thông tin của chủ xe, tài xế và hành khách đều rất minh bạch. Mới đây nhất là sự gia nhập của thương hiệu iMove do Công ty TNHH Tôi Di Chuyển vận hành.

Theo ông Trương Trọng Hào - Giám đốc Điều hành iMove, hiện Công ty đang cung cấp dịch vụ miễn phí cho các hãng taxi và tìm nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo.

Cách sử dụng iMove không có nhiều khác biệt so với các ứng dụng đặt taxi trên smartphone khác. Cụ thể, tất cả taxi triển khai ứng dụng iMove trong bán kính 2km được phân loại theo thứ tự từ gần đến xa nhất sẽ hiển thị trên màn hình để hành khách lựa chọn.

Ứng dụng iMove sẽ hiển thị lộ trình, cự ly, thời gian giữa điểm đi và đến bằng Google Map ứng dụng GPS. Trước iMove, thị trường đã xuất hiện các tên tuổi nước ngoài như Uber, Grab Taxi, Easy Taxi.

Hút khách hàng

Không chỉ đầu tư vào công nghệ, dịch vụ cộng thêm cũng được các hãng đầu tư nhằm lôi kéo khách hàng. Mới đây, Uber đưa ra thử nghiệm phương thức thanh toán bằng tiền mặt tại TP.HCM và Hà Nội.

Người dùng chỉ cần ấn vào tùy chọn thanh toán bằng tiền mặt, yêu cầu hành trình như bình thường, và trả tiền mặt trực tiếp cho tài xế vào cuối hành trình.

Hấp dẫn hơn, Uber đã cho khách hàng trải nghiệm hành trình trên không bằng trực thăng miễn phí tại Đà Nẵng. Còn tại TP.HCM và Hà Nội, Uber mang đến cho khách hàng trải nghiệm hình thức mua và nhận kem trực tiếp trên giao diện của ứng dụng Uber.

Mục đích của Uber khi đưa ra các dịch vụ này, theo ông Shaun Phạm, đại diện truyền thông của Uber Đông Nam Á, là muốn giới thiệu các tính năng tiện ích và trải nghiệm mới khác mà Uber có thể mang đến cho người dùng ngoài việc kết nối giữa tài xế xe và hành khách.

Với những ứng dụng mới, lượng khách hàng đến với Uber càng tăng. Ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Uber Việt Nam, cho biết, số lượng vận chuyển mỗi ngày của Uber đạt hơn 1 triệu chuyến xe trên toàn cầu.

Trong 4 nước khu vực Đông Nam Á mà Uber đầu tư, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng nhanh nhất.

Cụ thể, tại Hà Nội và TP.HCM, cứ mỗi 5 giây lại có người đặt xe thông qua ứng dụng Uber. Thời gian đón khách cũng như chờ xe chỉ còn trung bình 4 phút.

Công nghệ kết nối thông minh của Uber đã nâng cao hiệu suất sử dụng ô tô lên ngưỡng 65% so với mức trung bình 30 - 40% của thị trường. Công ty đang có kế hoạch mở rộng đầu tư ở một số tỉnh- thành lớn trong năm nay.

 

Hai hãng taxi chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam là VinaSun và Mai Linh, doanh thu của cả hai hãng này trong năm 2014 lần lượt là 3.770 và 2.741 tỷ đồng.

Ước tính, tổng số tiền huê hồng mà Mai Linh và VinaSun phải trả cho các công ty kinh doanh dịch vụ gọi taxi là hơn 500 tỷ đồng/năm.

Đây chính là vấn đề khiến các hãng taxi và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi taxi như Grab Taxi không tìm được tiếng nói chung.

Không thua kém đối thủ, Grab Taxi ngoài các dịch vụ cung ứng trên taxi còn đưa vào sử dụng nhiều dịch vụ mới trong lĩnh vực vận chuyển.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam, cho biết, thời gian qua, Grab Taxi còn mở rộng dịch vụ ra các dịch vụ vận tải khác như xe máy chở khách (Grab Bike), giao hàng (Grab Express) và đang thực hiện đề án thí điểm dịch vụ Grab Car với mục tiêu phát triển kết nối cho ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ.

Đến nay, Grab Taxi đã có mạng lưới rộng khắp và một loạt lựa chọn dịch vụ đa dạng, từ taxi, xe máy chở khách, xe máy giao hàng, xe hợp đồng.

Theo ông Alexander Lê - Giám đốc Điều hành Easy Taxi Việt Nam, đến cuối năm 2014, Easy đã đạt hơn 100.000 người Việt Nam sử dụng ứng dụng Easy Taxi theo đúng mục tiêu đề ra. Hiện ứng dụng của Grap Taxi đang đứng đầu thị trường Đông Nam Á với hơn 6,1 triệu lượt tải.

Theo thống kê từ hệ thống Social Listening của Younet Media, Grab Taxi có độ nhận diện thương hiệu tốt nhất trên môi trường kinh doanh trực tuyến nhờ khai thác khả năng lan truyền của Facebook và Fanpage.

So với các đối thủ cùng mô hình như Uber, Easy Taxi..., Grab Taxi chiếm ưu thế tuyệt đối về độ nhận diện thương hiệu trực tuyến khi chiếm đến 62% lượng thảo luận và tin tức về dịch vụ.

Theo HỒNG NGA - Ý NHI

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên