Thuốc lá lậu vẫn "hấp dẫn", do đâu?
Trên 70% người hút thuốc lá lậu là do hương vị hợp "gu" sử dụng, do tò mò hoặc do bạn bè mời; 15% sử dụng thuốc lá lậu là do giá cả.
- 08-05-2014Người tiêu dùng nói gì khi nước ngọt có gas tăng giá?
- 22-04-2014Dự thảo nước ngọt có gas không cồn sẽ bị áp thuế TTĐB 10%
- 12-04-2014Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có gas
- 12-03-2014Nhiều nước gỡ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt
TS. Lê Quang Thuận cho rằng, việc kiểm soát buôn lậu thuốc lá phụ thuộc vào hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường. Dẫn chứng cho nhận định nói trên, TS. Lê Quang Thuận cho biết, từ năm 1980 đến năm 1994, Chính phủ Canada đã thực hiện tăng thuế thuốc lá nhưng buôn lậu thuốc lá chỉ bắt đầu từ năm 1994.
Ngoài ra, Thụy Điển là nước có giá thuốc lá cao nhất thế giới nhưng lại có tỷ lệ buôn lậu mặt hàng này thấp nhất thế giới, trong khi đó Malaysia tăng mạnh thuế thuốc lá năm 2004 lên mức 55% nhưng buôn lậu năm 2004 lại giảm 29%.
Cùng quan điểm với TS. Thuận, bà Phan Thị Hải- Phó Chánh Văn phòng Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đưa ra thêm một số dẫn chứng cho thấy giá cả thuốc lá tăng không ảnh hưởng đến vấn đề buôn lậu.
Cụ thể, theo khảo sát toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) 2010 cho thấy: Sản phẩm thuốc lá buôn lậu HERO và JET chiếm 90% tổng thị trường thuốc lá. Mức giá trung bình của hai loại thuốc này cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%.
Bên cạnh đó, qua điều tra người sử dụng thuốc lá lậu tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam, Bộ Y tế nhận được kết quả: Trên 70% người hút thuốc lá lậu là do hương vị hợp "gu" sử dụng, do tò mò hoặc do bạn bè mời; 15% sử dụng thuốc lá lậu là do giá cả.
Điều này chứng minh rằng, tại Việt Nam, hương vị hay còn gọi là "gu hút" tác động nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng thuốc lá lậu chứ không phải giá cả.
Bà Hải nhấn mạnh thêm, việc tăng giá thuốc lá tại Việt Nam không phải là nguyên nhân chủ yếu làm tăng buôn lậu vì giá của phần lớn thuốc nhập lậu đều cao hơn giá thuốc cùng loại được sản xuất trong nước.
Việc gia tăng buôn lậu thuốc lá phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: Hiệu quả hoạt động kiểm soát buôn lậu, khả năng kiểm soát tại biên giới; khả năng kiểm soát mạng lưới bán lẻ thuốc lá tại các quốc gia; mức độ minh bạch hay tham nhũng trong công tác chống buôn lậu tại các nước.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB được Bộ Tài chính đưa ra xin ý kiến rộng rãi từ cuối tháng 1-2014, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10-2014 và chính thức có hiệu lực từ 1-7-2015.
Cho đến nay, Ban soạn thảo đã nhận được 71 ý kiến tham gia bằng văn bản, trong đó có 69 ý kiến đồng ý và 2 hiệp hội không đồng ý.
Hội thảo lần này là một kênh khác để Bộ Tài chính thu thập thêm những ý kiến đóng góp thiết thực từ đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, một số cục thuế địa phương, Hiệp hội rượu, bia, thuốc lá, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới... để những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật thiết thực hơn, hiệu quả hơn khi đi vào cuộc sống.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu, giải trình và dự kiến đưa ra tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 5 này- ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết.
Được biết, thuế TTĐB hiện nay đang áp dụng cho 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ với số thu chiếm tỉ lệ 11-12% thu thuế, phí, lệ phí nội địa hàng năm.
Trong bối cảnhcác nguồn thuế trực thu đang giảm dần để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, khuyến khích lao động, các sắc thuế gián thu như thuế Giá trị gia tăng, thuế TTĐB cần phải được tăng lên để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước đồng thời góp phần điều tiết tiêu dùng.
Với tiêu chí đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nước ngọt có ga không cồn (thuế suất 10%) và kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả có thưởng thông qua nhắn tin vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế suất một số mặt hàng cần hạn chế sử dụng như thuốc lá (tăng từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018); bia (tăng từ 50% lên 65% hoặc tăng thuếcó lộ trình trong 3 năm từ 50% lên 55% áp dụng 1-7-2015; 60% từ 1-1-2017; lên 65% từ 1-1-2018), rượu (tăng từ 50% lên thuế suất 65% đối với rượu từ 20 độ trở lên, từ 25% lên 35% đối với rượu dưới 20 độ).