Thuỷ sản Hùng Vương có còn là “ngôi sao cá tra”?
Trong khi doanh thu tăng trưởng đều đặn thì tỷ suất lợi nhuận ròng của Thuỷ sản Hùng Vương đang ngày một đi xuống.
Mải mê chinh chiến M&A
Ra đời từ năm 2003, từ một doanh nghiệp nhỏ có vốn điều lệ ban đầu là 32 tỷ đồng, đến nay, sau 13 năm hoạt động, CTCP Hùng Vương đã nâng vốn điều lệ lên tới 1.891 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hùng Vương thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để hoàn thiện quy trình hoạt động theo chuỗi cung ứng khép kín, mở rộng quy mô và thị phần.
Trong năm 2015, ngoài việc mua thêm cổ phiếu VTF, FMC, TFC để tăng tỷ lệ kiểm soát lên lần lượt là 90,36% - 54,28% - 62%, Hùng Vương còn đầu tư thành lập thêm 2 công ty con mới là Công ty Cổ phần Hùng Vương Sông Đốc (HSĐ2 - chiếm 51% vốn điều lệ, tương đương 25,5 tỷ đồng) và Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre (HBTc - chiếm 90% vốn điều lệ, tương đương 180 tỷ đồng).
Ngoài ra, cũng nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển mở rộng nhưng Hùng Vương chưa thực hiện góp vốn còn có Công ty Cổ phần Hùng Vương Ba Tri (HVT – thành lập tháng 12/2011, hoạt động chính là sản xuất cá giống), tỷ lệ góp vốn theo Giấy phép Đăng ký kinh doanh là 80%.
Như vậy, tính đến 31/12/2015, quy mô Tập đoàn Hùng Vương đã lên đến 22 công ty con và liên kết lớn nhỏ khác nhau, chia làm các nhóm hoạt động chính: sản xuất con giống - nuôi trồng - sản xuất thức ăn - chế biến thủy sản - chế biến phụ phẩm - xuất khẩu.
Tuy nhiên điều đáng lưu tâm là trong khi doanh thu của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng đều đặn thì tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu lại không được như kỳ vọng, thậm chí càng lúc càng thấp.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn tiếp tục gặp khó. Theo báo cáo của VASEP, giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2015 là Mỹ và EU, chiếm 38,8% tổng xuất khẩu đều chưa có dấu hiệu khả quan. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 260,7 triệu USD, giảm 4,6% còn giá trị xuất khẩu sang EU đạt 245,9 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đi Mỹ và EU, nhu cầu nhập khẩu của hai thị trường này rất chậm, yêu cầu khắt khe và khó tính hơn về chất lượng sản phẩm nhưng giá bán không tăng, thậm chí nhiều khách hàng vẫn muốn thương lượng giảm giá để mua vào. Trong top 5 thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất Châu Âu, duy nhất thị trường Anh có giá trị xuất khẩu tăng trưởng tốt, khả quan so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 40 triệu USD, tăng 16,8% so với 10 tháng đầu năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường lớn khác là: ASEAN; Mexico và Brazil tiếp tục giảm. Tính đến hết tháng 10, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này giảm lần lượt: 1,9%; 10% và 44,5% so với cùng kỳ năm 2014. Cho đến nay, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này tăng trưởng không ổn định và nhiều tháng rơi xuống mức tăng trưởng âm. Giá xuất khẩu sang các thị trường này không tăng, cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh mẽ với một số sản phẩm thủy sản khác như: cá rô phi, cá thịt trắng, cá hồi… tại ASEAN, Mexico và Brazil.
Đáng lưu ý, thị trường châu Âu và châu Á vẫn là 2 thị trường xuất khẩu chính của HVG. Tính trong 9 tháng đầu năm nay, mặc dù tỷ trọng tại thị trường châu Âu tăng lên nhưng xét về số lượng và giá trị, cả hai thị trường chính đều có sự sụt giảm.
Trong khi đó, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn đang giữ vị trí ổn định trong ngành khi luôn dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra.
Rủi ro khi vay nợ quá nhiều
Theo báo cáo tài chính 9 tháng 2015, nợ phải trả tăng vọt từ 6.155 tỷ đồng đầu năm lên tới 11.487 tỷ đồng, tương ứng chiếm tới 77% tổng nguồn vốn HVG . Trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn tăng từ 4.034 tỷ đồng lên 7.873 tỷ đồng.
Trong năm nay, Hùng Vương đã vay nợ để xây mới và mở rộng thêm 3 nhà máy chế biến cá tại Tiền Giang, Sa Đéc và Bến Tre, xây thêm 2 nhà máy chế biến tôm tại Sóc Trăng cùng một kho lạnh tại Bạc Liêu.
Việc có khoản vay nợ lớn đã khiến chi phí lãi vay ăn mòn vào lợi nhuận doanh nghiệp. Tính trong 9 tháng, chi phí lãi vay của HVG lên đến 230 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, hàng tồn kho cũng tăng mạnh (+63%), chiếm 4.819 tỷ đồng.
Để phù hợp với những kế hoạch đầu tư mới, HVG cho biết doanh nghiệp đang dần thay đổi cơ cấu vốn theo hướng chuyển từ ngắn hạn sang trung và dài hạn.
Trong năm 2015, HVG đã phát hành thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có thời hạn 3 năm cho 3 tổ chức là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (700 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (300 tỷ đồng), và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (300 tỷ đồng).
Dự kiến trong 2016, Hùng Vương sẽ phát hành thêm trái phiếu không chuyển đổi với tổng mệnh giá trên 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, nợ vay của HVG sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong năm 2016.
Tuy vậy, HVG vẫn có vẻ khá lạc quan. Trong khi lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2015 chỉ mới mon men ở mức 118 tỷ đồng, HVG đã mạnh tay lên mục tiêu năm 2016, doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt là 20.000 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng.
Đánh giá của CTCK MBKE cho biết, thông tích tích cực từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) với quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) giảm so với kỳ POR10. Bên cạnh đó, hiệp định FTA (Liên minh Hải quan giữa Việt Nam với EU và Việt Nam với Nga - Belarus - Kazakhstan) cũng sẽ tác động tích cực cho sản lượng xuất khẩu của cá tra Việt Nam. Riêng HVG, những nhà máy chế biến mới của HVG cũng được kỳ vọng sẽ làm tăng sản lượng cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp này.
BizLIVE