MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền của nhà đầu tư chảy vào túi ông chủ "Học làm giàu" thế nào?

15-01-2016 - 09:23 AM | Doanh nghiệp

Ngay khi xuất hiện những khuất tất tại Công ty IDT, ông chủ "Học làm giàu" bỗng dưng “biến mất”, số máy luôn trong tình trạng không liên lạc được.

Mấy ngày gần đây, thông tin về ông chủ của dự án "Học làm giàu" mất tích đã nhận được sự chú ý của rất nhiều người.

Bởi lẽ, dự án này từng một thời "làm mưa, làm gió", được coi là cứu cánh của không ít người có mong muốn trong 1 thời gian ngắn có thể làm giàu một cách nhanh chóng.

Và người được coi là anh cả, người thuyền trưởng của dự án này là ông Phạm Thanh Hải (SN 1966), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (Công ty IDT).

Tài "chém gió" siêu đẳng

Theo giới thiệu trên trang web của Học làm giàu thì ông Phạm Thanh Hải, sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại Học và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp Belarus (Minsk, Liên Xô cũ) năm 1994.

Ông là người có bề dày nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại Trung tâm Thông tin Khoa học Kỹ thuật Quốc tế (Maxcơva, Liên bang Nga) và Tập đoàn Masan (Nga).

Từ năm 1995-2003, ông là một trong những thành viên sáng lập, ủy viên Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Masan (Liên bang Nga).

Từ năm 2007-2010, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty IDT. Từ năm 2010 đến nay, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty IDT.

Theo chia sẻ của ông Hải, dự án Học làm giàu được ra đời dựa trên ý tưởng, việc làm giàu có thể học hỏi được, là một điều gì đó rất phổ thông.

Đánh đúng tâm lý đó, chỉ trong một thời gian ngắn, dự án này thu hút được đông đảo các thành viên tham gia vào mạng lưới.

Những thành viên này xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, từ già cho đến trẻ, từ trai đến gái.


Phạm Thanh Hải: Định hướng Học làm giàu

Phạm Thanh Hải: Định hướng Học làm giàu

Bằng tài ăn nói hoạt bát, lối dẫn dắt thu hút người nghe, ông Hải đã gieo rắc vào đầu các thành viên một tư tưởng rằng: Làm giàu sẽ làm cho cuộc sống tươi đẹp vô cùng.

Tham gia vào mạng lưới Học làm giàu, các thành viên có thể trao đổi, liên hệ, giúp đỡ mọi người cách làm giàu một cách bài bản hơn.

"Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều biện pháp tài chính để mọi người có thể kiếm tiền được.

Một trong những biện pháp đầu tiên mà giúp các thành viên của Học làm giàu kiếm tiền, có thu nhập vài triệu đồng một tháng cho đến vài chục triệu một tháng là thông qua chương trình cộng tác tiên.

Chúng tôi nghĩ ra các chương trình tiếp theo nữa để các thành viên có thể khai thác được từ các giải pháp của học làm giàu để có thu nhập từ nhỏ đến lớn tùy thuộc vào mức độ quan tâm", ông Hải từng nhấn mạnh trong một sự kiện chia sẻ thông tin của dự án này.

Công ty này đã mời gọi các thành viên góp vốn với lãi suất siêu “khủng” từ 30 đến 60% năm, nếu khách hàng bỏ tiền góp vốn vào công ty IDT trị giá 1 tỷ thì sau một năm số tiền đó được hứa đó sẽ thành 1,6 tỷ cả gốc lẫn lãi.

Chỉ với lời hứa có cánh khi đánh vào tâm lý lãi suất lớn mà chỉ trong một thời gian ngắn, dự án này đã thu hút hàng trăm khách hàng tự nguyện góp vốn với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.


IDT dành không ít thông tin đăng tải về các vấn đề liên quan đến cây mắc-ca

IDT dành không ít thông tin đăng tải về các vấn đề liên quan đến cây mắc-ca

Bên cạnh Học làm giàu thì Dự án trồng cây mắc-ca cũng là một trong những lĩnh vực IDT dày công tuyên truyền, phổ biến nhằm huy động vốn đầu tư của các thành viên trong mạng lưới.

Mắc-ca được biết đến là một loại cây trồng tỷ đô, có thể đem lại thu nhập "khủng" cho người lao động.

Hơn nữa, đây là một loại cây trồng mới, đã được một số vùng như Thanh Hóa, Tây Nguyên trồng ứng dụng, cho hiệu quả cao.

Không ít những người nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú vì trồng loại cây nông nghiệp này.

Đánh đúng xu hướng đó cũng như tâm lý ham làm giàu của đại bộ phận các thành viên, IDT đã quảng cáo, đầu tư khoảng 4.000 ha trồng mắc-ca ở Điện Biên.

Đồng thời, đơn vị này khẳng định: “1 ha mắc-ca giá trị lợi nhuận tới 2.000 - 3.000 USD".

Trong website của công ty cũng dành không ít thông tin đăng tải về các vấn đề liên quan đến cây mắc-ca, đầu tư phát triển mắc-ca.

Vô hình, những thông tin này đã khiến các thành viên lầm tưởng rằng, đơn vị có dự án phát triển cây tỷ đô này. Và đây được coi là "cần câu" nhà đầu tư nhiều nhất, "hút" tiền về cho công ty IDT.

Chiêu lừa đảo trắng trợn

Khi được mời gọi góp vốn với lãi suất cao nhất lên đến 60%, không ít người tỏ ra ngạc nhiên vì không hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này như thế nào mà lại có thể mạnh tay kêu gọi đầu tư hấp dẫn như thế.

Bởi lẻ, lãi suất này cao gấp rất nhiều lần mà các ngân hàng đưa ra. Hơn thế nữa, từ trước đến giờ, chưa có một doanh nghiệp nào lại đưa ra lời mời chào tốt hơn như ở dự án Học làm giàu.

Tuy nhiên, những kỳ vọng của các nhà đầu tư đã nhanh chóng "đổ xuống sông, xuống bể".

Thực chất của dự án này theo đánh giá của không ít người chỉ là một dạng biến tướng của kinh doanh đa cấp không chân chính.

Đơn vị này huy động vốn dưới dạng ủy thác đầu tư cho công ty đi đầu tư hộ mình (có hợp đồng ủy thác, nhưng không có công chứng). Thậm chí, có những hợp đồng còn không có chữ ký của bên nhận ủy thác.

Đơn cử như trường hợp của bà N.T.K (ở Thanh Chương, Nghệ An). Bà K. đã ký 3 hợp đồng ủy thác đầu tư với tổng giá trị là 685 triệu đồng.

Nay cả 3 hợp đồng đó đều đã quá hạn, gia đình bà K. đã nhiều lần liên lạc để lấy tiền theo như cam kết, nhưng phía Công ty IDT đã không chịu chi trả đúng hạn và có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền trên.

Ngay khi xuất hiện những khuất tất tại Công ty IDT, ông Phạm Thanh Hải bỗng dưng “biến mất”, số máy luôn trong tình trạng không liên lạc được.

Điều này đã là không ít nhà đầu tư lo lắng. Một số nhà đầu tư tuần nào họ cũng tìm lên công ty vài lần để nghe ngóng thông tin, nhưng lần nào cũng ra về mà không có bất cứ thông tin gì.

Còn về dự án cây mắc-ca, tháng 4/2015, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 2748/BC-BNN-TCLN gửi Thủ tướng Chính phủ. Công văn khẳng định chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch cây mắc-ca.

Theo công văn này, quy trình nhân giống, chăm sóc và công nghệ chế biến đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Tuy nhiên, từ tháng 6/2014, IDT đã chính thức giới thiệu ra thị trường 4 sản phẩm nhân mắc-ca cao cấp

Về phía ông Trần Công Nhì, Giám đốc Công ty Cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên cho biết, ông có biết ông Phạm Thanh Hải nhưng IDT không hề có liên quan gì với công ty này.

Như vậy, miếng "bánh vẽ" 4.000 ha trồng mắc-ca ở Điện Biên vẫn chỉ là một ẩn số, và số tiền đơn vị này huy động cho dự án đã "không cánh mà bay"?

Trong một diễn biến khác, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TP Hà Nội cho biết, khoảng 3 tháng trước, đơn vị này đã tiến hành bắt giữ ông Phạm Thanh Hải.

Ông Hải bị bắt để điều tra về hai hành vi “Kinh doanh trái phép” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Việc vị Chủ tịch này bị bắt cùng những mảng đen trong hoạt động của dự án bị phanh phui đã đánh sập không biết bao nhiêu mộng tưởng làm giàu một cách nhanh chóng theo cách của ông Hải đưa ra.


Phạm Thanh Hải: Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo

Phạm Thanh Hải: Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo

Theo Pha Lê

Trí Thức trẻ/Soha

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên