MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP. Hồ Chí Minh: Dồn lực cho sản xuất

09-06-2013 - 07:50 AM | Doanh nghiệp

Để duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế, chính quyền TP.Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp (DN) đang tập trung dồn lực cho hoạt động sản xuất hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố, không duy trì được nhịp độ sản xuất, mọi hoạt động của nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Tập trung dồn lực cho hoạt động sản xuất của cộng đồng DN là ưu tiên hàng đầu của UBND thành phố. Những vướng mắc trong sản xuất của DN cần được giải quyết ngay.

Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) trong tháng 5 của thành phố ước đạt 1,95 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng 4. Năm tháng đầu năm, kim ngạch XK ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng XK chủ yếu là: May mặc, thủy sản, giày dép, gạo, thiết bị điện tử, trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 60% tổng giá trị kim ngạch XK hàng hóa từ đầu năm đến nay. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 5,5% so với tháng trước, chủ yếu tập trung vào các ngành chế biến thực phẩm, quần áo, da giày, hóa chất. Tính chung 5 tháng đầu năm, công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế của thành phố từ đầu năm đến nay vẫn duy trì mức tăng trưởng hợp lý, nhưng không đúng với kỳ vọng của kế hoạch đã đề ra. Sản xuất của các DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nguồn vốn để tái sản xuất, nguyên liệu đầu vào cao, hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp là những vấn đề mà DN nào cũng vướng.

Khi “lâm bệnh” DN không tìm được phương thuốc phù hợp thì điều xấu nhất đã đến. Giám đốc Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh - Đào Thị Hương Lan - cho biết, hiện có hơn 6.300 DN gửi thông báo ngưng hoạt động, 914 DN đã giải thể và con số này chắc chắn chưa thể dừng lại.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm tất cả các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm về mức 13%/năm và tổ chức cơ cấu lại số nợ của hơn 76.000 lượt khách hàng. Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên được NHNN điều chỉnh từ 11%/năm xuống còn 10%/năm.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - Nguyễn Thị Hồng:

Dồn mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, giảm hàng tồn kho, mở rộng thị trường là kế hoạch ưu tiên của thành phố thực hiện từ nay đến cuối năm.

Ông Trần Đức Linh - Phó giám đốc Công ty TNHH SX - TM Long Việt (quận Phú Nhuận) - cho rằng, lãi suất giảm nhiều là điều may cho các nhà sản xuất nhưng DN vẫn khó lòng vay vì tình hình sản xuất rất khó khăn. Nếu vay với lãi suất chuẩn 10%, DN sản xuất chỉ từ hòa vốn đến lỗ. “Để DN sống được vào lúc này, vốn vay dành cho sản xuất hàng hóa ngân hàng nên chia sẻ với DN chỉ từ 7-8% là hợp lý”- ông Linh đề xuất.

Hiện nay, nguồn tiền tại các ngân hàng đang dồi dào, không ít ngân hàng đang “phát sốt” vì lượng tiền cho vay ít và ngày càng giảm. Đại diện một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài chia sẻ, ngân hàng muốn cho vay nhưng “sức khỏe” của DN không tốt thì khó mà thực hiện. Các DN chưa đủ điều kiện vay nhưng cần vốn để sản xuất, nếu như hiệp hội ngành hàng hoặc các quỹ đầu tư đứng ra bảo lãnh một phần trách nhiệm thì không khó vay vốn. 

Để cứu các DN và duy trì hoạt động sản xuất, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành trực tiếp vào cuộc. Ngoài công tác “tìm thuốc” để phòng bệnh từ xa, nhiều lãnh đạo cấp thành phố, cấp sở đã trực tiếp xuống tận nhà máy để tìm hiểu những khó khăn, chia sẻ tâm tư của chủ DN, công nhân nhằm tiếp thêm lực cho sản xuất duy trì hoạt động. 

Theo Thế Vĩnh

thunm

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên