MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trực tiếp ĐHCĐ OPC: Cổ đông đề nghị ban điều hành “có một kế hoạch kinh doanh mạnh mẽ hơn”

10-04-2015 - 10:46 AM | Doanh nghiệp

Năm 2015 OPC đưa ra kế hoạch kinh doanh lợi nhuận trước thuế 88 tỷ đồng, tăng 1,8 tỷ đồng so với thực hiện năm 2014. Năm nay OPC dự kiến sẽ chào bán CP cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1 giá 12.000 đồng/CP.

Sáng ngày 10/04/2015 Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của CTCP Dược phẩm OPC (MCK: OPC) đang diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 2014, OPC đạt gần 613 tỷ đồng doanh thu, vượt 5,7% kế hoạch, tăng 8,6% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế đạt 86,2 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Cổ tức thực hiện 20%/mệnh giá, trong đó OPC đã thực hiện chi trả đợt 1 là 10% bằng tiền. Thu nhập bình quân đạt 11,9 triệu đồng/tháng/người.

Năm 2015, OPC đặt kế hoạch doanh thu 615 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 88 tỷ đồng, cổ tức 20% bằng tiền, thu nhập bình quân của người lao động 12 triệu đồng/tháng/người.

Tại đại hội, các cổ đông cho rằng, kế hoạch kinh doanh của OPC đưa ra là thận trọng, và nhiều năm qua tăng trưởng ở mức thấp, chưa xứng đáng với tiềm năng phát triển của OPC. Cổ đông đề nghị ban điều hành cần đưa ra kế hoạch kinh doanh mạnh mẽ hơn.

Phản hồi ý kiến của cổ đông, đại diện OPC cho rằng: Kế hoạch kinh doanh năm 2015 đã được cân nhắc, hoạt động kinh doanh năm 2015 được đánh giá là rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong Tổng công ty đã bảo hòa. Nhiều doanh nghiệp dược xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2015 bằng thực hiện năm 2014. OPC đã tính toán kỹ, phân tích đánh giá khả năng nhận khoán của các chi nhanh. Dù con số đưa ra khiêm tốn, nhưng để thực hiện chỉ tiêu nói trên là không phải dễ.

Năm nay, OPC sẽ chào bán cổ phần cho CBCNV (ESOP) tương đương với 5% số CP đang lưu hành và chào bán CP cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1 với giá chào bán cho cả 2 đối tượng nói trên đều là 12.000 đồng/CP.

Liên quan đến kế hoạch phát hành CP tăng vốn điều lệ, cổ đông cho rằng, tại sao OPC không dùng nguồn tài trợ vốn vay từ ngân hàng, bởi cổ đông tin rằng lãi suất vay của OPC mà ngân hàng áp dụng là ở mức thấp.

Theo đại diện của OPC, việc phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu nhằm chia tách/pha loãng cổ phiếu để gia tăng thêm gia trị cho cổ đông (mức cổ tức vẫn giữ nguyên 20% trên vốn điều lệ mới). Bởi OPC khó có thể tăng cổ tức cao hơn do công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm – liên quan đến người bệnh. (Nếu chia cổ tức đồng nghĩa là công ty đang gia tăng lợi ích của mình từ người bệnh).

Về vay vốn ngân hàng thay vì phát hành CP, đại diện OPC thừa nhận đúng là OPC đang được nhiều ngân hàng chào cho vay vốn với lãi suất 6-7%/năm nhưng OPC không vay. Công ty muốn chuyển lợi ích (lãi) cho cổ đông thông qua huy động vốn từ cổ đông (phát hành CP) thay vì chuyển lợi ích (lãi) cho ngân hàng. Công ty sẽ vay ngân hàng cho các khoản đầu tư lớn (nếu có).

Cổ đông có ý kiến OPC nên giảm giá chào bán CP cho cổ đông hiện hữu từ mức 12.000 đồng/CP xuống mức 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, đại diện cổ đông nhà nước – Tổng công ty dược Việt Nam cho rằng, việc phát hành CP giá cao hơn mệnh giá sẽ tạo ra khoản thặng dư vốn cho công ty, giúp làm tăng giá trị doanh nghiệp.

Sau khi tiếp thu ý kiến của cổ đông và đại diện cổ đông nhà nước về giá phát hành CP cho cổ đông hiện hữu và CBCNV, chủ tọa đoàn tiến hành lấy ý kiến cổ đông về mức giá chào bán CP cho CĐHH: (i) 10.000 đồng; (ii) 12.000 đồng; cũng như lấy ý kiến cổ đồng về mức giá chào bán CP ESOP: (iii) giá 12.000 đồng/CP; (iv) giá 15.000 đồng/CP. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc công ty đề nghị mức giá phát hành CP ESOP là 12.000 đồng/CP.

Kết quả, cổ đông biểu quyết thông qua mức giá chào bán CP cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/CP; giá chào bán CP ESOP cho CBCNV là 12.000 đồng/CP (dù có cổ đông không đồng ý).

Thời gian phát hành cổ phiếu ESOP trong quý 2-3/2015, phát hành CP cho cổ đông hiện hữu trong quý 3-4/2015.

Số tiền thu được thu được từ việc phát hành cổ phiếu nêu trên được dùng để đầu tư cơ sở vật chất cho chi nhánh Hà Nội, xây dựng Xưởng chế biến thuốc phiến và mở rộng mạng lưới phân phối thuốc phiến, bổ sung vốn vào phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

Trở lên trên