Ts. Lê Xuân Nghĩa kể chuyện về công ty riêng: Chọn ngành được Chính phủ ưu đãi để làm
Ngành sản xuất bao bì có công nghệ đơn giản, được ưu đãi về thuế và có thể tận dụng lợi thế lao động giá rẻ cũng như cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán
Những người quan tâm đến kinh tế không ai không biết đến Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nhưng bất ngờ một hôm, chúng tôi gặp ông tại một buổi lễ kỷ niệm với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCP Sản xuất xuất nhập khẩu NHP – một công ty chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm bao bì dệt PP.
Cơ duyên nào khiến ông Lê Xuân Nghĩa từ một chuyên gia kinh tế nổi tiếng, nghỉ hưu tại cơ quan nhà nước, trở thành thành viên Ban tư vấn cho Thủ tướng Chính Phủ rồi lại bắt đầu đi vào con đường kinh doanh?
Chia sẻ về câu chuyện này, ông Nghĩa cho biết, trước đây, khi còn là Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường, ông đã làm rất nhiều hợp đồng nghiên cứu thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó, khi chuyển sang làm Vụ trưởng vụ chiến lược của Ngân hàng nhà nước, ông cũng tham gia hoạch định nhiều chiến lược quan trọng cho các Ngân hàng thương mại.
Sau mấy chục năm làm việc lại các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước, khi nghỉ hưu, ông Nghĩa bắt đầu nhìn lại xem “trên thị trường Việt Nam, sản phẩm nào có tiềm năng vững chắc nhất?”.
Ngành sản xuất bao bì – cơ hội từ sự ưu đãi của Chính phủ và các Hiệp định thương mại
“Hiện tại, Việt Nam vẫn có hai lợi thế. Một là lao động rẻ. Hai là có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam chuẩn bị ký kết. Vì vậy tôi đã lựa chọn thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu, công nghệ tương đối đơn giản để có thể sử dụng được nhiều lao động đồng thời chọn một địa bàn giá đất rẻ (huyện Phúc Thọ - Hà Nội) để có thể tiết giảm chi phí đầu tư cố định” – Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, tại các nước phát triển, do đất đai và tiền lương nhân công đắt nên thường không sản xuất sản phẩm này mà chủ yếu nhập khẩu từ các nền kinh tế mới nổi có lao động giá rẻ như Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu bao bì rất lớn bởi vì rõ ràng, tất cả các loại sản phẩm hàng tiêu dùng, nông phẩm, phân bón hay hóa chất … đều cần bao bì.
Hiện tại, CTCP NHP của ông Nghĩa đang sản xuất các mặt hàng bao bì PP phục vụ cho ngành phân bón, thức ăn chăn nuôi và khoáng sản theo công nghệ Đài Loan để xuất khẩu và tiêu thụ một phần nhỏ trong nước tại thị trường miền Bắc. Đây là loại bao bì phổ biến, nhưng dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng nhà máy số 2 áp dụng công nghệ châu Âu và đa dạng hóa mặt hàng hơn với các sản phẩm bao bì xi măng, túi dùng cho siêu thị và bao bì cho ngành thực phẩm bánh kẹo.
Lại nói về lợi thế riêng của ngành sản xuất bao bì, theo biểu thuế xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải Quan, hiện nay thuế nhập khẩu nguyên liệu hạt nhựa PP là 1% (mới tăng từ mức 0% trước đây). 70% nguyên liệu hạt nhựa PP của công ty NHP được nhập từ Đài Loan và Hàn Quốc, 30% còn lại lấy từ nguồn trong nước. Ưu đãi về thuế là một lợi thế không nhỏ của ngành sản xuất bao bì bởi vì không chỉ ưu đãi thuế nhập khẩu mà thuế xuất khẩu sản phẩm này cũng là 0%.
Bên cạnh đó, theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, các Hiệp định Thương mại tự do đang đàm phán có thể mở ra cho Việt Nam lợi thế rất lớn về thị trường.
Thị trường chính của công ty NHP đang là Châu Âu. Đi vào các thị trường lớn hơn, yêu cầu của người ta là phải cung cấp một lượng hàng rất lớn và ổn định. Điều này chưa phù hợp với quy mô còn nhỏ của công ty. Vì thế, việc xuất khẩu sang những thị trường lớn mới mang tính thử nghiệm. Sắp tới chúng tôi sẽ nâng công suất nhà máy lên để phù hợp với những khách hàng lớn hơn.” – Chủ tịch HĐQT của công ty cho biết.
Hạn chế vay vốn ngân hàng
Tư duy quản lý của Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa là “dùng vốn tự có và hạn chế vay vốn Ngân hàng” đồng thời “tránh dùng vốn ngắn hạn để đầu tư vào trung, dài hạn”. Ông cho rằng lãi suất cho vay hiện nay (chủ yếu ở mức 13%) là quá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, đối với một doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, với “vốn liếng còn hạn chế, tài sản đảm bảo ít, danh tiếng trên thương trường chưa có” sẽ khiến cho các ngân hàng thương mại nhìn họ đầy nghi ngờ.
Chính vì vậy, công ty của ông có dư nợ ngân hàng rất ít và chủ trương niêm yết trên sàn giao dịch để có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán.
Nêu ý kiến về những chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia nhận xét:
“Chính sách của Chính phủ khá hợp lý nhưng áp dụng vào thực tiễn còn nhiều vấn đề. Tôi nghĩ nếu chính sách của chúng ta không hướng tới sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp thì họ quá khó khăn. Không những phải nỗ lực chứng minh giá trị thực tiễn, lựa chọn một thị trường có tiềm năng, xây dựng bí kíp về công nghệ và quản trị… mà họ còn phải đối phó với các “ông lớn” trong ngành vì các ông này cũng không thích mấy doanh nghiệp nhỏ nhỏ nhảy vào thị trường của họ”.
Tiếp tục chia sẻ về quan điểm quản trị của mình, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng khi chuyển từ nghiên cứu kinh tế sang kinh doanh, nhất thiết phải tìm được đội ngũ đồng hành là những người có kinh nghiệm và giỏi chuyên môn trong ngành.
“Trước hết phải lựa chọn một đội ngũ quản lý giỏi về kỹ thuật chuyên môn trong ngành mình sản xuất. Thứ hai là lựa chọn đội ngũ kinh doanh quốc tế thành thạo, có kinh nghiệm thương trường quốc tế. Thứ ba là đi vào những chuẩn mực quản trị để tạo ra lợi thế lâu dài. Thứ tư là có chiến lược marketing tập trung, tạo ra giá trị cho công ty.”
Quan trọng hơn, ông nhận định, để công ty có uy tín trên thương trường thì phải minh bạch về tài chính.
“Chúng tôi quy định công ty chỉ có một sổ sách tài chính được kiểm toán nghiêm túc. Điều này có lợi thế là tạo uy tín cho khách hàng và đối tác, đồng thời tạo sự thuận lợi trong quản lý.” – Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Giữ lại những “bí mật” được gọi là lợi thế riêng của công ty, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa vui vẻ cho biết, mặc dù mới thành lập vào tháng 10/2013 với vốn điều lệ ban đầu là 25 tỷ đồng do 4 cổ đông sáng lập góp vốn nhưng sau 1 năm, công ty đã đạt được những kết quả khả quan. Sau khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1: 1,5 tăng vốn điều lệ lên 125 tỷ, công ty mới bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 4/2014. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng, công ty đã có lãi với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là 11%. Với công suất nhà máy 60 triệu sản phẩm/năm, con số doanh thu ước tính cho năm 2014 của NHP là 80 -100 tỷ.
Doanh nghiệp sản xuất phải chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường
Công nghệ sản xuất bao bì khá đơn giản: hạt nhựa PP được đem vào nấu lỏng, đưa vào máy kéo thành sợi rồi chuyển sang máy dệt thành tấm và cuối cùng là cắt may. Theo đó, ông Nghĩa cho biết, việc xử lý nước thải tại nhà máy không có gì khó khăn vì quá trình chế biến hạt nhựa PP từ nguyên liệu đến thành phẩm đều khép kín. Công ty đã trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và khí thải.
Nhưng quan trọng hơn, “kinh tế xanh là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững”, với việc đã nắm được bí quyết sản xuất loại bao bì tự hủy (loại bao bì tự hủy sau 6 – 8 tháng), công ty định hướng tăng sản lượng sản phẩm này trong tương lai vì đây là sản phẩm tiêu chuẩn của thị trường châu Âu và Mỹ. Hiện nay, do thị hiếu tại các thị trường khác nhau nên công ty chỉ sản xuất bao bì tự hủy theo đơn đặt hàng. Cũng do chi phí sản xuất bao bì tự hủy cao hơn bao bì không phân hủy nên đa số doanh nghiệp đều chọn tiêu thụ loại không tự hủy.
Song quan điểm của Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Nghĩa là “bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề vô cùng bức thiết. Chính phủ phải kiên trì chính sách và tiến tới cấm các doanh nghiệp sản xuất bao bì không tự hủy. Nhưng tốt hơn cả là bản thân mỗi doanh nghiệp sản xuất nên tự giác để đi đến một sự tăng trưởng bền vững trong tương lai…”
>> Doanh nghiệp kể chuyện thương trường
Bảo Ngọc