MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTF: Không thể chờ lỗ mới "cứu"

27-02-2013 - 14:35 PM | Doanh nghiệp

"Mặc dù chúng tôi kinh doanh luôn có lợi nhuận (dù có giảm thấp trong những năm khủng hoảng vừa qua) nhưng ngân lưu quá khó khăn do nhiều nguyên nhân." - Phó Tổng giám đốc TTF cho biết.

Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) gây sự chú ý của nhà đầu tư với quyết định phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Bên cạnh đó, công ty còn đề ra hàng loạt biện pháp không ngoài mục đích giải phóng ngân lưu. 

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với chị Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng giám đốc công ty. 

Gần đây công ty đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm giải phóng ngân lưu, xin chị cho biết việc triển khai đã đi đến đâu?

Chị Ngô Thị Hồng Thu: Nói chung có 3 nhóm giải pháp chính: duy trì hạn mức vay, tăng vốn chủ sở hữu và thanh lý tồn kho. Tất cả các nhóm giải pháp đều đã được thực hiện nghiêm túc và liên tục, tuy nhiên kết quả không trọn vẹn như kế hoạch. Do đó, mặc dù Công ty vẫn còn duy trì được hoạt động cho đến ngày hôm nay nhưng vẫn còn phải lo “gạo bữa”. 

Việc duy trì hạn mức vay thì hầu hết là thực hiện được nhưng có phần chậm trễ trong khâu xét duyệt nên cũng có ảnh hưởng mạnh đến ngân lưu của Công ty trong thời gian trước Tết Nguyên đán. 

Việc tăng vốn chủ sỡ hữu thì đã được thực thi thành công, nhưng theo quy trình được quy định bởi những luật lệ liên quan thì tiền về Công ty dự kiến từ ngày 5 – 10/3/2013. 

Đối với việc thanh lý nguyên liệu tồn kho thì cũng không thể nhanh như dự kiến vì đó là những nguyên liệu có giá trị cao nên khó tiêu thụ mạnh trong thời gian khủng hoảng kinh tế, do đó chỉ đạt được khoảng 50% kế hoạch.

Hàng tồn kho là một vấn đề khá lớn đối với TTF, kế hoạch cụ thể của công ty như thế nào? Việc bán rẻ nguyên vật liệu đã nhập khẩu trước kia có thể gây những thiệt hại nào đáng kể cho công ty?

Trước năm 2008, giá nguyên liệu tăng trung bình 18%/năm trong khi lãi suất là dưới 12%. Do đó, HĐQT đã đưa ra quyết định dự trữ nguyên liệu sau khi tăng vốn cuối năm 2007. Tuy nhiên, quyết định đó đã trở nên sai lầm khi khủng hoảng kinh tế xảy ra và kéo dài từ 2008 đến nay.

Thực ra nguyên liệu chậm luân chuyển cần thanh lý chỉ nằm trong phạm vi dưới 400 tỷ, còn lại là nguyên liệu mới đang được dự trữ cho các đơn hàng hiện tại. Do đặc tính ngành hàng, nguyên liệu cần được mua về để được cưa xẻ - sấy – chế biến trong vòng 2 – 4 tháng tùy loại. Vì vậy, để thực hiện những đơn hàng lớn, buộc lòng tồn kho nguyên liệu cũng phải lớn theo.

Trong năm 2012 chúng tôi cũng đã thanh lý được gần 40 tỷ nguyên liệu chậm luân chuyển cần thanh lý (tính từ tháng 7 sau khi HĐQT có nghị quyết đồng ý bán lỗ). Và kế hoạch năm nay sẽ tối thiểu là 100 tỷ đồng.

Việc bán rẻ nguyên liệu nhập khẩu (mà chủ yếu là gỗ Teak) sẽ tạo ra khoản lỗ từ 20-30% tùy chất lượng và phân loại gỗ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiến hành để thu hồi vốn cho Công ty trong bối cảnh ngân lưu còn quá khó khăn.

. Chị có thể nói thêm gì về kế hoạch phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá? Những rủi ro mà doanh nghiệp có thể đối mặt? Theo báo cáo tài chính, những năm gần đây TTF chưa từng báo lỗ, vậy nguyên nhân của những quyết định này là gì, thưa chị?

Việc phát hành cổ phần dưới mệnh giá cho cổ đông hiện hữu của TTF thật sự là cần thiết và hầu như không ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nếu cổ đông thực hiện quyền mua. Rủi ro cao nhất mà chúng tôi dự kiến là không thể phát hành được nếu giá thị trường không cao hơn giá phát hành trên 10%, và số tiền thu vào ít hơn dự kiến nếu nhiều cổ đông bỏ quyền mua. Tuy nhiên, đợt phát hành đã diễn ra khá thành công khi giá thị trường cao hơn đến 20% và được bảo lãnh phát hành.

Mặc dù chúng tôi kinh doanh luôn có lợi nhuận (dù có giảm thấp trong những năm khủng hoảng vừa qua) nhưng ngân lưu quá khó khăn xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:

1. Giảm vay theo nghị quyết của ĐHCĐ năm 2012 khoảng 130 tỷ

2. Khách hàng lớn thì hầu hết thanh toán trả sau 30-60 ngày, trong khi đó các nhà cung cấp lại giảm thời gian cho nợ hoặc yêu cầu thanh toán trước

3. Tồn kho nguyên liệu chưa thanh lý được mạnh mẽ do yếu tố đặc thù của loại nguyên liệu và mùa hàng. 

Do đó, để đảm bảo duy trì được doanh số và quy mô Công ty thì chúng tôi cần phải tăng vốn CSH để bù vào. 

. Theo trả lời của chủ tịch Võ Trường Thành với báo chí, kế hoạch lợi nhuận 2013 của TTF có thể gấp đôi con số năm 2012, đó là chưa tính đến nguồn thu từ khai thác rừng. Việc xuất khẩu sản phẩm của TTF có những thuận lợi đáng kể nào, thưa chị?

Nguồn thu từ khai thác rừng năm nay dự kiến chỉ khoảng 40 tỷ đồng, do đây là rừng mà TTF mua lại trước đây, chứ không phải do TTF trồng, nên có hiệu suất khai thác gỗ không cao. Từ năm 2014 trở đi mới khai thác rừng do TTF trồng thì bình quân hằng năm sẽ thu khoảng 100 tỷ đồng. 

Năm nay dự kiến thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật bản đều tăng cao hơn năm 2012. Do đó, việc xuất khẩu của TTF dự kiến sẽ gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, việc hồi phục sẽ rõ nét nhất trong Quý 4 năm nay. Vì vậy trong những Quý đầu của năm, TTF sẽ cố gắng tập trung đẩy mạnh cho việc bán hàng và thi công trong nước.

Chị có thể "hé lộ" điều gì về những cổ đông chiến lược mới của công ty?

Dự kiến trong tuần sau cổ đông chiến lược mới của Công ty mới thực hiện xong việc mua cổ phần của TTF đợt 1. Do đó, trong thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể tiết lộ thông tin về cổ đông này theo hợp đồng bảo mật đã được ký kết.

. Xin chân thành cảm ơn chị.

Minh Thư (thực hiện)

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên