TTF: Luẩn quẩn câu chuyện tiền nong
Những khó khăn nói của TTF sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để, "nếu có một cục tiền trên trời rơi xuống" - chị Ngô Thị Hồng Thu, Phó TGĐ nói vui khi trao đổi với chúng tôi.
- 27-02-2013TTF: Không thể chờ lỗ mới "cứu"
Nhắc đến Gỗ Trường Thành (TTF), người ta nghĩ ngay đến tình hình khó khăn về dòng tiền. Công ty đã làm đủ mọi cách để khắc phục, bao gồm thúc đẩy giải phóng nguyên liệu tồn kho, cắt giảm chi phí, phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá... Vấn đề này, cafeF đã đề cập trước đây trong bài phỏng vấn chị Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng giám đốc công ty.
Không ít người băn khoăn, tại sao từ một doanh nghiệp làm ăn khá, đường lối phát triển tương đối "mạch lạc", thương hiệu phần nào gây được sự chú ý trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu,... TTF lại lâm vào hoàn cảnh thiếu hụt tiền trầm trọng đến như vậy. Bài viết này một phần lý giải nguyên nhân nói trên.
Thứ nhất, các ngân hàng giảm hạn mức không báo trước lộ trình. Có 2 nguyên nhân chính của việc giảm hạn mức đột ngột này. Thứ nhất, là yêu cầu của HĐQT các ngân hàng, các biện pháp kỹ thuật kiểm soát nợ. Thứ hai, oái oăm lại xuất phát từ việc TTF phát hành thành công cổ phiếu bổ sung (và đã phải phát hành dưới mệnh giá, chỉ vì tình hình ngân lưu quá khó khăn) - các ngân hàng mặc định TTF đã có thêm tiền (98 tỷ đồng) - và về nguyên tắc, họ sẽ giảm hạn mức. Cần lưu ý, trước đó, các ngân hàng đã giảm hạn mức 154 tỷ đồng đối với TTF.
Thứ hai, TTF mất vị thế thương lượng trong việc vay vốn ngân hàng, dẫn đến lãi suất các khoản vay công ty nhận được vẫn còn cao, khoảng 11 - 17%. Nguyên nhân lại là vẫn những thiếu hụt ngân lưu khiến công ty đã không trả nợ đúng hạn trong năm trước đó và trở nên "mất uy tín" khi thương lượng vay vốn ngân hàng.
Đại diện TTF cho biết, với đặc trưng xuất khẩu các sản phẩm gỗ cho các tập đoàn lớn trên thế giới, TTF cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác phải áp dụng là xuất hàng trước, nhận tiền sau. Lợi thế này của các tập đoàn trên thế giới có được nhờ quy mô, và áp dụng với hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới, không riêng gì TTF.
Đối với nhà cung cấp gỗ cho TTF, là các doanh nghiệp tại Việt Nam, vốn cũng đang khó khăn trong kinh doanh, họ lại yêu cầu TTF "trả tiền rồi mới nhận hàng", và TTF buộc phải chấp nhận, vì đã nhận đơn hàng từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Nói nôm na, TTF phải trả tiền trước khi mua nguyên vật liệu, và nhận tiền sau khi bán hàng hóa sản phẩm.
Hai phía giằng co, nguồn tiền của TTF trở nên cạn dần qua 2 năm gần đây.
Về phía các ngân hàng, một khi TTF có dấu hiệu giảm doanh thu, việc thương lượng vay vốn trở nên khó khăn vì các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ của họ. Ngân hàng không cần biết ngọn nguồn của việc sụt giảm doanh thu, chung quy cũng là do...thiếu tiền. Trên thực tế, đơn hàng của TTF không thiếu, chỉ thiếu tiền để triển khai sản xuất.
Những khó khăn nói trên của TTF sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để, "nếu có một cục tiền trên trời rơi xuống" - chị Ngô Thị Hồng Thu, Phó TGĐ nói vui khi trao đổi với chúng tôi.
Minh Thư
Trí Thức Trẻ
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!