MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vai trò nào cho CFO?

07-04-2016 - 09:34 AM | Doanh nghiệp

Vị trí giám đốc tài chính (CFO) bắt đầu xuất hiện cùng với sự phát triển của TTCK với các chức năng như xây dựng chiến lược tài chính liên quan đến cổ phần, nguồn vốn, thuế; quan hệ với ngân hàng (NH), NĐT… Nhưng nhiều năm qua, vai trò của CFO vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức.

Từ mờ nhạt

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính-NH, phân tích: “Tại một số quốc gia phát triển, vai trò của CFO chỉ đứng sau CEO (giám đốc điều hành), đặc biệt tại các công ty đại chúng, quy mô lớn. Những nhà quản trị tại những công ty này không chỉ chú trọng vào sản xuất, kinh doanh mà còn phải tính đến việc xây dựng hình ảnh công ty trong mắt NĐT, nâng cao giá trị công ty trên TTCK cũng như tối ưu hóa lợi ích cổ đông, những việc này là bổn phận của CFO”.

Vai trò của CFO mới được hình thành từ 5-10 năm, đã vậy cách nhìn nhận của doanh nghiệp về vị trí này chưa hẳn đúng đắn đã dẫn đến việc không có nhiều CFO chuyên nghiệp.

Chuyên gia phân tích Vũ Xuân Thọ từ Tập đoàn CK KIS (Hàn Quốc) cho biết thêm: “Tại Hàn Quốc, các công ty lớn và đại chúng đều có CFO với vai trò, vị trí rất rõ ràng.

Điểm đáng nói là các CFO này đều phải học và lấy chứng chỉ về nghề CFO của mình, giống như chứng chỉ kế toán trưởng (KTT) tại Việt Nam, chứng chỉ kiểm toán ACCA hay chứng chỉ phân tích CFA. Các chứng chỉ này không chỉ là giá trị bảo chứng về mặt nghiệp vụ mà còn có cả đạo đức nghề nghiệp. Có người dù trình độ nghiệp vụ rất giỏi nhưng vẫn chưa thể được bổ nhiệm làm CFO vì thiếu chứng chỉ này”.

Thế nhưng, hình ảnh, vai trò của CFO trên TTCK Việt Nam hiện nay lại có phần chìm khuất so với CEO hay chairman (chủ tịch HĐQT) bởi 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, HĐQT chưa nhận thức rõ vai trò của CFO trong chiến lược phát triển dài hạn, bền vững của công ty. Minh chứng rõ nét nhất là có những công ty niêm yết làm ăn hiệu quả và cho rằng “thế là đủ”, nên bỏ hẳn mảng IR (quan hệ NĐT) khiến những người bên ngoài rất khó tiếp cận. Điều này không tốt về dài hạn, bởi theo đà phát triển công ty sẽ phải huy động vốn từ công chúng, nhưng cứ với thái độ xa cách như vậy liệu ai muốn chơi chung.

Thứ hai, có những công ty dù nhận thức rõ vai trò của CFO nhưng chairman hay CEO lại làm thay luôn cả vai trò của CFO. Điều này không khó để nhận biết khi nói đến kế hoạch huy động vốn, phát hành CP của không ít những doanh nghiệp lớn người ta thường chỉ thấy vai trò nổi bật của CEO hay chairman. Một mặt, điều này có thể cho thấy năng lực quản trị rất tốt của những người đứng đầu, am hiểu tài chính là lợi thế không nhỏ. Tuy nhiên, việc tất cả công việc dồn vào một người lại đặt ra vấn đề về phân quyền và tách bạch trong hoạt động quản trị. Mặt khác, rủi ro hơn chính là việc CFO trở thành “công cụ” để HĐQT hay ban CEO thực thi những kế hoạch có lợi cho họ vượt qua các chuẩn mực về quản trị, ảnh hưởng tới lợi ích chung.

Đến kém chuyên nghiệp

Ngoài sự mờ nhạt của CFO, còn một thực tế đáng lưu tâm nữa là sự thiếu rạch ròi giữa vị trí CFO và KTT tại một số công ty. Một chuyên gia phân tích kế toán kể lại câu chuyện, khi đặt vấn đề với CFO của một công ty khá lớn về cơ cấu vốn cũng như các báo cáo có liên quan có những bất cập, câu trả lời nhận được là: “Do hệ thống nó như vậy”! Không rõ vị CFO này yếu kém về nghiệp vụ hay làm bộ không hiểu, vì việc xây dựng cơ cấu vốn, các báo cáo sử dụng vốn liên quan chính là trách nhiệm thuộc về CFO.

Thậm chí có những chuyện như khi CFO nhận được thắc mắc của NĐT lại đùn đẩy sang KTT và ngược lại. Chuyên gia kiểm toán Bùi Đăng Bảo chỉ ra điểm khác biệt giữa CFO và KTT, đó là CFO phải có tầm nhìn rộng, xây dựng những kế hoạch mang tính chiến lược và gắn kết với rất nhiều mảng khác nhau từ sản xuất cho đến tiêu thụ, phân phối. Trong khi KTT sẽ tập trung chuyên sâu vào công tác kế toán, kiểm toán, ngân sách, kiểm soát dòng tiền…

Ông Trương Tuấn Dũng Hùng, Trưởng phòng Tài chính CTCP Đầu tư Thương mại SMC, cho biết: “Vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, không ít CFO có xuất phát điểm từ KTT. Bản thân tôi cũng đã có 10 năm (1994-2004) làm KTT và khi đó cách nhìn nhận thường theo xu hướng thận trọng, chặt chẽ, có phần bảo thủ. Khi chuyển sang làm công tác tài chính, việc nắm bắt các nghiệp vụ là khá đơn giản, nhưng tôi cũng phải mất đến 2 năm để thay đổi tư duy từ chỗ bảo thủ sang nhìn xa và dài hạn.

Nói đơn cử, một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ phận tài chính công ty nói chung và CFO nói riêng là hoạch định kế hoạch tài chính cho cả năm, đưa ra những dự báo, giải pháp xử lý khi rủi ro… làm sao để vừa chi tiết, nhưng cũng có điểm nhấn rõ ràng và nhất quán trong dài hạn là không đơn giản”.

Giai đoạn 2006-2007 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của TTCK, các công ty bắt đầu đẩy mạnh huy động vốn dẫn đến nhu cầu quản lý vốn, cổ phần cũng là lúc vai trò CFO xuất hiện và càng về sau càng được quan tâm.

Nhưng như đã nói ở trên, CFO tạm gọi là “đời đầu” xuất hiện nhiều từ các vị trí KTT, dù không thể phủ nhận có những người “tay ngang” cũng rất xuất sắc. Khoảng 5 năm qua, bắt đầu xuất hiện một thế hệ CFO thứ hai, mặc dù chức danh, vai trò chưa được làm rõ, bắt đầu am hiểu hơn về tài chính thông qua việc vạch ra những kế hoạch huy động vốn, phát hành CP, chia cổ tức khá chi tiết, bài bản. Những người này nhờ vào kinh nghiệm làm việc trong ngành CK hoặc trải qua một giai đoạn tăng giảm mạnh của TTCK từ 2006-2010 nên cũng có rất nhiều kinh nghiệm. Thêm một yếu tố nữa là từ giai đoạn 2006-2008, một số trường đại học đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành tài chính với mục tiêu sinh viên có những kiến thức rộng và là nền tảng để có thể trở thành CFO.

Theo Thái Ca

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Trở lên trên