VCCI: Quy mô Doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng ngày càng nhỏ đi
Theo báo cáo thường niên của VCCI, để có mô hình tăng trưởng chất lượng, trước hết phải có 3 yếu tố là cơ cấu kinh tê hợp lý, nền kinh tế hiệu quả và nền kinh tế đủ năng lực cạnh tranh.
Ngày 08/04/2014, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Ủy ban kinh tế quốc hội và Ngân hàng thế giới tổ chức Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng và công bố Lễ công bố Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2013.
Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI giới thiệu báo cáo đề dẫn của Diễn đàn.
Về mối liên hệ giữa phát triển DN và tăng trưởng ở VN, bà Hằng cho biết có 1 câu hỏi mà bà luôn được nghe từ phía DN, đó là “DN chúng tôi đang ở đâu trong quá trình xây dựng chính sách?”
Có nhiều DN nói đang xây dựng 1 chiến lược kinh doanh để khai thác tốt nhất lợi thế cạnh tranh của địa phương, ngành, phù hợp với việc khai thác toàn bộ nguồn lực trong chuỗi cung ứng. Nhưng họ không biết các nhà hoạch định chính sách khi xây dựng 1 chính sách phát triển DN thì sẽ phát động như thế nào đến chiến lược kinh doanh của họ và DN có thể tận dụng từ lợi thế đó như thế nào?
Theo báo cáo thường niên của VCCI, để có mô hình tăng trưởng chất lượng, trước hết phải có 3 yếu tố là cơ cấu kinh tê hợp lý, nền kinh tế hiệu quả và nền kinh tế đủ năng lực cạnh tranh. Còn nhiều yếu tố khác nhưng hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát như thiên tai, biên đổi khí hậu, xã hội và an ninh. Để đạt được 3 yếu tố trên thì phải có thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, chính sách cụ thể liên quan đến phát triển vùng, ngành, địa phương liên quan đến vai trò của DN và hiệp hội DN.
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đi xuống từ 2008 -2009, trùng hợp với khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ đã rất nỗ lực trong năm 2009 -2010 với những gói kích cầu nhưng sau đó tăng trưởng lại đi xuống cho thấy chất lượng tăng trưởng không bền vững. Biểu hiện của việc tăng trưởng không bền vững ấy thể hiện rõ hơn ở chỗ năng suất lao động gia tăng chậm, hiệu quả đầu tư giảm; xuất khẩu là yếu tố tích cực nhất cho tăng trưởng nhưng giá trị gia tăng mà xuất khẩu mang lại không cao, hơn nữa, tỷ lệ xuất khẩu nội địa giảm còn đóng góp chính là đến từ khu vực FDI; Đầu tư công vẫn chiếm tỷ lệ cao, nợ xấu chưa đc giải quyết…
Mặc dù số DN đăng ký tăng nhưng với DN đang hoạt động thì vẫn rất khó. Báo cáo chỉ ra rằng đồ thị tăng trưởng doanh thu của DN qua các năm cũng đồng dạng với đồ thị tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Và theo bà Hằng, điều này cũng lại phản ánh sự không bền vững của nền kinh tế.
Đặc biệt, số liệu từ báo cáo cho thấy xu hướng quy mô DN ngày càng nhỏ đi. Như bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam cũng nhận định: Việt Nam đang thiếu nhiều DN có quy mô trung bình.
Một điểm đáng chú ý, đó là số lượng DN hộ kinh doanh cá thể tăng khá mạnh. Năm 2007, số lượng hộ kinh doanh cá thể là 3,8 triệu hộ nhưng năm 2012 đã tăng lên 4,6 triệu hộ.
“Đây là xu thế cần phải được cải thiện, nếu không, sẽ không có DN đủ lớn để tăng NSLĐ và hiệu quả kinh doanh” – bà Hằng phát biểu.
Hiệu suất sử dụng lao động mặc dù có cải thiện ở khu vực DNNN nhưng toàn bộ khu vực DN thì có xu hướng đi xuống.
Hải Minh