Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó lớn?
Qua khảo sát PCI 2015, hàng loạt rào cản khiến DNNVV khó lớn, như: chi phí không chính thức cao, gánh nặng tiếp đoàn thanh, kiểm tra…
- 04-04-2016Doanh nghiệp “bỏ cuộc chơi” vì thiếu đầu tư dài hạn
- 02-04-2016Báo động doanh nghiệp “chết lâm sàng”
- 02-04-2016“Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân từ chi phí không chính thức”
- 01-04-2016Chi phí ‘bôi trơn’ tiếp tục tăng, doanh nghiệp Việt ngại lớn
Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 (PCI 2015) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ vừa công bố có đặt ra một câu hỏi rằng: Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nước ta khó lớn? Qua khảo sát phán ánh của doanh nghiệp, có hàng loạt những rào cản khiến DNNVV khó lớn.
Thực tế tệ hơn kỳ vọng
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết qua khảo sát, khi khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp nào cũng tràn đầy kỳ vọng về tương lai. Tuy nhiên, sau khi đi vào sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vấp phải những vấn đề như: tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, khả năng thanh toán các chi phí vận hành doanh nghiệp, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp, xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật và hành chính…
Bốn vấn đề cơ bản liên quan tới quá trình hoạt động của DNNVV được đưa vào đánh giá PCI 2015: thị trường, lợi nhuận, khả năng cạnh tranh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương. Kết quả là đáng lo ngại là quy mô doanh nghiệp càng nhỏ, tỷ lệ cảm nhận tệ hơn lại có xu hướng cao hơn ở trên cả 4 nội dung đánh giá.
Dẫn ví dụ, ông Tuấn cho biết: khoảng 20% doanh nghiệp siêu nhỏ và 14% doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa nhận thấy những cơ hội thị trường là tệ hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 6%. Khoảng 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 29% doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa nhận thấy khả năng cạnh tranh tệ hơn trên thị trường so với kỳ vọng, con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 22%.
Thực tế cho thấy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì tỷ lệ các DNNVV gặp thua lỗ tương đối cao: 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa. Một con số tương phản: trong khi có 53% doanh nghiệp siêu nhỏ báo lãi, thì có tới 83% doanh nghiệp quy mô lớn cho biết năm vừa qua là một năm kinh doanh có lợi nhuận.
Lý giải hiện tượng này, theo ông Tuấn, có thể bởi một số DNNVV không đủ sức tồn tại trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn hoặc khó tiếp cận vốn ngân hàng do đã thế chấp hết các tài sản đã có và hiện nay không thể dùng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho vay nữa, điều vốn được nhắc tới nhiều trên báo chí trong thời gian gần đây.
Làm ra 10 đồng, phải mất 1 đồng “bôi trơn”
Trưởng ban Pháp chế của VCCI còn cho rằng, “không có gì ngạc nhiên khi thực tế của sản xuất kinh doanh thấp hơn kỳ vọng ban đầu, cùng với sự không sáng sủa trong kết quả sản xuất kinh doanh của DNNVV trong năm gần nhất, mức độ lạc quan của nhóm này về triển vọng kinh doanh trong tương lai thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp quy mô lớn.
Cụ thể, chỉ có 43% doanh nghiệp siêu nhỏ, 54% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Đối với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, con số này đều là 66%. Đáng lưu ý, có tới 8% doanh nghiệp siêu nhỏ và 6% doanh nghiệp nhỏ cho biết sẽ giảm quy mô hoặc đóng cửa doanh nghiệp; trong khi nhóm quy mô vừa và lớn chỉ có khoảng 2% phải cân nhắc tới lựa chọn này.
Một thực tế đáng buồn là, khi đánh giá về môi trường kinh doanh tại các địa phương, các DNNVV có cảm nhận tiêu cực hơn các doanh nghiệp lớn trên một số lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc chi trả phi phí không chính thức là một gánh nặng khác mà các DNNVV phải đối mặt. 62% doanh nghiệp siêu nhỏ, 68% doanh nghiệp nhỏ đánh giá hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên.
Quy mô của khoản chi phí không chính thức so với doanh thu của các DNNVV cũng tương đối lớn. Khoảng 11% doanh nghiệp siêu nhỏ, 13% doanh nghiệp nhỏ và 10% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp lớn, con số này là 7%. Bên cạnh đó, một tỉ lệ tương đối lớn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (khoảng 65%) và doanh nghiệp vừa (62%) cho biết có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”.
Gánh nặng tiếp… thanh tra
Thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước vẫn là một gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp dân doanh Việt Nam. Theo kết quả điều tra PCI 2015, có tới 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Có một hiện tượng đáng lo ngại: Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao.
Và chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”. Cụ thể, thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra (trung vị) trong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% doanh nghiệp siêu nhỏ, 24% doanh nghiệp nhỏ và 43% doanh nghiệp quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh kiểm tra doanh nghiệp trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với doanh nghiệp quy mô lớn.
Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các đoàn đến doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này lên tới 32%.
Ngoài ra, chi phí thời gian trong các cuộc thanh kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô lớn, thông thường mỗi cuộc thanh kiểm tra thuế thường làm mất khoảng 40 giờ của doanh nghiệp.
Điều tra PCI 2015 cho thấy các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, và thanh toán qua kho bạc là những lĩnh vực mà tỷ lệ doanh nghiệp thấy còn nhiều phiền hà gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp.../.
VOV