MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Viettel liên tục xin bình đẳng với mạng nhỏ?

21-03-2016 - 15:48 PM | Doanh nghiệp

Thêm một lần nữa, lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Viettel đề xuất việc quản lý thị trường viễn thông không "phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ" mà chỉ nên ưu tiênđối với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết Đánh giá thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện của Bộ TT&TT hôm 18/3/2016, Phó Tổng giám đốc Viettel Tống Viết Trung đã khơi lại một câu chuyện mà bản thân Viettel đã nhắc đến nhiều lần trong năm 2015. Dường như nhà mạng này vẫn chưa thực sự "thỏa mãn" với quan điểm và sự giải thích từ cơ quan quản lý liên quan đến cơ chế quản lý bất đối xứng giữa nhà mạng thống lĩnh thị trường (SMP) và nhà mạng không thống lĩnh thị trường (non-SMP).

Theo ông Trung, hiện Nhà nước đang thực hiện chính sách quản lý thắt chặt hơn đối với các SMP, như khi muốn thay đổi chính sách cước, giá cước phải báo cáo lên Bộ TT&TT và phải được phê duyệt. Trong khi đó, các mạng non-SMP được phép bỏ qua thủ tục này.

Vị lãnh đạo Viettel cho rằng phương thức quản lý giá cước như vậy là "chưa đổi mới" và "nhà nước vẫn can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp", SMP do phải đăng ký từng gói cước với cơ quan quản lý nên "dẫn đến bị động, mất cơ hội kinh doanh". Giải pháp mà ông Trung đề xuất là "quản lý giá cước cần tôn trọng việc định giá của doanh nghiệp, đảm bảo tính chủ động của các doanh nghiệp", kèm theo lời kết luận: "Hiện tại chúng ta đang thực hiện chính sách quản lý cước chặt hơn đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, đề nghị trong thời gian tới nhà nước chỉ nên có chính sách ưu tiên với những doanh nghiệp mới tham gia thị trường, như vậy mới đảm bảo thị trường cạnh tranh thực sự".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, phương thức quản lý cước thời gian qua đã có nhiều sự đổi mới, luôn theo hướng bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, đồng thời cũng tạo sự chủ động nhất định cho Doanh nghiệp.

"Việc quản lý giá cước, khuyến mại là để thúc đẩy và bảo vệ cạnh tranh, chống phá giá, chống độc quyền. Đây là việc rất cần thiết để đảm bảo thị trường cạnh tranh phát triển bền vững, tránh nguy cơ bất ổn, tái độc quyền. Trước kia, các dịch vụ chưa phong phú, cung cấp riêng rẽ, phương thức kinh doanh cũng đơn giản hơn bây giờ nên phương thức quản lý cước như lâu nay cơ bản là phù hợp và các doanh nghiêp không có ý kiến. Khi thực tiễn kinh doanh thay đổi nhiều đến mức phải sửa đổi cách quản lý cho phù hợp hơn với thị trường thì cũng là điều bình thường. Nhà nước hoàn toàn không có chủ ý can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp".

Mặt khác, theo phân tích, chính khi chỉ ưu tiên các doanh nghiệp "mới" tham gia thị trường thì Nhà nước lại phải can thiệp nhiều hơn: thay vì chỉ cần tập trung quản lý thông thường là một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì nhà nước lại phải can thiệp vào hoạt động của tất cả các doanh nghiệp đã trở thành “không mới” sau một vài năm tham gia thị trường, kể cả khi thị phần của các doanh nghiệp này không đủ trở thành thống lĩnh.

Câu chuyện phía sau

Nên biết rằng, đây không phải là lần đầu tiên Viettel "xin" được đối xử bình đẳng với các mạng nhỏ hơn. Theo Thông tư 15/2015 được Bộ TT&TT ban hành thì kể từ ngày 15/6/2015, Viettel là DN duy nhất thống lĩnh thị trường dịch vụ điện thoại di động tại Việt Nam, với thị phần dịch vụ điện thoại di động ước tính trên 52%. Hai nhà mạng lớn khác là MobiFone và VinaPhone đều có thị phần dịch vụ điện thoại di động dưới 30% nên đều đã được đưa ra khỏi danh sách SMP kể từ thời điểm nói trên.

Gần như ngay lập tức, Viettel đã lên tiếng phản đối điều này. Không phải vì nhà mạng này không thích vị trí số 1 thị trường, mà bởi vì theo Luật Cạnh tranh và Luật Viễn thông, các DN thống lĩnh thị trường sẽ bị quản lý chặt hơn từ cơ quan quản lý. Ngoài việc bị quản chặt hơn về các gói cước và khuyến mại, DN dạng này cũng không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

Ngược lại, các doanh nghiệp non-SMP sẽ được quản lý "dễ thở" hơn như mỗi khi muốn điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá, họ chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông. Họ cũng có thể ban hành giá cước thấp hơn giá thành miễn sao mức giá mới là hợp lý, không quá bất bình thường so với giá cước trung bình và gây mất ổn định thị trường.

Có vẻ như Viettel coi rằng đây là một sự "bất bình đẳng lớn", nên tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT, một phó Tổng giám đốc khác của Tập đoàn này là ông Lê Đăng Dũng đã kiến nghị Bộ TT&TT không rút bất cứ mạng nào ra khỏi Top 3 "doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường", để tránh tình trạng người dùng nhao từ mạng này sang mạng khác. Nhưng ngay tại Hội nghị đó, đề xuất này đã vấp phải sự không đồng tình từ các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT. Chẳng hạn như Thứ trưởng Phan Tâm, khi ấy đang là Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, quy định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đã được nêu rất rõ trong Luật nên việc đưa doanh nghiệp nào vào, rút doanh nghiệp nào ra khỏi danh sách đó "không phụ thuộc ý muốn chủ quan của Bộ hay của doanh nghiệp".

Đến Hội nghị Sơ kết 6 tháng của Bộ TT&TT, thêm một Phó Tổng giám đốc của Viettel là ông Hoàng Sơn lên tiếng. Lần này, ông Sơn kêu gọi Bộ TT&TT "xem xét, điều chỉnh, sửa đổi" lại các văn bản quy phạm hiện hành để mọi nhà mạng tham gia thị trường, trừ những tân binh mới gia nhập cuộc chơi, không phân biệt lớn - nhỏ, đều phải bị quản lý "bình đẳng như nhau". Lập luận khi ấy, ông Sơn đã dẫn lại Điều 54 của Luật Viễn thông, với nội dung "tôn trọng quyền tự xác định và cạnh tranh về giá cước của doanh nghiệp viễn thông".

Theo Trọng Cầm

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên